Công an TP. Biên Hòa xử lý đám cháy cỏ lan từ bên trong bãi đất trống lên trụ điện hạ thế trên đường Bùi Văn Hòa (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chiều 16-2. Ảnh: Đ.TÙNG
Đáng nói, các sự cố cháy trên đã làm ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong khu dân cư, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa lưới điện, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng đài 114 (đường dây nóng nhận tin báo về cháy, nổ, tình huống cần cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh), trung bình trong 2 tháng đầu năm 2023 đã có khoảng 8 tin báo về các đám cháy cỏ, rác gọi về. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê từ các cuộc gọi báo cháy đến Tổng đài 114, chưa tính các sự cố cháy cỏ được công an các xã, phường hoặc người dân chủ động phát hiện, dập tắt.
* Hậu quả không nhỏ
Trong số các tin báo cháy, có không ít đám cháy cỏ, rác gần các khu dân cư trong TP. Biên Hòa gây mất an toàn PCCC trong khu dân cư. Thậm chí, có vụ việc chỉ vì đốt cỏ, rác mà làm cháy lan vào kho hàng của người dân, gây thiệt hại nhiều về tài sản.
Gần nhất, vào chiều tối 20-2, nhà kho của bà Đỗ Thị Lựu (48 tuổi, ngụ ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) bốc cháy dữ dội do một đám cỏ, rác cháy gần đó lan vào. Sự cố đã khiến nhà kho rộng 200m2 của bà Lựu cùng nhiều nguyên vật liệu ngành sơn bên trong kho bị thiêu rụi.
Ngoài ra, việc đốt cỏ, rác ở gần trụ điện hoặc phía dưới lưới điện nhưng không kiểm soát còn gây ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện, khiến hàng trăm hộ dân xung quanh bị mất điện nhiều giờ liền.
Như sáng 25-2, người dân tại KP.3, P.Tân Hiệp (TP. Biên Hòa) hốt hoảng khi thấy khói và lửa bốc lên dữ dội từ đám cháy bãi rác tự phát khoảng 200m2 trong khu đất trống ven đường Phạm Văn Khoai, đường dẫn vào sân vận động Đồng Nai. Ngọn lửa nhanh chóng bén vào đường dây điện ngay gần đó khiến 217 hộ dân quanh khu vực trên bị mất điện suốt nhiều giờ liền.
Trước đó, chiều 16-2, hơn 260 hộ dân tại P.Long Bình (TP. Biên Hòa) cũng mất điện do ngọn lửa từ đám đốt cỏ, rác trong bãi đất trống trên đường Bùi Văn Hòa cháy lan sang tủ điện hạ thế ở bên cạnh.
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, khi xảy ra cháy tại các khu vực gần trụ điện, hệ thống lưới điện, lượng khói, bụi, tro bốc lên bám vào đường dây sẽ dễ gây ra phóng điện, gây mất điện. Để xử lý, phải ngắt điện, cô lập đường dây sẽ dẫn tới ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt của các công ty, hộ dân trong khu vực. Nếu sự cố cháy kéo dài có thể gây hư hỏng nhiều hạ tầng ngành điện, do bị nung nóng bởi nhiệt độ cao.
Đáng chú ý, không chỉ gây mất an toàn PCCC mà việc đốt cỏ, rác bừa bãi còn có thể dẫn tới mất an toàn giao thông.
Trung tá Trần Minh Chí, Trưởng trạm Cảnh sát giao thông Ngã ba Thái Lan (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) cho hay, quốc lộ 51 đi qua nhiều khu vực đất trống tại TP. Biên Hòa và H. Long Thành, khi người dân đốt cỏ, rác, vườn tràm sẽ dẫn tới khói theo gió tràn ra quốc lộ. Việc này dễ dẫn tới nguy cơ va chạm giao thông vào buổi chiều tối khi lượng xe trên đường đông, tầm quan sát bị hạn chế bởi trời tối và khói.
Thực tế là vào tháng 4-2018 (cao điểm mùa khô 2018), trên đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn qua H. Long Thành) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 3 xe khách và 1 xe bồn vì bị khói đốt cỏ ở ven đường gây ảnh hưởng tầm nhìn.
