Bản đồ vùng Trung Đông
Mở cửa biên giới xem ra là chuyện hài hước bởi vì chiến tranh đang diễn ra tại Irắc và những thái độ thù địch hiện nay với Iran. Nhưng đa phần người dân Trung Đông và Bắc Phi đều biết rằng đầu tư từ bên ngoài là hết sức quan trọng và rằng đất nước họ phải cố gắng xây dựng những mô hình kinh tế hấp dẫn hơn. Do đó, các quốc gia này đã loại bỏ quan điểm cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài là những kẻ đế quốc.
Ví dụ GE Energy đã nhận nhiều hợp đồng với tổng trị giá trên 1,8 tỷ đô la cung cấp 32 tuabin khí và thiết bị bổ sung cho các dự án nhà máy điện tại Cô-oét và Qata. Cộng lại, 5 GW công suất điện sẽ được bổ sung để đáp ứng nhu cầu. Các thiết bị chính sẽ do GE cung cấp. Việc xây dựng một trong những công trình này sẽ do công ty Iberdrola của Tây Ban Nha thực hiện. Tuy nhiên, chính phủ các nước này vẫn sẽ sở hữu và vận hành các nhà máy.
Joseph Anis, giám đốc điều hành khu vực Trung Đông của GE Energy cho biết: “Để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng đầy năng động của khu vực này, Trung Đông cần tăng gấp công suất điện và nước”. Ông nói thêm rằng GE đã có vị thế vững vàng tại khu vực này, lưu ý rằng Arập Xêút đã cam kết mua tuabin khí để có thể bổ sung 6,3 GW công suất điện với chi phí gần 2 tỷ đô la.
Trước năm 1970, sự có mặt của các công ty nước ngoài trên khắp vùng này là chuyện bình thường. Nhưng rồi các nước chủ nhà thấy đó là sự bất bình đẳng, và điều này khuyến khích thêm họ tiến hành quốc hữu hoá. Hiện nay, khi mà dân số của cả Trung Đông và Bắc Phi theo dự báo sẽ đạt mức 600 triệu người vào năm 2025, họ thấy cần phải hành động để thu hút đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, bất kỳ sự tiến triển nhanh chóng nào đều có thể dẫn đến xáo trộn xã hội, mặc dù tất cả đều thừa nhận rằng cải tổ là cần thiết.
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực đã tạo ra nhiều công ăn việc làm và giảm thất nghiệp trong những năm gần đây. Nhưng để kết quả này được bền vững, cần phải có sự hỗ trợ của những cải cách cơ cấu sâu sắc hơn.
Năm 2006, mức tăng trưởng GDP trong khu vực này đạt 6,3%, so với mức tăng trưởng trung bình trong những năm 90 của thế kỷ trước là 3,6%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Đây là năm thứ tư liên tục đạt mức tăng trưởng mạnh, nhờ giá dầu cao, kinh tế châu Âu phục hồi và những cải cách thành công khác. Do đó đã tạo ra nhiều việc làm, chủ yếu từ khu vực tư nhân. Các số liệu cho thấy từ năm 2000 đến năm 2005, số việc làm tăng 4,5% mỗi năm. Daniela Gressani, Phó Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại khu vực này cho biết: “Các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi cần dỡ bỏ các rào cản còn lại gây trở ngại môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân để duy trì mức tăng trưởng, tăng đầu tư tư nhân và tạo thêm nhiều việc làm.”
Hứa hẹn tốt đẹp
Khu vực này có nhiều hứa hẹn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói rằng các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi cần phải lắp đặt ít nhất 100.000 MW công suất mới trước năm 2030. Như vậy sẽ cần 100 tỷ đô la tiền vốn đầu tư mới.
Hiển nhiên là có một số rủi ro ở khu vực này, cụ thể là mối đe dọa về tình trạng bạo lực ngày một tồi tệ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư quan ngại về nhịp độ cải cách luật pháp và liệu những thay đổi có tác động đáng kể tới điều kiện kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân phải được tham gia thị trường mà không phải chịu đủ những sự phiền hà cửa quyền hoặc rủi ro chính trị có thể làm hỏng những thoả thuận tiềm năng. Những tiến bộ như vậy có thể làm tăng dòng vốn rất cần thiết để tạo ra việc làm và sự phồn thịnh.
Oman và Abu Dhabi được xem là hình mẫu trong khu vực. Các quốc gia này đã đặt nền móng cho việc mở cửa ngành điện cho khu vực tư nhân. Kết luận này dựa trên cơ sở tính minh bạch của quá trình đấu thầu các dự án nguồn điện và những cam kết của chính phủ các quốc gia này trong việc xây dựng một môi trường đầu tư công bằng và trung thực cho các nhà đầu tư ngành điện.
Arập Xêút cũng nói sẽ tiến tới để khu vực tư nhân tham gia ngành điện vì họ không thể tiếp tục bao cấp trong tiêu thụ điện. Chính phủ đã ký thoả thuận với công ty điện lực Enel của Italia về phát triển các công nghệ thân thiện với môi trường. Các dự án như vậy sẽ bao gồm các công tơ tiên tiến giúp kiềm chế tiêu thụ cũng như việc xây dựng các chương trình năng lượng xanh, ví dụ như các chương trình về năng lượng mặt trời.
Fulvio Conti, Giám đốc điều hành của Enel nói: “Thoả thuận này là cơ hội quan trọng đối với Enel và Italia để đẩy mạnh hợp tác với một trong những quốc gia có vai trò then chốt trong tương lai năng lượng thế giới. Thoả thuận này cũng cho chúng tôi cơ hội áp dụng tất cả những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực phát điện, truyền tải và phân phối điện trên quy mô lớn.”
Một nhóm các nước kinh tế tăng trưởng nhanh ở Trung Đông mở rộng cửa đón nhận nguồn vốn quốc tế. Các quốc gia được khai sáng nhận ra rằng các doanh nghiệp nhà nước đơn giản là không hiệu quả. Tuy nhiên lịch sử châu Mỹ La Tinh và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ cho thấy việc cải tổ phải thực hiện theo trình tự. Tư nhân hoá ào ạt sẽ phá vỡ xã hội và hủy hoại mọi cơ hội đạt tới việc mở cửa thị trường.
Cuối cùng thì đầu tư nước ngoài vào thị trường điện khu vực này sẽ được đánh giá dựa vào kết quả. Trước đây, kết quả đầu tư kém được coi phần lớn là do dân ngoại bang và những người cầm quyền khai thác châu lục này cho mục đích cá nhân.
Tuy nhiên thử thách thực tế hiện nay là liệu lực lượng tư nhân hiện tại có làm nên trò trống gì hay không. Nếu họ làm được thì có thể sẽ có những tiến bộ cả về kinh tế và chính trị.