Tin tức Quy hoạch điện

Định hướng phát triển điện lực tỉnh Tây Ninh: Bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai, 26/3/2018 | 13:55 GMT+7
Ông Lê Thành Công, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh cho biết, trong việc định hướng phát triển điện thời gian tới, các ngành chuyên môn đã chú trọng những điểm hút điện nhiều như cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu du lịch hoặc vùng nông nghiệp công nghệ cao và tư vấn cân đối lại từng vùng, sau đó mới cân đối nguồn kinh phí để phát triển hợp lý.

Vừa qua, tại cuộc họp thường kỳ, UBND tỉnh đã có xét đến việc đầu tư phát triển các dự án nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhằm nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy thuỷ điện nhỏ gồm nhà máy thuỷ điện Dầu Tiếng công suất 1,5mW do Công ty CP thuỷ điện Dầu Tiếng làm chủ đầu tư đưa vào vận hành từ năm 2007; và nhà máy thuỷ điện CS2 công suất 1,5mW do Công ty CP thuỷ điện CS2 làm chủ đầu tư đưa vào vận hành từ năm 2014. Trung bình lượng điện năng ở mỗi nhà máy là 2.794 mWh/năm.
 
 Ngoài ra, năm 2005, nhà máy đường Bourbon (nay là Thành Thành Công) sử dụng quy trình vừa sản xuất đường vừa sử dụng bã mía thải ra làm nhiên liệu cho nhà máy đồng phát nhiệt - điện cung cấp điện và hơi nước cho nhà máy. Vào cao điểm mùa vụ, điện năng dư thừa của nhà máy sẽ được phát lên lưới điện 110kV hỗ trợ việc cung cấp điện cho lưới điện khu vực khoảng 25mW.
 
Trong quy hoạch phát triển điện lực, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung phát triển lưới điện truyền tải phải đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành các nhà máy điện (điện mặt trời, bã mía…) để đạt được hiệu quả đầu tư chung của hệ thống điện quốc gia và khu vực; phù hợp với chiến lược phát triển ngành Điện, các quy hoạch khác của vùng và các địa phương trong vùng; phát triển lưới điện 500kV, 220kV và 110kV, hoàn thiện mạng lưới điện khu vực nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, giảm thiểu tổn thất điện năng; xây dựng các trạm 110kV ở những khu vực phụ tải tập trung hoặc xây dựng trạm 110kV và các nhánh ra 22kV nhằm giảm bán kính cấp điện của các tuyến trục trung thế có bán kính cấp điện lớn để cấp điện an toàn, tin cậy, giảm tổn thất điện năng, điện áp.
 
Bên cạnh đó, phải bảo đảm nhu cầu điện của tỉnh đạt khoảng 1.383,4mW vào năm 2025; 2.054,8mW điện vào năm 2030; 2.796,4mW vào năm 2035. Giai đoạn 2016-2020 có đường dây 500kV Đức Hoà - Chơn Thành đi qua địa phận huyện Trảng Bàng và huyện Gò Dầu.
 
Ông Lê Thành Công, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong việc định hướng phát triển điện thời gian tới, các ngành chuyên môn đã chú trọng những điểm hút điện nhiều như cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu du lịch hoặc vùng nông nghiệp công nghệ cao và tư vấn cân đối lại từng vùng, sau đó mới cân đối nguồn kinh phí để phát triển hợp lý.
 
Trong 2 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của Tây Ninh khoảng 15%,  là 1 trong 5 tỉnh tăng cao nhất khu vực phía Nam. Trong đó, điện năng dùng sản xuất công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng rất cao. Vì vậy, trong cơ cấu tiêu thụ điện, ngành Điện phải tập trung cho sản xuất công nghiệp (khoảng 66%); 20% cho tiêu dùng và thương mại, còn lại phục vụ nông nghiệp.
 
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, tốc độ tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước. Việc quy hoạch phát triển điện bao gồm quy hoạch NLTT là hết sức cần thiết và lẽ ra phải triển khai sớm hơn.
 
Tuy nhiên, việc triển khai chậm cũng có thuận lợi là lồng ghép vào quy hoạch NLTT- nhất là các dự án điện năng lượng mặt trời đang triển khai hiện nay. Về quy hoạch NLTT, nếu khai thác hết tiềm năng điện mặt trời, nguồn điện này có thể xuất qua các tỉnh khác và có thể xuất khẩu nước ngoài.
Theo: Báo Tây Ninh