Sự kiện

Phát huy hiệu quả từ trồng cây thanh long

Thứ bảy, 5/7/2014 | 08:11 GMT+7
Thanh long là một trong 9 loại cây trồng chủ lực của Việt Nam. Việc sử dụng điện thắp đèn kích thích cho thanh long ra hoa trái vụ là một nhu cầu rất lớn trong thực tế sản xuất, trong khi đó nguồn cung điện hiện nay chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển khá nhanh của cây thanh long tại nhiều địa phương trong mùa khô, nhất là khi hạn hán kéo dài.


Chiếu sáng cho thanh long trái vụ bằng đèn compact tiết kiệm điện tại Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Hà

Sử dụng điện năng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả luôn là mục tiêu quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong sản xuất, đặc biệt trong thắp sáng thanh long trái vụ nhằm phát triển bền vững thế mạnh kinh tế của địa phương. Đây cũng là xu thế tiết kiệm năng lượng ở các nước phát triển hiện nay.

Chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh nhà, cây thanh long không chỉ có ý nghĩa về kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo việc làm, thu nhập và vươn lên làm giàu của hàng chục ngàn hộ dân trong tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, với nhu cầu điện thắp cho thanh long tăng quá nhanh và vượt quy hoạch nên công tác đầu tư của ngành điện chưa đáp ứng kịp.

Thực hiện Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, quy định từ ngày 1/1/2013, không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông loại đèn có công suất lớn hơn 60W, tỉnh Bình Thuận đang  triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo lộ trình đến năm 2017, mỗi hộ trồng thanh long phải sử dụng ít nhất 50% bóng đèn Compact trong thắp đèn chiếu sáng thanh long ra hoa trái vụ. Trên tinh thần này, Công ty Điện lực Bình Thuận khuyến cáo khách hàng trồng thanh long xây dựng kế hoạch thay thế dần đèn sợi đốt bằng đèn Compact tiết kiệm điện (TKĐ) trong thắp đèn thanh long trái vụ. Việc này ngoài ý nghĩa tiết kiệm chi phí đầu tư cho ngành điện, chi phí sản xuất cho người nông dân  còn tạo cho khách hàng kinh nghiệm trong việc xử lý thanh long ra hoa trái vụ bằng đèn Compact.

Trang trại của anh Trịnh Anh Hào đang trồng 5.000 trụ thanh long, tương đương 5ha tại thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam. Đây cũng là trang trại đầu tiên của tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện nghiên cứu khoa học giữa Viện Nghiên cứu cây cọ dầu với Công ty CP Bóng đèn & Phích nước Rạng Đông sử dụng công nghệ dùng ánh sáng phù hợp với trồng cây thanh long. Đèn do Rạng Đông cung cấp, nhân công và phân bón do chủ vườn lo.

Chủ trang trại Hào Hùng cho biết, từ tháng 8/2013, anh đã chuyển đổi bóng đèn sợi đốt khi thắp thanh long sang bóng đèn Compact công suất từ 22-24W được một nửa diện tích sử dụng.

Qua trồng khảo nghiệm một vụ khi thắp đèn Compact, anh Hào nhận xét: Thắp chỗ nào cũng được và trái thanh long khi ra không bị biến dạng. Năng suất trồng thanh long bằng bóng đèn TKĐ tương đương với sử dụng bóng đèn tròn. Đặc biệt, “tiền điện bình quân mỗi tháng trang trại phải trả chỉ còn 36 triệu đồng, thay vì 53 triệu đồng như trước kia. Sử dụng bóng đèn tròn cũng hay cháy nổ bóng do công suất lớn (60W), độ rủi ro đến 40%. Trong khi đó, sử dụng đèn TKĐ, tỷ lệ hao hụt tại trang trại chỉ còn 5,6% và nhà sản xuất bóng cho đổi”, anh Hào nói.

Theo anh Hào, cây thanh long phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng, phân bón và công chăm sóc nên việc chuyển đổi từ bóng đèn tròn sang bóng đèn Compact khi thắp thanh long phải làm dần dần do cây thanh long phải được làm quen với ánh sáng quang phổ thích hợp. Bên cạnh đó, gía đèn Compact hiện còn cao (khoảng 38.000đ/bóng) nên phải sau một năm, trang trại của anh Hào  mới có thể chuyển đổi hoàn toàn. Tới đây, trang trại sẽ lắp thêm 400 bóng Compact nữa. Sau khi thử nghiệm thành công và phù hợp với cây thanh long trái vụ, nhà sản xuất sẽ sản xuất đại trà loại bóng đèn Compact này để đưa vào trồng cây thanh long.

Ông Nguyễn Văn Linh, hội viên Hội Nông dân thuộc thôn Tiến Hòa, xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết là một trong những hộ nông dân nhiều năm qua sử dụng điện thắp sáng kích thích thanh long ra hoa trái vụ. Gia đình hiện có 1.200 trụ trồng trên diện tích 1ha.

“Trước đây tôi sử dụng bóng đèn sợi đốt, đầu tiên là bóng 100W, sau đó là bóng 75W và tiếp là bóng 60W. Qua thông tin một số hộ dân ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc sử dụng đèn Compact để thắp thanh long, tôi liền tìm đến để học hỏi. Nhất là sau khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền, phổ biến và tư vấn việc hỗ trợ cho nông dân dùng đèn Compact thay đèn tròn trong việc thắp thanh long, tôi mạnh dạn mua 500 bóng đèn Compact để thay thế. Thời gian đầu, tôi chưa tin lắm nên sử dụng 50/50, tức là thắp 1 hàng bóng đèn tròn và xen kẽ 1 hàng bóng Compact, nhất là lúc thời tiết lạnh, có sương mù nhiều, nay tôi đã sử dụng bóng đèn Compact thay hoàn toàn bóng đèn sợi đốt cho vườn nhà”, ông Linh cho biết.

