Còn nhớ, năm 2001, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng, lúc bấy giờ vẫn còn ít người biết đến EVNTelecom. Cho đến khi, EVNTelecom chính thức bước vào kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng với chiếc điện thoại cố định không dây thì không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác biết đến mà cả những nơi hẻo lánh xa xôi như vùng sơn cước phía Bắc và vùng sông nước miền Tây Nam Bộ cũng biết rất rõ ngành Điện không chỉ cung cấp điện mà còn có chiếc điện thoại không dây là loại thiết bị duy nhất vào thời điểm lúc bấy giờ để người dân ở vùng sông nước, kênh rạch chia cắt có thể liên lạc được với nhau.
Sự hiện diện của chiếc điện thoại cố định không dây của EVNTelecom trên thị trường viễn thông công cộng vào thời điểm năm 2006 không chỉ khẳng định sự thành công bước đầu trong kinh doanh viễn thông của EVN mà còn đánh một mốc quan trọng đối với thị trường viễn thông công cộng nói chung. Từ năm 2007, EVNTelecom lần lượt đón chào thuê bao thứ 1 triệu tồi 2 triệu, đến năm 2008 đã có con số gần 4 triệu và năm 2009 là 4,2 triệu, trong đó, khách hàng thuê bao điện thoại cố định không dây chiếm 65%.
Chúng tôi có mặt ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long vào những ngày cuối năm. Trong bộn bề công việc của những ngày cuối năm nhưng Phó Bí thư Đảng ủy xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh Sơn Thái Cang vẫn tận tình đưa chúng tôi đến ấp Botchéch. Vừa đi ông vừa nói về tình hình của xã Lương Hòa cho chúng tôi nghe. Xã có 17 ấp nhưng có đến 4 ấp đồng bào Khmer chiếm tới 70%. Người dân xã ông cũng như nhiều địa phương khác ở miền Đông Bằng sông Cửu Long sống nhờ vào cây lúa. Nhờ trời, hai năm nay, người nông dân vừa được mùa vừa được giá nên đi đến đâu cũng thấy bà con nông dân vui vẻ như đang đón Tết.
Bà Kim Thị Phuôl vừa ngồi đung đưa trên chiếc võng vừa tiếp khách với gương mặt tươi tỉnh: Các bác ở thành phố thì có nhiều sự lựa chọn, chứ người dân sông nước như chúng tôi đâu có được nhiều sự lựa chọn như vậy. Năm 2007, khi anh em công nhân điện đưa đến tặng chúng tôi chiếc điện thoại không có dây vẫn nói chuyện được, mà cứ ngỡ như mình đang nằm mơ.
Ai đã một lần đến vùng sông nước miền Tây thì sẽ hiểu điều người phụ nữ ấy nói là hoàn toàn chân thật, không hề có chút nào là khách sáo hay xã giao như nhiều lúc ta vẫn thường gặp trong cuộc sống thường ngày khiến người ta phải nghi ngại, dè dặt khi lần đầu quen biết nhau.
Như là quán tính của hầu hết mọi người, hễ về miền Tây Nam Bộ là hỏi chuyện lúa, chuyện nuôi tôm và miệt vườn. Anh cán bộ trẻ của Điện lực Sóc Trăng dẫn tôi đi mê mải trên con đường đậy kín bóng cây. Tôi lần theo màu xanh khác của Sóc Trăng là biển. Gọi Sóc Trăng là vùng đất trẻ cũng có nhiều nghĩa. Dưới thời Pháp thuộc, Sóc Trăng là một phần của Bạc Liêu, đến năm 1956, dưới thời Đệ nhất của Cộng hòa Việt Nam được thành lập tỉnh riêng, lấy tên là Ba Xuyên, đến năm 1991, lại được “gộp” với Cần Thơ để thành tỉnh Hậu Giang và từ 2003 lại tách ra khỏi Hậu Giang để tái lập tỉnh Sóc Trăng. Sóc Trăng được gọi là vùng đất trẻ cũng bởi vì được hình thành qua nhiều năm lấn biển, vì vậy mà địa hình Sóc Trăng khá đặc biệt, những vùng đất trũng và giồng cát xem kẽ nhau với độ cao phổ biến ở mức 0,5-1m so với mực nước biển.
