Đóng cửa 4/8: VN-Index xuống thấp nhất trong hơn 2 tháng

Thứ tư, 4/8/2010 | 14:20 GMT+7
Tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn không có nhiều sự hỗ trợ để bám víu. Trong khi đó, các thông tin xấu từ TTCK thế giới lại xuất hiện khiến chỉ số sụt giảm liên tục. VN-Index chốt phiên tại mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua

 

Kết thúc phiên, VN-Index giảm mạnh xuống 486,71 điểm (▼ -5.19  -1.06%)  Thanh khoản phiên này giảm khi ở mức khá thấp với gần 34,95 triệu cổ phiếu, trị giao dịch là 1.021,81 tỷ đồng. Toàn sàn có 172 mã giảm, 43 mã tăng và 34 mã giữ tham chiếu.

HNX-Index đóng cửa lùi về 147,86 (▼  -2.62  -1.74%). Thanh khoản tiếp tục tăng với gần 31,26 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 814,08 tỷ đồng. Số mã giảm giá chiếm áp đảo là 246 mã, ngược lại chỉ có 42 mã tăng và 16 mã đứng giá.

Diễn biến giao dịch

Ngoài tác động tiêu cực từ sự giảm điểm của TTCK Mỹ đêm qua cũng như TTCK Châu Á. Việc VN-Index tiếp tục giảm sâu phiên hôm nay không gây nhiều bất ngờ và dường như đã được dự báo từ trước. Áp lực bán giá thấp vẫn tiếp tục được bơm vào, trong khi sức cầu yếu giá cao không đáng kể (ngoại trừ tại một số mã “nóng”). Điều này đẩy chỉ số liên tục bị đánh tụt xuống các mức thấp hơn.

Trong khoảng 30 phút đầu của đợt 2, VN-Index để sụt mất 5,65 điểm, từ mức ban đầu là 490,31 xuống còn có 484,66 điểm. Thanh khoản vẫn thấp hơn phiên trước cho thấy bên mua không quá mặn mà hấp thụ lượng cung giá rẻ mà bên bán thoát ra.

Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, các lệnh mua được nhập vào khá đều, thêm vào đó, lệnh bán có phần chững lại, VN-Index bật nhẹ trở lại, sức bật này được duy trì khá đều và đã có lúc vượt trên 487 điểm. Như vậy, một vùng hỗ trợ đã được hình thành xung quanh mức 484 – 485 điểm. Tại đây, một bộ phận nhà đầu tư cho rằng chỉ số đã ở mức tương đối thấp và chấp nhận giải ngân, bất chấp vùng hỗ trợ cực mạnh 480 điểm ở phía sau. Sang đợt 3, do mất đà hưng phấn khi không bứt được khỏi 487 điểm, các lệnh ATC giá thấp đã đẩy VN-Index chốt tại mức 486,71 điểm.

Sự thể hiện hôm nay của nhóm cổ phiếu bluechip là rất mờ nhạt, điều này khá trái ngược với một số phiên trước đó. Không có mã nào trong số này đạt khối lượng giao dịch tới 1 triệu đơn vị. Trong khi chỉ vỏn vẹn vài ba mã tăng rất nhẹ như VSH (12.500 +100 +0,81%), VCB (37.000 +100 +0,27%), HPG (36.800 +400 +1,1%).

Phiên hôm nay chỉ có 2 mã duy nhất đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là TCM và VFC. Cả hai đều chốt phiên tăng mạnh. Trong đó, TCM tăng 3,74% lên 22.200đ/CP, đây đã là phiên tăng mạnh thứ 4 lên tiếp của mã này. VFC tăng hết biên độ lên 17.000đ/CP tương ứng tăng 800đ/CP.

Trên HNX, chỉ số cũng liên tục để mất điểm từ đầu phiên, mức thấp nhất chạm 147,4 điểm. Về sau, cung cầu giằng co và có phần cân bằng hơn giúp hãm đà giảm của chỉ số. Tuy nhiên, điều này vẫn là chưa đủ. PVX đứng đầu về khối lượng giao dịch với gần 4 triệu đơn vị, sức cung lượng lớn tương đối áp đảo khiến PVX chốt phiên giảm 1,88% về mức 26.100đ/CP.  Tiếp theo là KLS, VFR, HBS với lượng giao dịch 1,5 đến hơn 2 triêu cổ phiếu. Toàn sàn chỉ có 3 mã tăng trần LBE, LUT và QTC.

Về phía các nhóm ngành, trừ nhóm Viễn thông trụ tại tham chiếu, tất cả các ngành còn lại đều giảm điểm. Mức giảm mạnh nhất thuộc về ngành  Công nghệ thông tin khi để mất 3,3%, tiếp đến là Truyền thông (-2,7%), nhóm Dịch vụ Tài chính với nhiều mã cổ phiếu ngành chứng khoán cũng giảm mạnh 2.6%.

Ai đang “đứng trong” thị trường?

Thị trường đang trong giai đoạn lình xình, dòng tiền đổ vào ở mức rất yếu. Nhiều lý giải đều tập trung hướng đến một số vẫn đề vĩ mô như chính sách tiền tệ, sự khơi thông trên thị trường vốn. Tuy nhiên, một vấn đề mà không nhiều người để ý đến, đó là: liệu có phải nhà đầu tư đang “chán” thị trường, theo một cách nào đó, chứ không phải họ đang chờ đợi những tín hiệu sáng sủa hơn của chính sách vĩ mô?

Điểm dễ nhận thấy trong nhiều khuyến nghị và nhận định của các CTCK thời điểm hiện tại là: nhà đầu tư nên quan sát, nên đứng ngoài thị trường thời điểm này. Vậy nếu ai cũng đứng ngoài thì thị trường sẽ ra sao???

Hiện tượng vẫn thường xảy ra thời gian gần đây, đó là bất chấp xu hướng chung, nhiều mã cổ phiếu, dù không có những thông tin hỗ trợ thực sự, vẫn tăng mạnh, “tăng CE” (tăng trần) liên tiếp nhiều phiên một cách khó hiểu. Trong giai đoạn tăng trưởng của thị trường, điều này là dễ hiểu, nhưng thời điểm hiện tại nó khiến các nhà đầu tư nhỏ cảm thấy không minh bạch.

Luồng thông tin không còn là đối xứng, tâm lý chán nản và muốn bỏ rơi thị trường sẽ xuất hiện do lo ngại và bức xúc trước những “sự bất thường” không theo quy luật chung. Dòng tiền ít ỏi còn lại vì thế chỉ tập trung săn tìm các mã “nóng”, có “hiện tượng” mà dễ dàng bỏ qua nhiều mã có nền tảng cơ bản tốt. Sau khi hết “sóng”, luồng tiền trên lại thoát đi để lại một khoảng trống. Cái vỏng luẩn quẩn cứ thế lặp lại khiến sự chờ đợi một chu kỳ tăng mới chưa có hồi kết.
Theo: Stox.vn