Sự kiện

Đưa điện ra xã đảo

Thứ tư, 9/7/2014 | 09:44 GMT+7
Chúng tôi có mặt trên đảo Quan Lạn vào những ngày đầu tháng 7, tiết trời khá thuận lợi cho những chuyến đi biển. Quan Lạn là một đảo lớn nằm trong Vịnh Bái Tử Long. Nơi đây không chỉ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho nhiều bãi tắm đẹp  mà còn lưu giữ được rất nhiều những công trình văn hóa, lịch sử lâu đời.



Hạ tầng trên đảo vẫn còn ngổn ngang.

Quan Lạn là hòn đảo xinh xắn với diện tích 11 km2, trải dài theo hướng Đông Tây, từ chân dãy núi Vân Đồn tới núi Gót, với những ngọn núi cao phía Đông như bức tường thành ngăn sóng gió từ biển khơi để bảo vệ cho cư dân trên Đảo.Vài năm gần đây, giao thông thuận lợi nên nhiều người biết đến hòn đảo này như một quy luật  "hữu xạ tự nhiên hương". Những người đến Quan Lạn, đa số có sở thích chung là tìm kiếm sự thanh bình, tránh xa phố xá ồn ào và đông đúc. Trên hòn đảo xinh đẹp này có 2 bãi tắm nổi tiếng đẹp và hoang sơ với bãi cát trắng trải dài là bãi Minh Châu thuộc xã Minh Châu và bãi Sơn Hào thuộc xã Quan Lạn.

Khi con tàu đáp đảo, hiện lên trước mắt chúng tôi với rất nhiều các cây dương, thông... Những chiếc xe Tuk Tuk – phương tiện chủ yếu và đặc trưng nhất của Quan Lạn đón chúng tôi về trung tâm xã đảo. Đến Quan Lạn, điều dễ cảm nhận nhất đó chính là thiên nhiên tươi đẹp và con người thân thiện.

Chúng tôi không phải mất nhiều thời gian để đi khám phá đảo. Ngôi đình Quan Lạn được xây dựng từ thế kỷ 18 tuyệt đẹp, hiện nay gần như còn nguyên vẹn chưa bị thời gian phủ bóng tàn phá, các đường nét chạm khắc hoa văn ở đình khá tinh xảo. Bên cạnh đình là chùa Quan Lạn (Linh Quang tự) thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Trong chùa còn có tượng cụ Hậu, một người dân địa phương góp nhiều công sức xây dựng chùa. Bức tượng là một bà cụ già Việt Nam tươi tắn, hiền hòa, chất phác đã tạo nên nét độc đáo của chùa.

Cũng thuộc khu quần thể trên là Miếu Nghè Quan Lạn (miếu Đức Ông) thờ Phạm Công Chính, một người dân địa phương đã tham gia trận Vân Đồn lịch sử chống quân Nguyên và được suy tôn là Vị Thần. Đây là những di tích lịch sử minh chứng cho một hòn đảo có truyền thống văn hóa lâu đời – nơi đầu sóng, ngọn gió bảo vệ tổ quốc.

Sở dĩ Quan Lạn chưa có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, để quảng bá đón khách đến, lý do chính là do chưa có điện lưới quốc gia nên đời sống người dân khá chật vật, kinh tế cũng khó phát triển.
 


Người dân trên đảo có thói quen ăn cơm sớm để tiết kiệm điện.
 
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh Phùng Kim Đại cho biết, Quan Lạn và 4 xã đảo: Bản Sen, Thắng Lợi, Ngọc Vừng và Minh Châu đều thuộc huyện Vân Đồn, là khu vực chưa được cấp nguồn điện quốc gia. Hiện tại, việc sử dụng điện của người dân ở 5 xã đảo này đều từ các trạm phát điện diesel công suất nhỏ của tư nhân, do vậy, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ sinh hoạt của nhân dân trên đảo. Do việc cấp điện sinh hoạt trong nhân dân được thực hiện trong khung giờ từ 18 giờ đến 23 giờ hàng ngày nên các thiết bị sử dụng bằng điện của các hộ gia đình chỉ có quạt, tivi và bóng đèn điện. Tuy vậy, vào mùa hè vẫn bị quá tải nên vào giờ cao điểm vẫn phải thực hiện cắt điện luân phiên.

