Tin thế giới

Hà Nội thí điểm hạ ngầm các tuyến cáp và đường dây nổi: 200 tỷ đồng để xóa “bãi rác” trên không

Thứ tư, 7/11/2007 | 00:00 GMT+7

Thí điểm hạ ngầm 100% đường dây nổi tại 5 tuyến phố.

Ông Hoàng Minh- Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật và Giám định chất lượng (Sở GTCC) cho biết: “Hà Nội hiện có khoảng 143,715 km cáp điện và đuờng dây thông tin đi nổi (có tới 30% số dây hiện nay “vô chủ”), trong đó 19 đơn vị quản lý đường dây (2 đơn vị quản lý cáp và đường dây điện lực 17 đơn vị quản lý cáp và đường dây thông tin. Phần lớn số dây được treo trên không, gây mất mỹ quan đô thị, đặc biệt gây tai nạn chết người... Trong khi đó, việc khắc phục sự cố của các đơn vị DN chủ quản thường rất chậm trễ. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã quyết định đầu tư 200 tỷ đồng để hạ ngầm toàn bộ dây cáp trên địa bàn, trong đó vốn ngân sách khoảng 130 tỷ, còn lại sẽ do DN đặt đường dây đóng góp. Dự án sẽ hoàn tất vào năm 2010 với việc hạ ngầm trên 142 tuyến đường, phố tại 9 quận nội thành.

Theo kế hoạch, trước mắt, trong năm 2008, TP đầu tư thí điểm hạ ngầm 100%, đường dây trung thế, hạ thế hệ thống tuyến cáp thông tin và chiếu sáng trên 5 tuyến phố gồm: Đinh Tiên Hoàng-  Lê Thái Tổ, Tràng Tiền – Hàng Khay, Văn Cao-Trần Duy Hưng; Nguyễn Thái Học – Kim Mã, Hai Bà Trung và khu chung cư cũ ở Giảng Võ. Toàn bộ đường nổi trên các tuyến phố được hạ ngầm bằng phương án đi trong ống, hào tuynel kỹ thuật hoặc chôn trực tiếp. Sở GTCC đã thỏa thuận với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và đề xuất quy hoạch hạ ngầm cục bộ tại từng tuyến phố thí điểm. Tuy là cục bộ nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với quy chuẩn chung của thành phố, để khi triển khai trên diện rộng không làm ảnh hưởng tới tổng thể. Các tuyến phố thuộc 9 quận nội thành chưa có kế hoạch hạ ngầm sẽ thực hiện sắp xếp lại việc treo dây nổi và thí điểm hạ ngầm 100% số dây tại một số khu đô thị điển hình của Hà Nội. Tại các tuyến phố chưa được hạ ngầm, Sở GTCC sắp xếp việc treo dây. Các DN chủ quản của tuyến dây như: Cty Điện lực Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông, Cty Viễn thông Điện lực, Truyền hình cáp Hà Nội ... phải chủ động xây dựng kế hoạch hạ ngầm đồng bộ các đường dây theo danh mục các tuyến phố hạ ngầm giai đoạn 2007-2010 và tổ chức tháo dỡ đường dây không sử dụng sắp xếp lại các đường dây theo quy định mới, hoàn thành thực hiện trên cáco tuyến phố 9 quận song trước quý II/2009.

Ông Phí Thái Bình - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP có chủ trương ngầm hóa 100% các đường dây khi xây dựng khu đô thị mới, các tuyến đường mới, đặc biệt nâng tỷ lệ ngầm hoá trên các tuyến đường trục chính trong khu phố cũ. Tại các khu đô thị mới, tuyến đuờng mới phải xây dựng hệ thống tuynel, hào kỹ thuật để bố trí đi ngầm các tuyến đường dây. Và nếu có hào kỹ thuật, hệ thống  tuynel, các đơn vị có đường dây đi nổi phải hạ ngầm dây vào hệ thống này. UBND TP nghiêm cấm thoả thuận, quyết định đầu tư và cấp phép xây dựng đối với các công trình xây dựng mới mà không có phương án ngầm hoá đường dây. Những chung cư khi được đầu tư xây dựng mới không hạ ngầm cáp sẽ không được nghiệm thu...

Xử lý dây nổi: Quá khó?