Đánh giá sau một thời gian chuyển đổi, ông Linh nhận xét: Tỷ lệ ra hoa của thanh long giữa thắp đèn Compact và đèn sợi đốt là như nhau. Tiền điện sử dụng bóng Compact cũng giảm được 2/3 so với bóng đèn tròn. Vì vậy, hàng năm, gia đình đã tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng tiền điện.
Sử dụng bóng Compact thắp còn ít tốn công bẻ bớt nụ. Đặc biệt, khi thắp đèn Compact gặp trời mưa lớn bóng không bị cháy, nổ. Tuổi thọ loại bóng này lại cao gấp đến 6-7 lần so với bóng đèn tròn.

Chương trình “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn TKĐ 2014-2015” là việc triển khai cụ thể của Thoả thuận hợp tác tuyên truyền, vận động sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2014 – 2015 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung ương đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là đơn vị triển khai  chương trình. Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ thay 2 triệu bóng đèn tròn sợi đốt thắp thanh long bằng đèn TKĐ trên phạm vi 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Với tổng chi phí hỗ trợ tương đương 30 tỷ đồng, Chương trình áp dụng giá trị hỗ trợ tương đương 14.000 đ/bóng,  theo hình thức trả chậm hoặc 15.220 đ/bóng theo hình thức trả ngay.

Theo đó, EVN/EVNSPC nhận lại đèn tròn sợi đốt mà hộ dân đang sử dụng thắp thanh long và hoàn trả giá trị còn lại của đèn là 4.000đ/bóng; chịu các chi phí về đăng ký, điều hành, tiêu hủy đèn tròn thu hồi theo đúng quy định bảo vệ môi trường. Mặt khác, hỗ trợ vật tư đấu nối an toàn điện để thay cho việc dùng kim băng không an toàn như hiện nay; hỗ trợ nhân công tháo gỡ đèn tròn, lắp đặt đèn TKĐ. Các nhà cung cấp đèn TKĐ trong nước gồm Công ty CP Điện Quang, Công ty CP Bóng đèn & Phích nước Rạng Đông sẽ bán đèn compact 20W với giá giảm tối thiểu từ 10% so với giá bán thực tế và có cơ chế trả chậm trong vòng 90 ngày. Trường hợp hộ nông dân mua đèn trả ngay sẽ được giảm giá đến 15%. Nhà cung cấp có bán kèm đui đèn với giá thấp hơn giá thực tế đã bán trên thị trường.

Thanh long là phụ tải đặc thù của tỉnh Bình Thuận nên để sắp xếp thắp thanh long vào 10h đêm đến 6h sáng hôm sau, bài toán cân bằng phụ tải cho loại cây này trong khi vẫn phải đảm bảo cho các phụ tải khác luôn được cân nhắc kỹ. Do vậy, ngay từ năm 2013, Công ty Điện lực Bình Thuận đã liên kết với các Hiệp hội khoa học kỹ thuật phổ biến rộng rãi tới từng hộ dân về lợi ích, kỹ thuật sử dụng đèn Compact khi thắp cây thanh long và được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Vì vậy đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 4,4 triệu bóng đèn tròn, tương đương 40% lượng bóng thắp khi trồng thanh long của tỉnh.

Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận Trần Ngọc Linh cho hay, năm nay tạo bước đột phá do có chương trình hỗ trợ chuyển đổi bóng đèn nên ông Linh tin rằng tiến độ sẽ nhanh hơn và người dân sẽ hưởng ứng thực hiện nhiều hơn. Công ty sẽ tham mưu cho Sở Công Thương và UBND tỉnh đối với những hộ trồng mới sẽ dùng đèn TKĐ ngay từ đầu, còn đối với những hộ đã trồng tỉnh sẽ hỗ trợ cung cấp đèn Compact cho họ. Như vậy, chương trình sẽ kết thúc việc chuyển đổi nhanh hơn.

Theo ông Linh, trong khoảng 7 năm qua, tăng trưởng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đối với cây thanh long từ 30-40%/năm, có năm trên 40%, đây là mức tăng trưởng lớn. Trước đây, cây thanh long chiếm 25% tổng sản lượng điện thương phẩm, nay chiếm 30% trong tổng sản lượng 1,8 tỷ kWh. Ngành điện đã đáp ứng được công suất đỉnh vào giờ thắp thanh long là 408MW, trong khi công suất vào giờ không thắp là 190MW. “Khi giải quyết được vấn đề TKĐ, người nông dân sẽ trả chi phí thấp và đầu tư xã hội cũng giảm nhiều”, ông Linh nhận định.

Đại diện cho các hộ dân của tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân Bình Thuận Phan Tấn Khế khẳng định: Chương trình chuyển đổi bóng đèn Compact với chính sách hỗ trợ trên có lợi ích thiết thực cho người nông dân, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế nông nghiệp cũng như góp phần thúc đẩy tiết kiệm năng lượng theo đúng tinh thần Chính phủ đề ra. Những năm tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục triển khai chương trình này, như vậy diện tích trồng thanh long trái vụ sẽ tăng lên, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nội địa cũng như tham gia xuất khẩu.

“Ích nước và lợi nhà”, chương trình sẽ giúp cho các hộ nông dân trồng thanh long giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp mỗi năm khoảng 53 triệu kWh giờ, tương đương 80 tỷ đồng tiền điện, đóng góp một phần cho việc giảm áp lực đầu tư hệ thống điện tại khu vực miền Nam./.
 
Mai Phương / ICON.com.vn