Sẽ không chia tay với CDMA!
Lúc này, sự thống trị của các mạng di động sử dụng công nghệ GSM khiến cho người ta dễ hồ nghi tương lai của hai nhà mạng cuối cùng còn sử dụng dụng công nghệ CDMA - SFone của SK Telecom và EVNTelecom.
- Thưa ông, hiện nay, SFone buộc phải đứng trước sự lựa chọn có rời bỏ công nghệ CDMA hay không. Còn EVNTelecom?
|
Giám đốc Công ty Viễn thông Điện lực (EVNTelecom) -Ông Phạm Dương Minh |
Sử dụng công nghệ CDMA, chúng tôi hiện đang khai thác tốt mảng dịch vụ điện thoại cố định không dây với số lượng hơn 3 triệu khách hàng. Định hướng tới đây, EVNTelecom sẽ tập trung phát triển loại hình này vì nó đem lại lợi nhuận lớn cho công ty.
Song song với đó, mạng điện thoại di động công nghệ CDMA sẽ được duy trì. Nhưng để nâng tỷ trọng doanh thu của viễn thông di động, chúng tôi chú trọng phát triển mạng 3G thông qua việc khuyến khích các khách hàng chuyển lên dùng 3G với nhiều lựa chọn hơn về dịch vụ cũng như thiết bị đầu cuối được phổ dụng.
- Liệu sử dụng công nghệ CDMA có phải là một lựa chọn sai lầm, ngay từ xuất phát điểm, thưa ông?
Đến lúc này, các chuyên gia về viễn thông vẫn nhận định, CDMA hoàn toàn có thể chiếm lĩnh khoảng 25% thị phần trên thế giới. Đáng nói là, rất nhiều tổ chức viễn thông thế giới khi nhìn nhận về thị trường di động 3G nói chung cũng đồng ý với quan điểm trên. Tại Việt Nam, mạng sử dụng công nghệ CDMA vẫn có thể chiếm lĩnh một % tương tự.
Tuy nhiên, khi theo đuổi công nghệ CDMA, một khiếm khuyết rất lớn mà chúng tôi không hoá giải được chính là việc thiết bị đầu cuối không phổ dụng được nên không thể đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi không từ bỏ CDMA vì như đã nói còn mảng điện thoại cố định không dây đang rất hiệu quả. Dù vậy, khiếm khuyết của CDMA sẽ là kinh nghiệm quý để chúng tôi làm tốt hơn khi triển khai dịch vụ 3G. Chúng tôi đặt mục tiêu, trong số 6 triệu khách hàng năm sau, sẽ có 500.000 khách hàng 3G.
- Dường như sự háo hức với 3G đã không còn như lúc ban đầu khi mà phát pháo thử nghiệm từ Vinaphone cho thấy còn nhiều điều cần làm để 3G không chập chờn. Đi sau, có giúp cho EVNTelecom lợi thế hơn?
Theo kế hoạch, tháng 4 sang năm, EVNTelecom sẽ chính thức cung cấp dịch vụ 3G. Lúc này, chúng tôi đang vào guồng chuẩn bị cho cơ sở hạ tầng đảm bảo công nghệ tối ưu để đạt được chất lượng dịch vụ tốt nhất có thể. Tháng 12 sẽ bắt đầu triển khai và sau 2 tháng thì lắp đặt xong hệ thống. Dự kiến, Tết âm lịch có thể tiến hành thử nghiệm được. Chúng tôi có nhiều lợi thế về công nghệ, về độ sẵn sàng, vậy nên, áp dụng 3G sẽ mang lại sức bật mới cho mạng di động của EVNTelecom.
- Tuy nhiên, tôi còn nhớ, khi bắt đầu tham gia thị trường, EVNTelecom cũng khá đình đám, nhưng thực tế sau đó không đủ sức giữ chân khách hàng. Vậy, làm sao kinh nghiệm buồn này không lặp lại khi tung ra 3G?
Chúng tôi dự tính chi khoảng 30 tỷ trong quý 1/2010 cho công tác xây dựng hình ảnh |
Thực ra, muốn cạnh tranh được, phải tạo nên được các dịch vụ giá trị gia tăng đặc thù của doanh nghiệp. Với EVNTelecom, có lợi thế là doanh nghiệp của ngành điện, vậy nên có thể khai thác thế mạnh như triển khai dịch vụ giá trị gia tăng về hệ thống thanh toán tiền điện, báo sự cố lưới điện, các thông tin về ngành điện... Ngoài ra, cũng phải đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ GTGT đã xã hội hóa khác như email, tra cứu khách hàng, nhà hàng, homebanking, i-banking… EVNTelecom sẽ bắt tay với các nhà cung cấp dịch vụ GTGT, cung cấp các nội dung số cả ở trong và ngoài nước.
