Tiếp nối truyền thống 50 năm, PC Thanh Hóa đang nỗ lực hết mình, đóng góp vào sự phát triển của ngành điện và sự nghiệp phát triển của tỉnh Thanh Hóa - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và hăng say trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương.
Từ một nhà máy đầu tiên được xây dựng tại trung tâm thị xã Thanh Hóa có công suất 240 kW do ông Hoàng Văn Ngọc, một kỹ sư điện tốt nghiệp tại Pháp về đầu tư, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền bắc được giải phóng, để có điện phục vụ đời sống, tháng 3-1956, Thanh Hóa được Liên Xô giúp xây dựng Nhà máy điện Lôcô Hàm Rồng. Sau đó, Thanh Hóa còn được đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Cổ Định (Trung Quốc giúp), Nhà máy thủy điện Bàn Thạch (Liên Xô giúp) và Nhà máy nhiệt điện Hàm Rồng năm 1960-1964 (Hung-ga-ri giúp).
Để thống nhất điều hành, ngày 6-4-1961 Cục Điện lực ra Quyết định thành lập Nhà máy điện Thanh Hóa, gồm bốn cơ sở phát điện trong tỉnh là: Lôcô Hàm Rồng, Thủy điện Bàn Thạch, Nhiệt điện Cổ Định và Nhiệt điện Hàm Rồng có tổng công suất 6.000 kW.
Năm 1965, cùng với nhân dân cả nước, CBCNV ngành Điện lực Thanh Hóa bước vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quyết tâm bảo vệ dòng điện liên tục, điện lực Thanh Hóa đã thực hiện: Địch đánh phá đến đâu, khắc phục sửa chữa đến đó, vừa làm vừa sáng tạo. Mặc dù giặc Mỹ đã trút 7.780 quả bom các loại, 66 thùng bom bi, 36 quả bom Napan, 306 phát tên lửa, 1.456 quả rốc- Két, 182 quả đạn cực nhanh từ các chiến hạm ngoài Biển Đông bắn vào, chưa kể các loại đạn 20 ly, 12,7 ly, nhưng ánh sáng điện vẫn tràn ngập đường phố, các cơ sở, nhà dân, cửa hàng mậu dịch của thị xã Thanh Hóa. Ánh sáng đó là biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của CBCNV Nhà máy điện Thanh Hóa trong công cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong giai đoạn hào hùng đó, ngành điện Thanh Hóa đã có 214 công nhân tham gia nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 14 người đã anh dũng hy sinh. Có hai người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là Đỗ Chanh và Lê Kim Hồng.
Tháng 12-1966, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Nhà máy điện Hàm Rồng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng. Lời tuyên dương có ghi "... Giặc Mỹ đánh 170 trận, ném hàng ngàn quả bom, công nhân, cán bộ nhà máy vẫn vững vàng trên vị trí sản xuất, kiên cường đánh trả địch, bảo vệ nhà máy, xông pha dưới bom đạn, phục vụ chiến đấu, hăng hái cứu chữa xí nghiệp bạn, bảo vệ tài sản của dân.
Phát huy tinh thần tập thể chủ động, sáng tạo và nhiều biện pháp kỹ thuật và tổ chức sản xuất linh hoạt, khắc phục mọi khó khăn tích cực khôi phục và phân tán cơ sở sản xuất, bảo đảm hoạt động liên tục, phục vụ đắc lực sản xuất và chiến đấu...".
Năm 1971, mạng lưới điện Thanh Hóa được nối với điện lưới toàn miền bắc. Thanh Hóa xây dựng thêm năm cụm điện đi-ê-den có tổng công suất hơn 2.000 kW, phục hồi Nhà máy điện trung tâm 3.000 kW nên sản lượng điện tăng dần từ 8.292.041 kWgiờ năm 1965 lên 25.193.807 kWgiờ năm 1975. Từ khi đất nước thống nhất, được sự quan tâm chỉ đạo giúp đỡ của ngành điện cấp trên và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, mạng lưới điện Thanh Hóa ngày càng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và không ngừng lớn mạnh.