Chúng tôi đến Sóc Trăng khi nắng chiều rớt xuống mặt Sông Hậu làm thành những đốm sáng chói chang. Con lộ dẫn chúng tôi đến ấp Hòa Đông A- xã Phú Lâm- huyện Châu Thành trông mảnh dẻ giữa mênh mông đồng nước. Người Bắc bộ như chúng tôi đã được đến vùng này đôi ba lần nhưng vẫn khó mà phân biệt đâu là đâu khi đi trên con lộ lọt thỏm giữa thảm nước đậy kín dòng kênh, cánh đồng. Tôi đang mải với suy nghĩ, tại sao đơn vị đứng đầu trong cả nước với gần 90.000 thuê bao điện thoại, lũy kế thu phát sinh đạt 95,68% lại ở một vùng giao thông khó khăn như vậy?
Bà Lương Xinh sử dụng chiếc điện thoại cố định không dây của EVNTelecom từ năm 2006. Nhìn vị trí bà đặt chiếc điện thoại và cách bà đưa điện thoại ra cho khách xem cho thấy bà coi đây là vật quý. Bà Xinh nói: Tôi có 6 người con đều làm việc xa nhà. Từ nhiều năm trước chúng tôi vẫn mơ ước trong nhà có một chiếc điện thoại nhưng sống ở vùng sông nước cách trở nên “bên điện thoại” không kéo được dây. Đến khi anh em công nhân Điện lực đưa đến tặng chiếc điện thoại này, tôi giữ gìn như vật quí trong nhà. Bởi có nó, vợ chồng tôi biết được các cháu đang sống và làm việc bình yên, còn các con tôi lại biết được tình hình sức khỏe của ba mẹ mình. Họ hàng, anh em cũng gần gũi nhau hơn do liên lạc thường xuyên với nhau.
Gia đình bà Lý Thị Huôn ở ấp Thọ Hòa Đông A cũng vậy, muốn mua cây trái để đem ra chợ bán cũng không phải vất vả đi lại như trước đây, chỉ cần “phôn” cho các “nhà vườn” là có ngay.
Mỗi lần về miền Tây, là mỗi lần lòng tôi đầy ắp những cảm xúc về miền đất này. Chỉ là những câu chuyện về điện, điện thoại, nhưng qua câu nói của người đàn bà vùng sông nước miền Tây “chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn”, tôi lại càng thấm thía được những điều mà Đảng và Chính phủ đã cố gắng bằng cách này cách khác đem đến cho người dân nông thôn cuộc sống tốt đẹp hơn dẫu chưa được bằng thành phố.
Hiện nay, EVNTelecom đang vào guồng chuẩn bị cho cơ sở hạ tầng đảm bảo công nghệ tối ưu để đạt được chất lượng dịch vụ tốt nhất có thể. Theo đó, tháng 2-2010 sẽ lắp đặt xong hệ thống. Dự kiến, Tết Âm lịch có thể tiến hành thử nghiệm và sẽ chính thức cung cấp dịch vụ trước Quý II/2010. Việc áp dụng 3G sẽ mang lại sức bật mới cho mạng di động của EVNTelecom. Một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ chắc chắn sẽ mang lại chất lượng và các dịch vụ tối ưu cho khách hàng. Những điều này, mới nghe, có vẻ còn xa lạ với mức sống của người dân khu vực nông thôn. Nhưng có sao đâu, ước mơ là quyền của mỗi người và ngay năm 2005, khi tôi về miền Tây để viết bài về điện nông thôn, chiếc điện thoại vẫn là niềm mơ ước của người dân vùng sông nước, có ai ngờ, chỉ đúng một năm sau, người dân vùng sông nước đã được sử dụng chiếc “alô” không dây, với công nghệ tiên tiến trên thể giới.
Có điện, có điện thoại, có những cây cầu, người dân miền Tây bớt đi bao nhọc nhằn trong cuộc sống. Khi tôi cầm bút bắt đầu cho bài biết này thì ở miền Tây đã có những luồng gió chướng tạt về. Nước từ các triền sông đang rút nhanh, lại sắp Tết./