3 cái “Biết”
Xét cả góc độ sáng lẫn tối, thị trường viễn thông vẫn luôn được coi là cạnh tranh khốc liệt. Ngay cả ở “chiếu trên” thì các đại gia cũng vẫn phải tung những chiêu khá hiểm nhằm đạt được miếng bánh thị phần to hơn hoặc đôi khi chỉ là để giữ được thị phần đã có. Vào guồng quay rồi, các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ phải làm sao? Thay đổi mình như Vietnamobile hay lừng khừng giữa ngã ba như SFone hay….?
- Ông định vị EVNTelecom đang ở đâu?
Thị trường viễn thông hiện có 2 tốp. Tốp trên có 3 đại gia, tốp dưới có 7 doanh nghiệp. EVNTelecom đứng đầu ở top sau. Nếu xét về thị trường cố định không dây, EVNTelecom chiếm đa số. Nhưng với thị trường viễn thông di động, các doanh nghiệp kia lại chiếm đa số. Tuy vậy, tôi tin, khi có 3G, thị trường sẽ còn nhiều biến động. Những doanh nghiệp viễn thông nhỏ nếu tìm được điểm mạnh sẵn có hoàn toàn có thể cải thiện thứ hạng trên. Và EVNTelecom sẽ không bỏ lỡ cơ hội này.
- Xét về lợi thế kinh doanh, EVNTelecom đâu có thua kém ai?
Đúng là chúng tôi có lợi thế vì EVNTelelcom là 1 trong 3 nhà mạng có hệ thống truyền dẫn tốt nhất ở Việt Nam (VNPT, Vietel, EVNTelecom), còn lại các doanh nghiệp khác phải thuê. Chúng tôi cũng có được hệ thống tổ chức kinh doanh nằm ở tất cả tỉnh thành trên toàn quốc. Chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng nhìn chung được đánh giá tốt.
- Vậy tại sao, kết quả kinh doanh của EVNTelecom vẫn khiêm tốn?
Sau một thời gian EVNTelecom đầu tư thành công vào cố định không dây, những doanh nghiệp khác cũng nhảy vào khai thác và họ cũng mắc phải những vướng mắc trước đây EVNTelecom từng gặp phải như không quản lý được thiết bị đầu cuối, khó khăn trong thu tiền cước và bản thân doanh nghiệp cũng không kiểm soát hết được chất lượng của họ. Vậy nên, sau khi hoạt động chất lượng dịch vụ không ổn định. Nhưng đến giờ, chúng tôi xác định, mục tiêu là phải giữ được khách hàng, không để họ rời mạng, chứ không phải phát triển nóng rồi lại mất khách hàng. Chúng tôi có thể đi chậm hơn nhưng chắc hơn. Đã đi là phải đến!
- Thế còn sự vắng bóng gần đây trong các hoạt động truyền thông trong khi các đối thủ “làm mưa làm gió” nói lên điều gì, thưa ông?
Việc ít xuất hiện trên quảng cáo thực ra cũng cho thấy hạn chế của chúng tôi – chưa chú trọng đúng mức đến công tác xây dựng hình ảnh cũng như chưa có kế hoạch, chiến lược PR đúng đắn.
- Thưa ông, hình ảnh EVNTelecom sẽ được xây dựng như thế nào? Đâu là lợi thế cạnh tranh?
Chỉ kinh doanh được khi mình biết lợi thế của mình là gì, khách hàng mục tiêu là ai? Muốn cải thiện hình ảnh của EVNTelecom, phải nắm rõ được 3 cái “Biết” - biết lợi thế của mình - biết đối thủ và biết khách hàng muốn gì. Từ những phân tích xác đáng này, chúng tôi thực hiện hai công việc cùng lúc. Củng cố chất lượng các dịch vụ đã có bao gồm cả chất lượng kỹ thuật và chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, phải có chiến dịch xây dựng thương hiệu cùng những chiến lược và kế hoạch PR cho các loại dịch vụ.
Xây dựng hình ảnh của EVNTelecom và các công ty điện lực như địa chỉ song hành lợi ích cùng khách hàng và cộng đồng. Những việc này cần được triển khai trong giai đoạn khẩn cấp. Chúng tôi dự tính chi phí 30 tỷ đồng trong quý I/2010 cho công tác xây dựng hình ảnh này. Con số này chưa phải nhiều nhưng quyết tâm xuyên suốt trong đội ngũ cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống sẽ giúp EVNTelecom trưởng thành hơn.
Phải biết cách chấp nhận cuộc chơi
Trong 100 người từng rời mạng, giỏi lắm chỉ có 10 người trở lại. Vì thế, EVNTelecom xác định, chú trọng đến phát triển khách hàng mới. Kế hoạch của năm 2010, con số khách hàng sẽ đạt 6 triệu khách, tăng thêm 2 triệu so với hiện nay.
- Nếu có người chê thẳng thừng EVNTelecom với ông, ông sẽ làm gì?
