Tin trong nước

Đời sống người dân Khmer vươn lên nhờ có điện

Thứ tư, 4/5/2016 | 14:04 GMT+7
Để giúp đồng bào Khmer ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, những năm qua, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư khá nhiều các chính sách ưu tiên, hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng. 

Nhờ có điện, ông Thạch Tho đầu tư mua máy mở rộng sản xuất.
 
Trong số các chính sách, điện là một trong những yếu tố quan trọng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trong xã ngày càng đổi thay, phát triển.
 
Ông Lâm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết: Hiện toàn xã có 98,6% hộ sử dụng điện, xã có 795/2.499 hộ là đồng bào Khmer, trong đó có 19 hộ Khmer chưa có điện sử dụng dụng. Năm 2016, xã tiếp tục triển khai thực hiện dự án 20.000 hộ dân chủ yếu vùng đồng bào Khmer giai đoạn 3 cho 153 hộ dân ở các ấp Sóc Hoang, Cẩm Hương, Bờ Kinh 1, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong năm 2016, huyện sẽ đầu tư 01 tuyến đường điện cho các hộ dân ở ấp Bờ Kinh 2 để phục vụ nuôi trồng thủy sản và trồng màu. Theo ông Lâm Văn Hậu, đối với dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ nghèo người Khmer cũng được quan tâm thực hiện khá tốt. Nhờ triển khai thực hiện khá tốt các chính sách dành cho đồng bào Khmer nên đời sống vật chất, tinh thần của hộ Khmer gần đây được nâng lên rõ rệt. Từ khi có điện, người dân xã Mỹ Hòa đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi. Điện cũng giúp người dân tiếp cận được các chương trình truyền hình, qua đó giúp người dân hiểu, học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật, thâm canh cây trồng, vật nuôi theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại năng suất và hiệu quả cao.
 
Dọc trên những con đường trải dài qua các ấp, đâu đâu cũng có màu xanh của những luống đậu bắp, mướp, bắp,… và hình ảnh nông dân sử dụng máy mô tưa điện tưới nước cho cây trồng càng tô điểm cho cảnh thanh bình nơi làng quê thêm rộn ràng hơn. Nông dân Thạch Tho ngụ ấp Sóc Hoang, xã Mỹ Hòa từ nông dân nghèo với vài công ruộng lúa, nay ông sở hữu 02ha đất trồng lúa-màu. Ông Thạch Tho chia sẻ: Trước đây sản xuất vất vả lắm, đất trồng màu xa nhà, không điện, thiếu nước, đường sá lầy lội, đi lại khó khăn. Từ khi có điện sử dụng, ông chuyển qua sử dụng máy mô tưa điện vừa nhẹ chi phí, vừa ít tốn công. Những năm nay có điện, không còn phải gánh nước nữa mà tưới bằng máy. Nhờ có điện, nông dân trồng rẫy chủ động công việc, đỡ cực hơn so với trước. Vụ màu năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo nên ông chỉ sản xuất cà tím trên diện tích gần 0,2ha, cách 01 ngày thu hoạch lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 100-150kg, bán cho thương lái với giá 5.000 đồng/kg. 
 
Sau khi có điện, khu vực ấp Sóc Hoang nhanh chóng trở thành nơi có thế mạnh trồng trọt, các khu vực khác cũng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập kinh tế gia đình. Bà Thạch Thị Ngọc Mai, ngụ cùng ấp cho biết thêm: Trước đâu khi chưa có điện sử dụng, diện tích trồng màu của ấp chỉ có vài hecta, bình quân mỗi hộ trồng khoảng từ 0,1-0,2ha đất, nguyên nhân do người dân sử dụng thùng thiết để gánh nước tưới tiêu. Vì vậy diện tích trồng màu rất ít, những năm gần đây, được Nhà nước đầu tư lưới điện, người dân trong vùng đầu tư mua mô tưa phục vụ tưới tiêu, mở rộng diện tích trồng màu, hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận cao gấp 02-03 lần so với trồng lúa. Với diện tích 0,6ha đất trồng màu, mỗi năm bà luân canh đậu bắp, bắp ăn, mướp đem lại lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm. Ngoài sản xuất màu, bà còn nuôi 04 con bò sinh sản. Hiện nay, bà đang thu hoạch 0,3ha đậu bắp, bình quân khoảng 130-150kg/ngày, bán với giá 5.000 đồng/kg. Theo bà Thạch Thị Ngọc Mai, đậu bắp là cây màu ngắn ngày, chi phí thấp, lợi nhuận cao. Thời gian thu hoạch dài từ 04-05 tháng, năng suất bình quân đạt từ 25-40 tấn/ha, nếu giá đậu bắp ở mức 5.000 đồng/kg, thì kết thúc vụ bà thu lợi nhuận từ 100-120 triệu đồng/ha.
 
Với sự trợ giúp của dòng điện quốc gia, cuộc sống của người dân, đặc biệt vùng đồng bào Khmer đã có những thay đổi rõ rệt. Cuộc sống người dân được cải thiện, hạ tầng, đường nông thôn được mở rộng, nhộn nhịp hơn. Có thể nói, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với công tác chăm lo cho đồng bào Khmer đã đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân. Những sự quan tâm đó đã tạo được niềm tin, động lực để mọi người hăng say lao động, sản xuất, góp phần đưa kinh tế vùng đồng bào Khmer trong xã ngày càng phát triển.
 
Mỹ Nhân/Icon.com.vn