TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam:
Ưu tiên năng lượng tái tạo
Việt Nam là đất nước có tiềm năng NLTT như thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt… phong phú. Việc tăng cường phát triển các nguồn NLTT có ý nghĩa lớn để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong mục tiêu toàn cầu, đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn, với hơn 39% tổng diện tích được ước tính có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương tổng công suất 512GW. Bên cạnh đó, với tổng số giờ nắng trung bình cả nước lên đến trên 2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ trung bình 4,6 kWh/m2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời. Chưa kể, là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối.
Để thúc đẩy phát triển NLTT, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao. Đối với điện gió, cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi - nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ. Đối với điện mặt trời, cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư (doanh nghiệp và tư nhân), không cần đầu tư lưới điện đấu nối.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương):
Công bằng, minh bạch cho nhà đầu tư
Để phát triển NLTT hiệu quả và thu hút mạnh nhà đầu tư vào lĩnh vực này, theo kinh nghiệm của các nước phát triển, cần tập trung vào các nội dung chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
Về chính sách, với các dự án NLTT quy mô công suất lớn, sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và lưới truyền tải. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống NLTT phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.
Bên cạnh đó, tập trung tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện NLTT, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện.
Ông Nguyễn Duy Lộc - Phó giám đốc Sở Công Thương Gia Lai:
Đề xuất chính sách phát triển điện gió
Gia Lai được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng gió. Qua khảo sát đo gió sơ bộ tại một số vị trí và dữ liệu được thu thập, lưu trữ, Gia Lai có 4 khu vực tiềm năng phát triển các dự án điện gió với quy mô công suất khoảng 11.950MW.
Cụ thể, khu vực phía Đông tỉnh gồm các huyện: Mang Yang, Đăk Pơ, Kông Chro, K’Bang và thị xã An Khê, với khoảng 3.800MW; khu vực phía Đông Nam gồm các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa với 1.300MW; khu vực phía Tây tỉnh gồm các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh và Đăk Đoa với 6.350MW; khu vực TP. Pleiku 500MW.
Các dự án điện gió có ưu điểm sử dụng đất ít, nếu được đầu tư và đưa vào hoạt động sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển NLTT của tỉnh Gia Lai. Đồng thời, phát huy nguồn lực đất đai, ít gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường sinh thái khu vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương.
Do vậy, kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tỉnh Gia Lai được hưởng cơ chế giá bán điện đối với các dự án điện gió theo cơ chế giá FIT tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2022. n
Đại diện Sở Công Thương Bình Thuận:
Cần cơ chế phù hợp
Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng gió, điện mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước. Nhận thức và xác định tầm quan trọng của nguồn NLTT, tỉnh định hướng phát triển ngành công nghiệp năng lượng sẽ đóng góp tích cực, đảm bảo cung cấp điện cho Bình Thuận và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án điện vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Đa số dự án điện gió và điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận nằm trong vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan, hiện nay chưa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cho phép điều chỉnh ra khỏi khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản titan. Do vậy, các dự án này không thể triển khai thi công.
Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn hiện đang nằm trong vùng Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan và vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan được triển khai đầu tư xây dựng. Đồng thời, có cơ chế, chính sách ổn định, ban hành quy định, quy chuẩn kỹ thuật để phát triển NLTT.
Đại diện UBND tỉnh Cà Mau:
Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Để phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên của tỉnh, tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư phát triển nguồn NLTT, tỉnh Cà Mau đã cơ bản lập xong các quy hoạch điện gió và điện mặt trời. Trong thời gian vừa qua, tỉnh Cà Mau đã làm việc với rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các dự án NLTT cũng như các dự án điện khí LNG. Đến nay, đã có trên 30 nhà đầu tư chính thức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án với tổng công suất khoảng 12.000MW.
Tuy nhiên, dù được các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án, nhưng đến nay, các dự án triển khai tương đối chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Để tháo gỡ khó những khó khăn, giúp tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng trên địa bàn, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đối với các dự án thuận lợi về đất đai, có khả năng đấu nối, giải phóng công suất theo Quyết định số 329/QĐ-BCT ngày 22/1/2020 của Bộ Công Thương.
Đồng thời, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII: Đường dây và trạm biến áp 500kV về đến tỉnh Cà Mau; đường dây 220kV kết nối mạch vòng từ 3 phía (Đông, Nam, Tây) để thuận tiện giải phóng công suất nguồn điện cho các dự án; ghi nhận công suất đối với các dự án mà nhà đầu tư đã đề xuất nhưng chưa được bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
|