Không dễ để chấp nhận việc bị chỉ trích như vậy. Nhưng, trước hết, phải lắng nghe khách hàng đó và đưa ra cam kết cùng họ. Những kinh nghiệm trong quá khứ giúp cho EVNTelecom chăm sóc khách hàng tốt hơn, điều trước đây chưa thực sự được quan tâm, cũng chưa có kinh nghiệm sẽ được thay đổi. Sắp tới sẽ phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong khâu sản xuất kinh doanh. Chúng tôi sẽ phải khắc phục được những khó khăn của doanh nghiệp mới bằng công nghệ. Hiện đã tính đến thuê tư vấn triển khai kinh doanh dịch vụ 3G (đang lập hồ sơ đấu thầu doanh nghiệp trong và ngoài nước). Cần phải xác định, tạo dựng lòng tin với khách hàng từ mỗi hành động của doanh nghiệp.
- Đã từng có những “cuộc chiến giá” khiến những đại gia cũng bị ảnh hưởng. EVNTelecom có chọn cách cạnh tranh này?
EVNTelecom xác định phải đem lại quyền lợi cho cả khách hàng và chính mình. Cạnh tranh bằng giá là một trong những giải pháp kinh doanh mà chúng tôi không thể bỏ qua, nhất là khi chúng tôi có lợi thế để làm được điều đó. Nhưng, EVNTelecom không cạnh tranh theo kiểu bất chấp mà chỉ thực hiện trên cơ sở cái lợi thu được là cái lợi chung, không chỉ cho doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông vừa duyệt cho EVNTelecom triển khai gói dịch vụ phục vụ đối tượng là các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng điện thoại cố định không dây.
Theo đó, từ 1/11/2009, khách hàng doanh nghiệp, tổ chức xã hội sử dụng gói này sẽ chỉ phải trả 200 đồng/phút gọi nội mạng trên toàn quốc. Như vậy, so với mức giá hiện nay, trung bình 900 - 2000 đồng/phút, một doanh nghiệp lớn có thể tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng điện thoại/năm. Đó là chưa kể đến hiệu ứng, từ gói này, các doanh nghiệp cạnh tranh cũng sẽ có áp lực để điều chỉnh lại mức giá hiện nay của mình. Điều này, xét đến cùng có lợi cho khách hàng và cho xã hội.
- EVNTelecom vừa trở thành một trong doanh nghiệp đầu tiên có hệ thống cáp quang biển liên Á. Điều này mang lại giá trị thế nào?
Cáp quang biển Liên Á giúp các doanh nghiệp giảm giá cước các dịch vụ viễn thông
|
Với lợi thế mạng truyền dẫn quốc tế trên đất liền cộng với việc hoàn thành tuyến cáp quang biển Liên Á với dung lượng khai thác 50Gbps, EVNTelecom sẽ đem lại cơ hội giảm giá cước các dịch vụ viễn thông cho chính EVNTelecom và các doanh nghiệp viễn thông khác của Việt Nam nhờ vào việc được khai thác các kết nối quốc tế với mức giá thấp hơn nhiều so với các tuyến kết nối hiện tại.
Thêm nữa, việc khai trương để đưa vào vận hành IACS của EVNTelecom sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ bị cô lập với thế giới bên ngoài khi có sự cố trên các tuyến cáp quang biển khác; nhu cầu về băng thông của các dịch vụ viễn thông như điện thoại cố định, di động 2G và 3G cũng như các dịch vụ kết nối Internet sẽ được đáp ứng nhanh chóng với giá cước rẻ cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
- Vậy còn tham vọng của riêng EVNTelecom?
Với tư cách là nhà đầu tư của cáp biển Liên Á, EVNTelecom sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi kết nối từ Nhật Bản với Châu Mỹ thông qua mạng lưới cáp biển qua Thái Bình Dương. Sự kết nối này sẽ là chìa khoá trong việc nâng cao hơn nữa sự hiện diện của Việt Nam trên trường quốc tế và giúp EVNTelecom trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp các dịch vụ viễn thông trong nước và quốc tế.
- Điều này chắc hẳn khiến EVNTelecom thêm tự tin khi vạch kế hoạch sẽ lên “chiếu trên” trong làng các nhà mạng?
Chúng tôi đầu tư 50 triệu USD cho cáp biển Liên Á và tính toán sẽ hoàn vốn trong vòng 6 - 7 năm (trong khi đó, đường dây 500Kv Bắc Nam mạch 2 phải mất 20 năm – PV). Quyết định đầu tư này cũng đồng nghĩa với việc giành được sự chủ động trong kinh doanh. Đó là điều kiện tiên quyết để phát triển doanh nghiệp.
Chúng tôi giờ đây đã có “điều kiện cần” để thay đổi thứ hạng, nhưng vẫn cần đến “điều kiện đủ” đó là chiến lược con người. Vì chỉ có đội ngũ tốt mới đủ sức đưa thương hiệu EVNTelecom tiến xa hơn nữa, vượt ra ngoài biên giới của quốc gia.
- Xin cảm ơn ông!