Lãnh đạo PC Quảng Trị động viên lực lượng tham gia tăng cường thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
"Tinh hoa" của những người thợ điện
Như tên gọi của mình, "Đội phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn" của PC Quảng Trị ra đời từ khá lâu, với mục đích chính là để chuẩn bị, xử lý, ứng cứu những tác động tiêu cực từ thiên tai và các sự cố khác.
Cũng theo ông Vĩnh, "Đội phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn" là tập hợp của khoảng 30 người thợ điện trẻ khỏe, có kinh nghiệm, nhiệt huyết, khát khao cống hiến và có kỹ năng làm việc nhóm. Nói chung là những "tinh hoa" của ngành điện. Hằng năm, ngoài được bổ sung nghiệp vụ điện, những người này được nâng cao tay nghề xử lý sự cố, ứng cứu qua những cuộc diễn tập phòng chống bão lụt ở cấp độ Công ty và Tổng công ty. "Công tác này làm rất thường xuyên, bài bản. Bởi ai cũng biết "thao trường đổ mồ hôi" thì khi "hữu sự" bớt bỡ ngỡ, mất mát…", ông Vĩnh cho hay.
Khó nói hết những nhọc nhằn của người thợ điện trong “Đội phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”.
Ông Võ Văn Hưng (Phó phòng Kỹ thuật PC Quảng Trị, người được biết đến là một trong những thành viên lâu năm của "Đội phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn") cho biết đã "dấn thân" vào Đội "gọi đâu, có đó" là xác định, có lệnh là… đi. "Trước và sau bão vào chúng tôi đi kiểm tra đường dây, các điểm trọng yếu. Sự cố xảy ra ở bất kỳ đâu, thì chúng tôi cũng phải lên đường. Dù đó là ngày hay đêm, nắng hay mưa…", ông Hưng nói.
Lỡ bị gắn tên Đội "gọi đâu, có đó", nên những người thợ điện này không chỉ biết lo cho những địa bàn PC Quảng Trị quản lý mà còn "mang chuông đi đánh xứ người" khi có lệnh điều động. "Một cơn bão thường quét qua nhiều tỉnh thành. Khi chúng tôi giải quyết cơ bản các việc của đơn vị mình thì sẽ đi giúp đơn vị bạn. Ví như năm 2013 chúng tôi tăng cường ra Quảng Bình 7 ngày, năm 2015 tăng cường vào Thừa Thiên Huế 5 ngày, năm 2017 vào Khánh Hòa 10 ngày, năm 2020 vào Quảng Ngãi 7 ngày… Hay gần nhất nhiều anh em trong số chúng tôi đã tham gia hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh. Cũng vừa mới xong việc", ông Hưng nhẩm tính.
Đêm hay ngày khi có nhiệm vụ họ vẫn phải lên đường.
Thương lắm "mấy chú áo cam"
Công việc khá đặc biệt nên áp lực cũng như sự vất vả của "Đội phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn" PC Quảng Trị cũng tăng lên. Ông Vĩnh kể rằng, ngày xưa cũng có cử chị em đi theo đội để lo cơm nước, nhưng ngày nay mọi người ăn cơm bụi cho tiện. Nơi nghỉ ngơi thì tiện đâu ngủ đó, khi thì nhà nghỉ rẻ tiền, khi thì hội trường thôn, khi thì trường học hoặc ngủ luôn trong nhà dân.
Những chuyến công tác hết sức "bất ngờ" nên hành trang họ mang theo chỉ là vài ba bộ quần áo, chút đồ dùng cá nhân… nhưng khi vào việc là rất nhiệt thành. "Năm 2017, khi đang xử lý sự cố đường dây ở vùng biên giới Lao Bảo thì 12 giờ trưa nhận được tin tăng cường vào Khánh Hòa, nên không cơm nước gì phóng một mạch gần 80 km về Đông Hà để 14 giờ cùng ngày lên xe đi với đoàn. Hay, năm 2020, khi đang đi công tác ở Hội An (Quảng Nam), lại nghe được điều đi Quảng Ngãi, nên chờ xe của Công ty từ Quảng Trị vào rồi đi luôn, chỉ nhắn về cho vợ con được cái tin", ông Hưng nói.
Bữa cơm dã chiến bên vệ đường.
Giấc ngủ vội trên xe, dọc đường di chuyển.
Vậy nên mới có chuyện, người dân thắc mắc rằng "mấy ông thợ điện" này đi làm có khi đến 21 giờ đêm mới về nhưng 6 giờ 30 sáng đã thấy lại đi, không biết mấy ổng ngủ giờ nào?
Nhưng ngoài nhận được… sự vất vả, các thành viên của "Đội gọi đâu có đó" của PC Quảng Trị còn nhận được tình thương mến của bà con nơi họ đến ứng cứu đường dây. "Có người hái dừa, hái bưởi mang ra mời anh em thưởng thức. Có người nhà không có gì cũng pha được ca nước đá giải khát cho anh em. Có người còn hỏi thăm, để gả con gái cho…", anh Hoàng Quang Hiệu (Công tác tại Điện lực Gio Linh, thành viên của đội) tiếu lâm kể.
Thành viên "Đội phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn" lội lụt, sửa chữa điện vẫn nở nụ cười.
Tình cảm của dân như thế nên mới có chuyện "tày trời" rằng có lần "Đội phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn" PC Quảng Trị chống cả lệnh cấp trên. Chuyện rằng, có lần họ được điều động vào Thừa Thiên Huế để ứng cứu hệ thống điện sau bão. Theo lệnh của trên 17 giờ hôm đó tất cả phải lên xe về đơn vị. Nhưng đến sát giờ thì vẫn còn 1 nhánh đường dây cấp điện cho khoảng 200 hộ dân vẫn chưa ổn. "Trước sự đề nghị của bà con, chúng tôi đã "chống lệnh", ở lại giúp họ đến gần 20 giờ tối mới về. Trễ, nhưng không ai nhăn nhó, mà ai cũng vui vì mình đã "chống lệnh, giúp dân", ông Hưng nhớ lại.
Link gốc