Dự án EVN - JICA về “Kế hoạch phát triển Trung tâm Đào tạo ngành Điện”: Để xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ hai, 2/6/2008 | 10:36 GMT+7

Được sự thống nhất của Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng Dự án “Kế hoạch phát triển Trung tâm Đào tạo ngành Điện”.

 

 Phòng làm việc của các thành viên tham gia Dự án tại Trung tâm Đào tạo nâng cao

Dự án này chính là sự kế thừa, phát huy những kết quả tốt đẹp từ Dự án EVN – JICA Đào tạo giáo viên /hướng dẫn viên ngành Điện (kết thúc năm 2005). Đồng thời, cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình phát triển Trung tâm Đào tạo nâng cao (ACT – thuộc Trường Đại học Điện lực) trở thành một Trung tâm đào tạo ngành Điện, có khả năng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực ngành Điện Việt Nam, xa hơn là cho ngành Điện khu vực Đông Nam á. Khi đó, Trung tâm sẽ thực sự xứng tầm với vị thế một ngành kinh tế mũi nhọn cũng như đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về nguồn nhân lực của ngành Điện trong tình hình mới.  

Với mục tiêu thiết thực là góp phần giúp hệ thống điện Việt Nam vận hành, bảo dưỡng an toàn, hiệu quả, đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật có khả năng vận hành và bảo dưỡng hệ thống điện hiện đại tại Việt Nam, Dự án lần này tập trung phát triển Trung tâm Đào tạo nâng cao – một đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ đào tạo chất lượng cao cho ngành Điện, có thể trở thành một cơ quan độc lập về các kế hoạch hoạt động và tài chính, cung cấp các dịch vụ đào tạo và tư vấn dựa trên chính sách phát triển nguồn nhân lực, nhu cầu của ngành Điện Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo mới được phát triển và biên soạn thông qua việc tận dụng nguồn tài liệu của Dự án Đào tạo giáo viên /hướng dẫn viên ngành Điện và theo yêu cầu đào tạo thực tế của ngành Điện Việt Nam. Có 26 thành viên tham gia Dự án, trong đó có 1 chuyên gia Nhật Bản, còn lại là các đối tác Việt Nam (thường xuyên và bán thường xuyên). Đối tác thường xuyên Việt Nam tham gia Dự án lần này đều là thành viên của ACT. Phần lớn trong số này là những giáo viên nòng cốt của Dự án trước (Dự án đào tạo giáo viên/hướng dẫn viên ngành Điện). Số đối tác bán thường xuyên là cán bộ, giáo viên của Trường Đại học Điện lực tham gia hỗ trợ Dự án.

 

Dự án được bắt đầu triển khai từ tháng 10/2007 và kéo dài đến năm 2009. Sau hơn 5 tháng thực hiện, những kết quả bước đầu của Dự án đã được Uỷ ban điều phối hỗn hợp của Dự án (bao gồm thành viên của EVN và JICA) thông báo trong cuộc họp Điều phối lần 1 vừa qua. Đó là: Dự án đã trang bị cho bộ phận thực hiện dự án chỗ làm việc, thiết bị văn phòng cần thiết như máy photocopy, máy vi tính, máy in, fax, điện thoại, hệ thống mạng LAN… (được bố trí tại Trung tâm Đào tạo nâng cao). Phần lớn các thiết bị này được mua từ Dự án trước (Dự án Đào tạo giáo viên ngành Điện). EVN và JICA đã thống nhất thành lập bộ phận thực hiện Dự án, xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của Dự án; lập kế hoạch thực hiện nội dung Dự án trong 2 năm 2008-2009 và kế hoạch hoạt động chi tiết cho năm 2008; lập dự toán cho 2 năm Dự án… Một số hội thảo trong khuôn khổ Dự án đã được tổ chức như: Hai hội thảo cuối năm 2007 được tổ chức cho các thành viên của Dự án nhằm giải thích và thảo luận về Dự án, kế hoạch quản lý Dự án; Hội thảo đầu năm 2008 nhằm thảo luận, tìm hiểu những hoạt động cần thiết trong việc phân tích tình hình hiện nay của ngành Điện Việt Nam. Ngoài ra còn thảo luận với phái đoàn JICA về nghiên cứu chương trình phát triển năng lượng Việt Nam… Sau cuộc họp Điều phối lần 1 đến nay, Dự án đã xây dựng đề cương và lập kế hoạch khảo sát các đơn vị; đang tiến hành khảo sát các đơn vị trong và ngoài EVN tại khu vực Hà Nội; lập phiếu khảo sát và gửi cho các đơn vị có liên quan. Cùng với các hoạt động trên, các thành viên tham gia dự án đã lập Dự thảo kế hoạch hoạt động 5 năm (lần thứ nhất) của ACT.

Đánh giá về các hoạt động của Dự án cho tới nay, phía Việt Nam và Nhật Bản đều thống nhất rằng: Việc phối hợp giữa đối tác Việt Nam và chuyên gia Nhật Bản là rất chặt chẽ và hiệu quả, có sự hỗ trợ từ những thành tựu của Dự án trước. Do yêu cầu thực tế cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Điện dẫn đến nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo tại các đơn vị trong và ngoài EVN ngày càng cao. Vì vậy, ACT sẽ ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết trở thành  Trung tâm Đào tạo cho ngành Điện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Thành viên Dự án EVN-JICA cho biết: Vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến các thành viên Dự án không khỏi băn khoăn là: Mặc dù Dự án đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2007 đến nay nhưng EVN vẫn chưa phê duyệt vốn đối ứng (như Biên bản ký kết hợp tác giữa EVN và JICA) cho các hoạt động của Dự án. Trong khi đó, rất nhiều hoạt động của Dự án vào thời điểm hiện tại và thời gian tới khó lòng được triển khai đúng kế hoạch nếu thiếu kinh phí. Phía đối tác JICA và các thành viên thường trực Dự án đề nghị EVN khẩn trương phê duyệt, giải ngân vốn đối ứng, tạo điều kiện thuận lợi để Dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và hoàn  thành các mục tiêu trong 2 năm 2008-2009. Bởi thành công của Dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc vận hành và bảo dưỡng có hiệu quả hơn thiết bị, máy móc trong ngành Điện. 

Theo TCĐL số 4/2008