Ông Nguyễn Văn Toàn  là đời thứ 7 của dòng họ sống ở đảo Quan Lạn nên mọi sự thay đổi ở nơi này ông đều thấu hiểu như trong gia đình mình. Ông nói, bây giờ Quan Lạn chỉ còn khoảng hơn 850 hộ gia đình với hơn 3.800 nhân khẩu, nếu ở đây có đầy đủ điện, nước thì nhân khẩu có thể là gấp đôi, bởi lẽ, đời sống khó khăn, thiếu thốn nên nhiều gia đình đã bỏ đảo để vào đất liền. Trước đây, dân đảo sống chủ yếu bằng nghề vận chuyển hàng hóa Bắc Nam, đánh cá, nuôi trồng thủy sản, nhưng bây giờ HTX vận tải đã giải thể, các gia đình sống chủ yếu bằng nghề đánh cá và buôn bán nhỏ lẻ. Nước ngọt thì dùng bằng nguồn nước ngầm và nước mưa, nhưng thiếu điện thì đời sống rất khó khăn. Mười năm gần đây, dân đảo mới được dùng điện bằng máy phát diesel, nhưng cũng chỉ được 5 tiếng buổi tối, giá thành khoảng 18.000đ/kWh. Gia đình ông  chỉ có 1 chiếc tivi, 1 máy bơm nước, vài bóng đèn thắp sáng vài chiếc quạt điện nhưng cũng phải trả 650.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Ông mua 3 bình ắc qui để dự phòng những hôm bị mất điện nhưng dùng cũng hết sức tiết kiệm. Ở đây, thứ mà người dân dùng dè xẻn nhất là điện.
 


Điện máy phát có từ 6 giờ tối đến 11 giờ với giá 17 ngàn đồng/số.
 
Ông chủ nhà nghỉ Ngân Hà, là nhà nghỉ sang trọng nhất tại đảo Quan Lạn đầu tư hơn 1 tỉ đồng để mua máy phát điện với giá thành 1.000đ/kWh, ngày nghỉ cuối tuần, nhà nghỉ kín khách, chi phí cho riêng tiền điện hết khoảng 4 triệu đồng/ngày. Việc sử dụng điện trong kinh doanh nhà nghỉ được ông quản lý rất sát sao. Máy điều hòa các phòng nghỉ chỉ bật từ 21 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Khi giá xăng dầu tăng, việc cung cấp điện tại các xã đảo lại càng khó khăn hơn bởi giá thành sản xuất điện từ nguồn diesel tăng theo. Hàng năm, bằng nguồn ngân sách, huyện Vân Đồn đã hỗ trợ tiền phục vụ cho việc phát điện khoảng 0,4 lít dầu/kWh (tương đương 8.600đ/kWh) và kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cấp phát điện, số tiền lên tới hàng tỉ đồng mỗi năm, phần còn lại các hộ dân vẫn phải đóng góp.

Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen, Minh Châu đều là những đảo có tiềm năng về kinh tế và vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng nên trong quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng khu vực Vân Đồn trở thành Khu hành chính-kinh tế đặc biệt theo tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, với sự hình thành các khu du lịch biển đảo, khu du lịch sinh thái và khu nghỉ dưỡng cao cấp… Vì vậy, khi xây dựng đường dây cáp ngầm cấp nguồn điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và tỉnh Quảng Ninh đã xác định cũng là đường dây cấp nguồn cho 5 xã đảo của huyện Vân Đồn.
 


Bãi biển Quan Lạn lúc hoàng hôn ồn ĩ tiếng máy phát điện cá nhân.
 
