Tin trong nước

Tầm quan trọng của an toàn lao động trong hoạt động điện lực

Thứ ba, 28/2/2023 | 13:39 GMT+7
Điện lực Hòa Vang được PC Đà Nẵng giao quản lý cung ứng điện phục vụ an ninh chính trị, kinh tế xã hội và dân sinh trên địa bàn 8 xã thuộc huyện Hòa Vang với tổng diện tích 704,35km2 (chiếm 57,4% diện tích thành phố Đà Nẵng), với tổng số khách hàng sử dụng điện là 32.314 khách hàng.

Công nhân Điện lực Hòa Vang xây dựng hiện trường tập huấn.

Những năm qua, huyện Hòa Vang đã có những đột phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị hóa. Nhiều công trình, dự án đầu tư tại các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các khu du lịch sinh thái, quy hoạch mở đường… dẫn đến tốc độ phát triển nguồn lưới điện và sản lượng điện ngày một tăng.

Với quy mô nguồn lưới điện, khu vực quản lý rộng, đa phần là nông thôn, địa hình đồi núi phức tạp và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn như vậy, toàn thể Ban lãnh đạo và người lao động của Điện lực Hòa Vang luôn ý thức được sự khó khăn trong công tác quản lý vận hành lưới điện. Trong đó, người lao động luôn tiếp xúc với nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm và luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro đến với người lao động. Chính vì vậy mà nhiệm vụ an toàn luôn được Điện lực Hòa Vang đặt lên hàng đầu. 

Theo ông Hồ Văn An – Phó giám đốc Điện lực Hòa Vang cho biết: “Hiện nay, Điện lực Hòa Vang có tổng số 67 CBCNV, phần lớn là CBCNV đi làm trực tiếp ngoài hiện trường. Xuyên suốt trong từng năm, đơn vị đã tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động cho từng CBCNV; 100% cán bộ, công nhân được tập huấn, sát hạch đạt quy trình kỹ thuật an toàn điện mới được ra thực hiện công việc tại hiện trường.”

Những năm gần đây, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ việc người lao động có thể làm tắt, làm ẩu, thiếu các thủ tục cần thiết khi làm nhiệm vụ; giám sát tại hiện trường có thể chưa bám sát; công tác huấn luyện, đào tạo kỹ năng an toàn lao động chưa được bài bản, chưa có tính nhận thức cao, hiểu biết sâu để tự phòng tránh…

Công tác tập huấn, sát hạch thực hành thao tác tại Điện lực.

Nhận thấy yếu tố hạn chế đó, ngay từ đầu năm 2023, Điện lực Hòa Vang đã thành lập Hội đồng huấn luyện và kiểm tra sát hạch qui trình an toàn điện, chức danh quản lý vận hành, chức danh thực hiện chế độ Phiếu công tác – Phiếu thao tác (PCT - PTT) năm 2023; tổ chức đánh giá lại các mặt hạn chế trong khâu truyền đạt huấn luyện nhằm nâng cao nhận thức của người lao động trong công tác ATVSLĐ, an toàn giao thông là tiền đề để Điện lực hoàn thành được các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh Công ty giao.

Công tác huấn luyện ATVSLĐ, an toàn giao thông được triển khai từ ngày 8/2/2023 đến ngày 16/2/2023. Công tác huấn luyện thực hiện dựa trên tiêu chí người lao động làm công việc gì được huấn luyện an toàn theo đúng công việc đó; huấn luyện ATVSLĐ theo đúng đối tượng; huấn luyện an toàn điện; huấn luyện cứu hộ; kiểm soát chặt chẽ các thiết bị, dụng cụ an toàn phục vụ công việc, đặc biệt là các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông cho người lao động…

Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả huấn luyện, kiểm tra sát hạch an toàn vệ sinh lao động năm 2023, Điện lực đã xây dựng hiện trường thao tác bao gồm: cột bê tông ly tâm 14m, hệ thống đo đếm trung áp, xà néo các loại… Với hiện trường này, công tác huấn luyện, kiểm tra thao tác được triển khai thuận lợi, người lao động tập trung trao đổi được nhiều kiến thức kinh nghiệm thao tác trong quá trình huấn luyện, sát hạch.

Anh Lê Đức Hoàng – An toàn vệ sinh viên tại Tổ Quản lý đo đếm chia sẻ: “Công tác huấn luyện ATVSLĐ năm 2023 được CBCNV trong đơn vị hưởng ứng rất sôi nổi. Công nhân viên rất nhiệt tình trong công tác tạo dựng hiện trường thực hành thao tác cũng như tham gia bồi huấn với tinh thần học tập, sát hạch nghiêm túc. Qua đó, CBCNV nhận thức sâu sắc hơn về chủ đề năm “An toàn để về nhà”.

Với bộ tiêu lệnh “Về nhà an toàn” do EVNCPC ban hành gồm 5 nội dung tóm tắt các quy định bắt buộc cho người lao động khi thực thi nhiệm vụ, bao gồm: làm việc phải có phiếu công tác/lệnh công tác; làm việc phải có nối đất bảo vệ; làm việc phải có găng tay, dụng cụ cách điện; làm việc trên cao phải mang dây an toàn; luôn chấp hành quy định an toàn giao thông, cấm sử dụng chất kích thích, rượu bia trước và trong khi làm việc, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ngoài việc lắp đặt, phổ biến bộ tiêu lệnh này một cách trực quan tại các đơn vị sản xuất giúp cho người lao động dễ nhớ, dễ hiểu, lãnh đạo Điện lực và cán bộ an toàn Điện lực luôn quan tâm đến sức khỏe người lao động, nhắc nhở, phổ biến các nội dung về an toàn lao động qua các buổi sinh hoạt đầu giờ hàng ngày để tạo ý thức, nề nếp, thói quen tuân thủ các qui định về an toàn, vệ sinh lao động.

Có thể nói, việc thực hiện tốt công ATVSLĐ, nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm và sự tuân thủ pháp luật của người lao động có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với người trực tiếp lao động, đối với doanh nghiệp sử dụng lao động mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển chung đối với nền kinh tế và toàn xã hội.

Yên Bình