* Cần quy định chế tài xử phạt hành vi tự ý đốt cỏ, rác
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, hiện là giai đoạn đầu mùa khô, nhiệt độ nằm ở mức cao, độ ẩm thấp nên nguy cơ cháy cao. Trong khi đó, các sự cố cháy cỏ, rác, phế phẩm nông nghiệp thường rơi vào chiều tối (khi có gió lớn) hoặc giờ nghỉ trưa (nhiệt độ cao nhất trong ngày) nên bùng phát nhanh, dễ cháy lan.
Để ngăn ngừa các nguy cơ cháy cỏ, rác, ngay từ cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố yêu cầu các cơ sở, khu dân cư tăng cường những biện pháp PCCC mùa khô.
Chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng Công an TP.Biên Hòa dập tắt đám cháy bãi rác trên đường Phạm Văn Khoai (P. Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) ngày 25-2.
Tại TP.Biên Hòa, ngay từ tháng 1-2023, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ TP. Biên Hòa ra thông báo các hộ gia đình, cá nhân không được tự ý đốt cỏ, rác bừa bãi; đồng thời, giới hạn khung giờ đốt rác từ 6-9 giờ buổi sáng và phải thông báo trước cho chính quyền địa phương để tiện kiểm soát. Tuy đã có quy định về việc đốt cỏ, rác rất rõ ràng nhưng vẫn còn không ít trường hợp không chấp hành.
Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP. Biên Hòa cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân đảm bảo an toàn PCCC trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, trong dịp lễ hội Xuân 2023 và thời điểm mùa khô hiện nay, việc phòng ngừa cháy do đốt cỏ, rác, vàng mã… đã được chúng tôi chú trọng tuyên truyền ngay từ cuối năm 2022”.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định xử phạt nghiêm hành vi tự ý đốt rác, chất thải ở khu vực dân cư, nơi công cộng. Trước đây, việc “tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng” sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng vào ngày 1-1-2022, khi Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; PCCC; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP) có hiệu lực thì hành vi này không còn được đề cập nên không đủ sức răn đe.
Chủ tịch UBND P.Long Bình (TP. Biên Hòa) Nguyễn Quốc Vương cho rằng, để hạn chế hậu quả của việc đốt cỏ, rác tự phát, cần có quy định xử phạt chặt chẽ về hành vi này; ngoài ra, phải đẩy mạnh việc thu gom, phân loại rác tại nguồn. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng người dân tự gom cỏ, rác đốt tự phát, không kiểm soát, dẫn tới cháy lan, cháy lớn, ảnh hưởng đến an toàn PCCC trong khu dân cư.
Thượng tá NGUYỄN VĂN HẢI, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh: Dập tắt lửa đốt cỏ, rác trước khi rời đi
Hiện nay, không ít người có thói quen gom đốt cỏ, rác, phế phẩm ngành Nông nghiệp tại các bãi đất trống nhưng thiếu sự kiểm soát liên tục và dập tắt. Chính vì vậy, khi tiến hành đốt cỏ, rác cần phải chọn các vị trí quang đãng, không có nguy cơ cháy lan. Đặc biệt, chú ý phải dùng nước dập tắt hoàn toàn ngọn lửa trước khi rời đi. Tránh trường hợp ngọn lửa cháy âm ỉ ban ngày và bùng phát khi có gió lớn vào chiều tối, dẫn tới cháy lan, cháy lớn.
Ông TRẦN THANH SANG, Trưởng phòng An toàn Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai: Không đốt cỏ, rác gần các trụ điện
Khi người dân có nhu cầu đốt cỏ vườn rẫy, rác, cỏ khô gần các đường điện nên có người đứng cảnh giới, đảm bảo ngọn lửa trong tầm khống chế.
Nếu diện tích đốt lớn, gần các đường điện, các trạm biến áp, cần thông báo, phối hợp với chính quyền, nhân viên điện lực để có biện pháp ứng phó, không để xảy ra cháy lan, nguy hiểm cho chính người dân và hạ tầng điện gần đó.
Chủ tịch UBND P.Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa) TRIỆU NGỌC PHƯỚC cho biết, tại địa phương có bãi đất trống rộng hàng ngàn m2 nằm giữa khu dân cư Phúc Hiếu và đường dẫn lên cầu Bửu Hòa, những năm trước đây thường xảy ra cháy cỏ vào mùa khô. Để ngăn nguy cơ này, trong năm 2022 và 2023, chính quyền địa phương thường xuyên cho phát cỏ, chủ động đốt cỏ khô có kiểm soát, không để phát sinh cháy, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
|
Link gốc