Chúng tôi có mặt trên đảo vào đúng thời điểm Công ty Điện lực Quảng Ninh đang gấp rút hoàn thành công tác đấu thầu xây lắp để có thể tiến hành thi công vào 15-7 này. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh Phùng Kim Đại nói, do địa hình, địa mạo và địa chất của dự án khá phức tạp: sường núi dốc, vách núi gần như dựng đứng sát mép biển, ven các chân đảo lại có nhiều vững, bãi ngang triều đất bùn, ven chân đảo đất có tầng mỏng, nghèo dinh dưỡng nên dễ bị xói mòn, rửa trôi, khoảng cách các cụm đảo tương đối lớn, các núi đá không thuận lợi cho việc xây dựng và vận hành đường dây…Với đặc điểm địa hình, địa mạo của khu vực xây dựng tuyến đường dây, đơn vị tư vấn đã phải xây dựng hai phương án tuyến. Phó Giám đốc Phùng Kim Đại nói, về cơ bản, cả hai phương án tư vấn đưa ra đều có tính khả thi cao, khối lượng công việc như nhau, tuy nhiên, với phương án đấu nối điện quốc gia tại vị trí 2.146 đường dây 22kV thuộc nhánh rẽ Minh Châu-Quan Lạn tại ngã ba Hào Sơn, xã Quan Lạn thì chiều dài tuyến đường dây 22kV ngắn hơn, vốn đầu tư thấp hơn, nhưng nhược điểm là bán kinh cấp điện dài, tổn thất kỹ thuật cao hơn. Với phương án đấu nối lưới điện quốc gia tại vị trí 67 ở Hòn Ghềnh  Cống Thần- xã Bản Sen thì vốn đầu tư lớn hơn, nhưng điểm đấu nối gần nguồn nên chỉ tiêu tổn thất điện thấp hơn, khả năng cấp nguồn và đáp ứng nhu cầu phụ tải tốt hơn. Quan phân tích, đánh giá, Sở Công Thương Quảng Ninh đã chọn phương án đấu nối tại vị trí 67, ngã ba Hào Sơn với chiều dài tuyến đường dây 22kV là 59,43km; xây dựng mới 12 trạm biến áp phân phối có tổng công suất lắp đặt 2.160kVA để cấp điện cho 3 xã đảo: Ngọc Vừng, Bản Sen và Thắng Lợi với tổng mức đầu tư hơn 298 tỷ đồng, với tỷ lệ vốn, 50% bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh và 50% bằng nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sau khi hoàn tất việc đầu tư  sẽ tiến hành bàn giao cho Công ty Điện lực Quảng Ninh quản lý vận hành, bán điện đến từng hộ khách hàng theo giá quy định của Nhà nước.
 


Ngành điện sẽ đầu tư, cải tạo lại lưới điện để đảm bảo cấp điện an toàn cho các hộ dân trên đảo.
 
Cấp điện cho xã Quan Lạn và Minh Châu sẽ phải xây dựng mới tuyến đường dây trên không cấp điện áp 22kV, mà trục chính xuất phát từ Tân Lập đi Minh Châu và Quan Lạn đấu nối vào tuyến chính, với tổng chiều dài tuyến là 15.768m; xây dựng mới 10 trạm biến áp phân phối có tổng công suất lắp đặt là 2.880kVA; tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc.

Lưới điện quốc gia đưa ra huyện đảo Cô Tô chưa được một năm nhưng đã có thể nhìn thấy qua cuộc sống thay đổi từ những điều nhỏ nhoi và rất mực đơn giản. Ví như trước kia, người dân đảo lưng đẫm mồ hôi tất tả gánh từng gánh nước cho sinh hoạt hàng ngày giờ đã có thể vừa ngồi xem tivi, vừa trông máy bơm nước. Các em bé cũng đã hiểu biết nhiều hơn nhờ xem các chương trình “Em yêu khoa học”, “vườn cổ tích”…trên truyền hình. Phụ nữ không còn phải thấm đẫm mồ hôi vất vả với những chiếc cối giã gạo…chỉ với những thay đổi rất nhỏ trong đời sống hàng ngày nhưng với người dân các xã đảo lại rất thiêng liêng, cảm động và đầy sức thuyết phục. Ánh điện với ý nghĩa “Ánh sáng của Đảng” như bà con huyện đảo Cô Tô trân trọng gọi đã về với người dân huyện đảo Cô Tô và chỉ vài tháng nữa sẽ đến với 5 xã đảo của huyện Vân Đồn, nơi biển đảo thiêng liêng vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
 
Bài: Thanh Mai; Ảnh: Ngọc Hà