Lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Đồng Nai là một địa phương có đông dân cư và phát triển mạnh về công nghiệp nên nhu cầu sử dụng điện là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, Đồng Nai đang khuyến khích các khu công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phát triển hệ thống điện mặt trời.
Cũng do ưu điểm của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường và không bị cạn kiệt, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện nên nhiều người cũng rất hứng thú khi đầu tư.
Thêm vào đó, quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam có nhiều ưu đãi về giá bán nên nhu cầu lắp đặt điện mặt trời của các hộ gia đình, nhà đầu tư, doanh nghiệp tăng mạnh.
Trên thực tế, theo thông tin từ Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, tính đến tháng 1, công ty đã có 1.266 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 25.000 kWp. Tổng sản lượng điện phát lên lưới hơn 8,2 triệu kWh.
Hơn nữa, Đồng Nai là khu vực được đánh giá có tiềm năng điện mặt trời lớn, với bức xạ mặt trời trung bình năm vào khoảng 1.849 kWh/m2/năm. Tổng số giờ nắng trung bình là 2.445 giờ/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển điện năng lượng mặt trời trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Nam cho biết, hiện nay ông thấy việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời khá dễ dàng thuận lợi, giá cả cũng không cao và nhiều người dân cũng bắt đầu sừ dụng nên ông chấp nhận đầu tư. Hơn nữa, thời gian qua giá điện tăng, số lượng thiết bị cần sử dụng điện cũng tăng nên mỗi tháng, với giá điện nhà nước gia đình ông cũng mất từ 2,3 - 2,8 triệu đồng tiền điện/tháng.
Vì vậy, vào tháng 4 vừa qua ông đã đầu tư hơn 120 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 5kWp (công suất tối đa tấm pin đạt được). Nhờ vậy mà gia đình ông đã giảm được tiền điện mỗi tháng và còn bán ra được cho ngành điện khoảng 400kW, thu về hơn 700.000 đồng/tháng. “Vừa sử dụng cho gia đình vừa bán lại được cho nhà nước đó chính là ưu điểm của hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời. Thôi thì ráng đầu tư rồi dùng dần cũng đáng”, ông Nam cho biết.
Tương tự, gia đình anh Hoàng Mạnh Hùng ngụ tại TP.Biên Hòa cũng vừa đầu tư hệ thống điện mặt trời công suất hơn 4,6kWp. Anh Hùng cho biết, nhờ lắp đặt hệ thống điện mà mỗi tháng, gia đình anh đã tiết kiệm được gần 2 triệu đồng tiền điện. “Tôi thấy rất khả thi, đầu tư 1 lần nhưng giảm được nhiều chi phí. Về lâu dài nếu thấy ổn, tôi sẽ giới thiệu để bà con anh em cùng nhau lắp đặt để tiết kiệm chi phí”, anh Hùng nói.
Mái nhà được tận dụng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Không chỉ người dân mà hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm và đầu tư lắp đặt điện mặt trời để chủ động nguồn điện cho sản xuất và tiết kiệm chi phí. Công ty TNHH Minh Hưng tại Đồng Nai cũng đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất gần 3.800 kWp trên mái nhà xưởng của công ty. Với hệ thống này, công ty đã giảm được hơn 700 triệu đồng tiền mỗi tháng và bán ngược lại cho ngành điện tổng trên 3,2 triệu kWh với số tiền thu về tiền tỷ.
“Ngoài việc để phục vụ điện cho sản xuất trong công ty thì đầu tư để bán lại cũng khá hấp dẫn. Dự kiến sắp tới tôi sẽ tiếp tục lắp đặt hệ thống điện để sinh lời và chủ động được nguồn điện”, đại diện công ty nói.
Trong khi đó, hiện nay cũng khá nhiều doanh nghiệp lấn sân sang lĩnh vực lắp đặt điện năng lượng mặt trời. Nhờ vậy mà giá thành lắp đặt càng càng rẻ, các doanh nghiệp lắp đặt có nhiều ưu đãi như giảm giá, cho trả góp để ngày càng có nhiều người đầu tư, lắp đặt hơn.
Theo khảo sát, hiện giá cả đã giảm mạnh so với trước, nằm ở mức khoảng 17-18 triệu đồng cho mỗi kWp điện.
Hiện nay, bên cạnh các pin mặt trời được sản xuất trong nước, còn có các tấm pin mặt trời được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada… Mỗi loại có giá thành khác nhau nên tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện kinh tế để lắp đặt.
“Tuổi thọ của pin có thể lên tới 25-30 năm, chi phí lắp đặt pin trung bình hiện nay vào khoảng 0,3-0,35 USD cho 1Wp. Trong đó, những loại pin của châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… thường có độ bền cao hơn và giá thành cũng cao.
Thường các doanh nghiệp lớn sẽ chọn những loại hàng rất xịn, còn hộ gia đình cá nhân thường ưu tiên giá thành thấp. Tuy nhiên cần lưu ý chọn những loại thiết bị về năng lượng mặt trời đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tránh sử dụng các loại thiết bị trôi nổi trên thị trường vì tuổi thọ thường không cao, không có chính sách bảo trì, bảo hành rõ ràng,…”, giám đốc doanh nghiệp lắp đặt điện năng lượng mặt trời chia sẻ.
Rất nhiều hộ dân và doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống điện mặt trời.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho rằng, điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường và không bị cạn kiệt. Do đó hiện nay Đồng Nai đang tuyên truyền, tư vấn để người dân, doanh nghiệp cùng phát triển, đầu tư hệ thống điện mặt trời.
“Điện năng lượng mặt trời là cách chuyển quang năng (năng lượng bức xạ mặt trời) thành điện năng trực tiếp nhờ các tấm pin mặt trời ghép lại với nhau thành mô đun và thông qua bộ chuyển đổi điện để tạo ra dòng điện cung cấp cho tải tiêu thụ điện. Các thiết bị này lắp đặt trên mái nhà có đấu nối và bán điện lên lưới điện quốc gia. Nhà nước cũng đang khuyến khích việc xây dựng, phát triển, đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời”, ông Thành nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Trần Văn Vĩnh nói rằng ngoài phát triển điện mặt trời ở các hộ dân thì từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ mời gọi đầu tư để sản xuất khoảng 1.000 MW điện mặt trời từ các khu công nghiệp trên địa bàn. Trong quy hoạch các khu công nghiệp tới đây, UBND tỉnh cũng sẽ tính toán đến việc quy hoạch không gian phía trên làm điện mặt trời để đảm bảo nguồn điện.
Link gốc