Năm 2010 là năm đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ về mô hình hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc. Cùng với bốn tổng công ty quản lý và phân phối điện là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, miền trung và miền nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) được thành lập ngày 5-2-2010. Xác định rõ việc chuyển đổi mô hình từ cấp điện lực lên công ty là sự chuyển biến thật sự về chất, nâng hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Điện lực Thanh Hóa lên một tầm cao mới, Ban lãnh đạo công ty đã tập trung hết sức cho việc lãnh đạo chỉ đạo ở tất cả lĩnh vực hoạt động. Đến nay, công ty có 1.512 CBCNV, trong đó có 297 người có trình độ đại học và trên đại học, 303 người có trình độ cao đẳng, trung học và hàng trăm công nhân thợ bậc cao. Hệ thống tổ chức bao gồm Ban Giám đốc, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, 13 phòng nghiệp vụ, 27 điện lực trực thuộc, ba phân xưởng (Sửa chữa xây lắp điện, Thiết kế, Thí nghiệm Đo lường và sửa chữa thiết bị điện).
Tháng 1-2014 là một dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với ngành điện Thanh Hóa, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã đưa điện đến xã Mường Lý, huyện Mường Lát, là xã cuối cùng trong tỉnh có điện lưới quốc gia (đạt 585/585 xã) sớm hơn hai năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVI đã đề ra. Đến nay, PC Thanh Hóa trực tiếp quản lý bán điện đến từng người dân ở 427/585 xã chiếm 73,47%, quyết tâm tiếp nhận và cải tạo lưới điện cho các xã còn lại nếu địa phương thực hiện bàn giao. Về sản lượng, đến năm 2013 đã thực hiện là 1.599.008.239 kWgiờ. Tám tháng năm 2014 đã thực hiện 1.211.828.456 kWgiờ.
Để có được những thành quả nêu trên, Điện lực Thanh Hóa luôn quan tâm sâu sát trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là công tác xây dựng Đảng, xây dựng nguồn nhân lực. Thông qua phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, đội ngũ đảng viên được bồi dưỡng rèn luyện vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, 100% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Đảng bộ Công ty Điện lực Thanh Hóa có 487 đảng viên sinh hoạt tại 40 chi bộ, từ năm 1994 đến nay luôn được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đảng bộ Công ty Điện lực Thanh Hóa cũng không ngừng chăm lo bồi dưỡng các tổ chức quần chúng trong đơn vị nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Công đoàn Điện lực Thanh Hóa trực thuộc Công đoàn Tổng công ty Điện lực Miền Bắc với 1.495 đoàn viên sinh hoạt tại 38 công đoàn bộ phận, trong đó nữ công nhân là 368 người, chiếm 23,52% tổng số lao động. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công ty có 661 đoàn viên sinh hoạt tại 31 chi đoàn, chiếm 45% tổng số lao động. Hội Cựu chiến binh công ty có 170 hội viên. Hội Khuyến học có 1.564 hội viên sinh hoạt tại 31 chi hội.
Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đối với những người có công với nước và với ngành, từ năm 1995 Công ty Điện lực Thanh Hóa đã nhận chăm sóc phụng dưỡng 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sĩ, đưa đi đào tạo và tuyển dụng vào ngành người thân của Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, liệt sĩ; đỡ đầu Đồn Biên phòng cảng Lễ Môn, bản Suối Tôn, xã Phú Sơn, Quan Hóa.
Thông qua các phong trào thi đua lao động sản xuất, rèn luyện tay nghề, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của tổ chức mình, các tổ chức chính trị, xã hội tại Công ty Điện lực Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển lớn mạnh của đơn vị như ngày hôm nay.
