Việc tăng giá điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sự chấp thuận của Bộ Công thương nên khó có thể thông báo cho DN biết trước được.
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác truyền thông của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình hình cung ứng điện tại Khu công nghệ cao TPHCM chiều nay (13-11), ông Bùi Tấn Đạt, Trưởng Phòng Bảo trì của Công ty JaBil nêu đề nghị muốn EVN thông báo tỷ lệ tăng giá điện hàng năm hoặc trong giai đoạn 3 năm.
Theo ông Đạt, lâu nay doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn bị động mỗi khi ngành điện tăng giá. “Nếu như EVN thông báo trước lộ trình điều chỉnh giá điện cho 3 năm tới, mức tăng dự kiến mỗi năm bao nhiêu phần trăm, như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chủ động hơn nhiều trong kế hoạch sản xuất cũng như đàm phán hợp đồng với khách hàng”, ông Đạt nêu đề xuất.
Công ty JaBil chuyên lắp ráp các linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao TPHCM mỗi tháng sử dụng khoảng 1 triệu kWh điện.
Cũng với đề nghị tương tự, ông Lưu Kim Hồng, Trưởng Phòng Bảo trì của Công ty Nidec Việt Nam tại Khu công nghiệp cao thành phố cho rằng giá điện chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất nên nếu EVN thông báo trước lộ trình tăng giá điện thì sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất chủ động hơn nhiều trong kế hoạch sản xuất. Hiện công ty Nidec cũng tiêu thụ khoảng 1,2 triệu kWh điện mỗi tháng.
Theo quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 10-1-2014, trường hợp các thông số đầu vào cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều nay (13-11) về đề nghị thông báo trước lộ trình tăng giá điện, một đại diện EVN cho rằng việc này khó thực hiện bởi chi phí sản xuất điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào như giá khí, than, tỷ giá, dầu … nên việc biến động lên xuống của các yếu tố đầu vào sẽ tác động lên giá điện.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện còn phụ thuộc vào sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Chính phủ nên ngành điện khó có thể thông báo cho doanh nghiệp biết trước được, đại diện EVN cho hay.
Hơn 200 tỉ đồng đầu tư hệ thống cung ứng điện cho Samsung
Cũng tại buổi làm việc với đoàn công tác truyền thông của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chiều nay (13-11), ông Võ Hồng Minh Danh, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty Điện lực Thủ Thiêm cho biết ngành điện đang bỏ thêm chi phí khoảng 200 tỉ đồng để đầu tư thêm các trạm điện, đường truyền để đảm bảo ổn định nguồn cung điện cho Tập đoàn Samsung. Tập đoàn này dự kiến sẽ bắt đầu khởi động dự án 1,4 tỉ đô la Mỹ sản xuất sản phẩm điện tử tại Khu công nghệ cao TPHCM vào năm 2015 tới.
Theo ông Danh, theo yêu cầu của Samsung thì doanh nghiệp này sẽ cần công suất tiêu thụ khoảng 60 MW vào tháng 10 năm tới. Công suất này nhiều gấp hơn 3 lần so với công suất tiêu thụ của toàn khu công nghệ cao thành phố.
Còn theo ông Lê Thành Đại, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố, Samsung dự kiến sẽ khởi công dự án tại khu công nghệ cao vào đầu năm 2015 và sẽ bắt đầu sản xuất từ quí 1-2016. Khi đi vào hoạt động nhà máy của Samsung sẽ thu hút khoảng 5.000 – 6.000 lao động.
Dự án với tên gọi Samsung CE Complex” (SECC) này sẽ được thực hiện trên diện tích 70 héc ta trong Khu Công nghệ cao TPHCM, với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao. Dự án sẽ chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu tập trung sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng như Smart TV, TV LCD, LED …; giai đoạn 2 của dự án sẽ sản xuất các sản phẩm gia dụng khác.
|
Theo: Thời báo KT Sài Gòn