Theo ông Nguyễn Hữu Sùng -GĐ Ban quản lý ."Dự án hạ ngầm cáp và đường dây thông tin, điện lực" (Sở GTCC), việc khảo sát hiện trạng các tuyến đường dây nổi trên các tuyến thuộc phạm vi thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. Sở GTCC đã nhiều lần thông báo cho các đơn vị có đuờng dây nổi báo các về số dây đang quản lý, nhưng đến nay chỉ có 12 đơn vị nộp báo cáo về hiện trạng tuyến dây đi nổi do đơn vị mình quản lý. Việc khảo sát đường dây đã khó, nhưng khi thi công lại càng khó khăn, bởi TP chưa có quy hoạch tổng thể hệ thống các công trình ngầm đô thị nên phải thực hiện từ đầu. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tuynel áp dụng cho việc hạ ngầm cáp điện và đường dây thông tin hiện cũng chưa có. Điều đáng nói là vốn đầu tư cũng chưa thấy đâu, xem ra mục tiêu xoá những "bãi rác" trên không mà TP đề ra khó thành hiện thực.

Ông Nguyễn Hòang Giáp-phó trưởng Ban Thanh tra GTCC cho biết, thực hiện Chỉ thị số 08 của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường quản lý đối với các công trình là đường dây đi nổi trên địa bàn TP, hiện Ban đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp vi phạm nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân chính là do chưa có chế tài quy định cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong việc xây dựng, lắp đặt hệ thống các đường dây đi nổi, chưa sát với thực tế vì vậy công tác xử ly còn nhiều khó khăn, thường chỉ xử lý hành chính. Tình trạng vi phạm xung quanh việc cho dây đi nổi nhiều nhất là một số đơn vị ngành điện. Ban Thanh tra đã phát hiện và yêu cầu nhưng đơn vị thi công vi phạm. Điển hình, đối với đơn vị thi công thuộc Điện lực Hoàn Kiếm, phải có biện pháp đảm bảo an tòan giao thông khi thi công khắc phục sụ cố đường dây truyền tải điện lại khu vục phố Hàng Gà theo phương án xử lý đường dây xung yếu lộ Hàng Gà- Bát Đàn. Tiếp đến là Điện lực Ba Đình, phảl chấp hành các quy định về an toàn giao thông khi thi công lắp đặt tủ Hàng Bún, ngõ Yên Ninh, Quán Thánh... Chỉ qua thời gian ngắn kiểm tra, xử lý cho thấy, Công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các chi nhánh điện lực tại các quận, huyện hiện vẫn phê duyệt hoặc ký hợp đồng cho các đơn vị khác thi công đường dây nổi và thuê cột để treo đuờng dây nổi hoặc thi công không có thời gian quy định cụ thể nhưng không có ý kiến của Sở GTCC Hà Nội là đơn vị quản lý Nhà nước về đường dây nổi.

Ông Giáp cũng cho biết thêm, khi phát hiện các đường dây vi phạm như treo mới, dây võng xuống đường gây cản trở giao thông nhưng không thể xử lý được vì không phân biệt được là của đơn vị nào. Điều này đã gây khó khăn cho các lực lượng trong kiểm tra, xử lý và khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo an toàn giao thông. Vì vậy, TP nên sớm có quy định về quản lý thi công cáp treo điện lực và thông tin, đặc biệt là quyết định về việc cấp phép treo mới hệ thống đường dây đi nổi; quy định việc các đơn vị, DN phải ghi tên lên các đường dây đi nổi để thuận tiện cho việc kiểm tra theo  dõi, duy trì và khắc phục sự cố.

Theo tin từ Sở GTCC hiện có khoảng 20 đơn vị đang khai thác các đường dây nổi, trong đó 2 ngành chính là điện lực và viễn thông. Các đơn vị khai thác đường dây thông tin thống nhất với chủ trương hạ ngầm của thành phố. Trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông cơ bản đã hạ ngầm các đường trục thông tin, chỉ còn các tuyến cáp phân phối và đường dây thuê bao thả nổi nên việc thực hiện khá thuận lợi. Còn Công ty Điện lực Hà Nội (đơn vị phải đóng góp kinh phí tương đối lớn) sau thời gian cân đối tài chính, đến nay cũng đã sẵn sàng.


Theo Phụ Nữ VN