Thanh hóa không chỉ anh hùng trong các cuộc kháng chiến thần thánh và vĩ đại của dân tộc chống thực dân, đế quốc giành tự do, độc lập và thống nhất đất nước, người xứ Thanh còn có khát vọng xây dựng quê hương ngày một đẹp, giàu. Đó vừa là cơ hội và cũng là trách nhiệm trong sự nghiệp phát triển của Công ty Điện lực Thanh Hóa.
Có thể nói, chưa bao giờ Thanh Hóa có điều kiện phát triển như những năm vừa qua. Không chỉ còn là một tỉnh thuần nông, loay hoay với những "lúa, lang, luồng, lạc, lợn...", năm 2010, Thanh Hóa đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại đến năm 2020, trong đó mục tiêu phát triển công nghiệp được xác định cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp giai đoạn 2011 -2015 bình quân đạt 24,4%; giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 20,42%; tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP năm 2015 là 36,40%, đến năm 2020 là 35,70%. Đến năm 2020, ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, trên địa bàn Thanh Hóa còn xây dựng 10 khu công nghiệp. Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, khi vấn đề đồng bộ quy hoạch phát triển các chuyên ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương chưa được thực hiện tốt, đó vẫn là một thách thức lớn đối với Công ty Điện lực Thanh Hóa.
Rút kinh nghiệm trong việc không đáp ứng đủ điện cho nhu cầu đột biến của dân cư tại một số tỉnh khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, nắm bắt trước sự gia tăng nhân lực trong khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bắt đầu triển khai xây dựng, từ đầu năm 2014, Điện lực Tĩnh Gia và Công ty Điện lực Thanh Hóa đã chủ động đề xuất Tổng công ty Điện lực Miền Bắc gấp rút đầu tư cải tạo và mở rộng hệ thống điện tại khu vực này. Với gần 100 tỷ đồng đầu tư lưới điện trung áp và hạ áp trong khu vực, hiện nay tại khu vực xây dựng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và phụ cận, lượng người tăng đột biến lên đến hơn 45 nghìn người, nhưng việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vẫn được ổn định.
Trong các cuộc tiếp xúc, làm việc với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa Trịnh Xuân Như luôn nhấn mạnh: Tiếp nối truyền thống 50 năm Nhà máy điện Hàm Rồng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, CBCNV Công ty Điện lực Thanh Hóa sẽ luôn nỗ lực hết mình, thực hiện bằng được khẩu hiệu "Điện đi trước một bước", thỏa mãn nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần để Thanh Hóa thực hiện được mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp năm 2020.
Các phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ
- Bia di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà máy Điện Anh hùng năm 1998.
- Huân chương Chiến công hạng ba cho Tự vệ Nhà máy Điện Hàm Rồng năm 1965.
- Đơn vị Anh hùng năm 1966.
- Hai Anh hùng Lao động: Đỗ Chanh (1967), Lê Kim Hồng (1973).
- Huân chương Quân công hạng ba tặng Tự vệ Nhà máy Điện Hàm Rồng năm 1967.
- Huân chương Lao động hạng ba tặng công nhân, cán bộ, nhân viên Nhà máy Điện Hàm Rồng năm 1967.
- Huân chương Lao động hạng nhì tặng cán bộ, công nhân, viên chức Nhà máy Điện tỉnh Thanh Hóa năm 1967.
- Huân chương Lao động hạng nhất tặng cán bộ, công nhân, viên chức Nhà máy Điện tỉnh Thanh Hóa năm 1968.
- Huân chương Lao động hạng ba tặng Sở Điện lực Thanh Hóa năm 1991.
- Huân chương Lao động hạng nhất tặng Sở Điện lực Thanh Hóa năm 1996.
- Huân chương Độc lập hạng ba tặng Điện lực Thanh Hóa năm 2002.
- Huân chương Độc lập hạng nhì tặng Công ty Điện lực Thanh Hóa năm 2013.
- Nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Công thương cho tập thể và cá nhân. |