Đồng Tháp đẩy mạnh lắp đặt điện mặt trời áp mái, giải pháp góp phần đảm bảo an ninh năng lượng

Thứ hai, 18/5/2020 | 09:10 GMT+7
Thực hiện Chủ trương tiết kiệm điện trong giai đoạn 2020-2025, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng đặt ra mục tiêu cụ thể hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ, trong đó ngoài giải pháp tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; chiếu sáng công công; hộ gia đình; cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ... 

Điện năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà (ảnh minh họa).
 
Chỉ thị đã đề ra giải pháp cụ thể về việc tiết kiệm điện tại doanh nghiệp (DN) sản xuất, trong đó điểm mới được đề cập đến là khuyến khích DN lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và hệ thống năng lượng nội bộ; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.
 
Tại Đồng Tháp, theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt 2.479 triệu kWh, trong đó điện cung cấp cho sản xuất công nghiệp đạt 1.202 triệu kWh (chiếm 48,49% tổng sản lượng điện thương phẩm). Hoạt động cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được đảm bảo ổn định và liên tục.
 
Đặc biệt, về phát triển điện mặt trời áp mái, công tác tuyên truyền và thúc đẩy phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, hội thảo chia sẻ kỹ thuật và hiệu quả của điện mặt trời, hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm. Qua đó, giúp người dân, DN thấy được hiệu quả và lợi ích của việc sử dụng điện mặt trời. Tính đến hết tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh có 666 công trình điện mặt trời áp mái được hòa lưới, với tổng công suất lắp đặt 8.152,77kWp (sản lượng điện tháng 2 và tháng 3/2020 khoảng 473.000kWh/tháng)
 
Lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và tiết kiệm tiền điện cho gia đình. Tuy nhiên, không phải mọi hệ thống năng lượng mặt trời đều cho kết quả như mong đợi, nếu việc chọn thiết bị như tấm pin năng lượng mặt trời, bộ chuyển đổi DC/AC và thi công lắp đặt không đúng sản phẩm, đúng kỹ thuật thì việc đầu tư có thể không hiệu quả, hiểm họa cháy nổ trong quá trình vận hành.
 
Trên thị trường hiện nay có nhiều thương hiệu pin năng lượng mặt trời như Canadian, Jinko, JA, Q-cells... xuất xứ từ Trung Quốc; các thương hiệu khác như Vsun, Irex... lắp ráp tại Việt Nam; đối với Inverter có các thương hiệu như: ABB, Fronius, SMA, Kaco, Growatt, INVT... được người tiêu dùng tin tưởng.
 
Ngoài ra, thiết bị phụ khác nhưng cực kỳ quan trọng trong hệ thống điện mặt trời là tủ phân phối với các thiết bị bảo vệ phía DC, AC như cầu chì DC, CB DC, chống sét DC, CB AC, chống sét AC, hệ thống tiếp địa an toàn. Vì vậy khi đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái, chủ đầu tư nên lựa chọn đơn vị tư vấn, lắp đặt có uy tín, trách nhiệm, cam kết bảo hành công trình để sản lượng điện phát ra đạt hiệu quả cao, đáp ứng 1 phần nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất, sinh hoạt và bán sản lượng điện còn lại cho ngành điện.
 
Về giá bán điện mặt trời áp mái, theo Quyết định 13/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/ 2020 thì giá điện mặt trời mái nhà là 8,38 Uscent/kWh, tương đương 1.943 đồng/kWh. Với tính toán sơ bộ, 1 hộ gia đình sử dụng 500kWh với chi phí khoảng 1,2 triệu đồng, khi đầu tư 1 hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái công suất 5kWp (chi phí từ 75-100 triệu đồng) thì hàng tháng sẽ tiết kiệm được chi phí tiền điện sinh hoạt cho gia đình.

Link gốc
Theo: Báo Đồng Tháp