Sự kiện

Đưa điện về miền Nam: Giải quyết vấn đề cấp bách

Thứ hai, 15/4/2013 | 08:32 GMT+7
Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là 4 địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đông dân và có mức tiêu thụ điện năng nhiều nhất cả nước.


 
Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 lắp đặt máy biến áp nâng công suất trạm 500kV Phú Lâm. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Chỉ tính riêng năm 2012, sản lượng điện thương phẩm của các địa phương này đạt trên 30,9 tỷ kWh, chiếm 29,3% tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, tình hình cung cấp điện trong khu vực cực kỳ khó khăn do không có nhà máy điện mới vào vận hành. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu truyền tải điện cho miền Nam, việc đầu tư thêm các đường dây 500kV đưa điện về miền Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giai đoạn này.

* Vấn đề cấp bách

Hệ thống điện Quốc gia có 2 mạch đường dây 500kV Bắc Nam hiện hành chạy song song nhằm truyền tải toàn bộ các nhà máy điện từ phía Bắc vào Tây Nguyên và miền Nam; trong đó ở khu vực miền Nam luôn vận hành quá tải. Trước tình hình này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tập trung triển khai các dự án đường dây 500kV: Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Vĩnh Tân - Sông Mây, Phú Mỹ-Sông Mây và Sông Mây-Tân Định nhằm đưa vào vận hành đúng tiến độ trong năm nay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014-2015. Đây là các dự án trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch Điện VII.

EVNNPT cho biết: Đường dây mạch kép  500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông dài trên 437,5 km, từ trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku đến TBA 500kV Cầu Bông, gồm 926 vị trí với tổng mức đầu tư trên 9.288 tỷ đồng sử dụng vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và vốn tín dụng thương mại trong nước. Đường dây đi qua địa bàn 5 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) được giao quản lý dự án này. Ngoài việc tăng cường truyền tải Bắc - Nam, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn hai năm tới, đường dây còn đảm bảo cấp điện điện an toàn cho Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức cao giữa các vùng - miền trên cả nước. Đồng thời tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia giai đoạn sau năm 2015. Với tầm quan trọng đặc biệt này, dự án đã được khởi công từ 23/10/2011 và EVNNPT đang tập trung nguồn lực phấn đấu đóng điện trong tháng 12/2013.

Dự án xây dựng đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây mạch kép có chiều dài 237,53km từ sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận) đến TBA 500kV Sông Mây với tổng mức đầu tư trên 2.988,4 tỷ đồng, sử dụng vốn của chương trình “Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện - DPL1”, vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đầu tư của Nhật Bản-NEXI. Tuyến đường dây đi qua địa bàn các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân (Bình Thuận) và Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Dự án có nhiệm vụ truyền tải công suất từ các nhà máy trong TTĐL Vĩnh Tân về khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trước mắt, đưa vào vận hành đường dây 220kV từ Vĩnh Tân đến điểm giao chéo của đường dây 220kV Hàm Thuận-Phan Thiết, phục vụ cấp điện chạy thử  nhà máy điện (NMĐ) Vĩnh Tân 2 do EVN làm chủ đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam. Đường dây này còn tạo tiền đề liên kết các nguồn điện lớn khác trong tương lai của khu vực Nam Trung bộ như NMĐ hạt nhân, NMĐ tích năng, NMĐ Vân Phong… với hệ thống điện Quốc gia. Công trình này dự kiến đóng điện giai đoạn 1 vào tháng 5/2013 và giai đoạn 2 vào tháng 10/2013.

Ngoài ra, hai đường dây 500kV Phú Mỹ-Sông Mây và Sông Mây-Tân Định truyền tải công suất các NMĐ trong cụm Phú Mỹ, Bà Rịa và Nhơn Trạch vào hệ thống điện Quốc gia, EVNNPT cũng đang gấp rút thi công và kiểm soát được tiến độ từng vị trí cột để đóng điện trong hai tháng tới, nhằm giảm tình trạng quá tải cho lưới điện khu vực Đông Nam Bộ, cũng như tăng cường đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Cả ba đường dây 500kV này, EVNNPT đều giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (AMN) quản lý đầu tư.

* Vướng giải phóng mặt bằng

Trưởng Ban Quản lý đầu tư (EVNNPT) Lưu Việt Tiến cho biết: Đến thời điểm đầu tháng 4 này, Ban AMT đã bàn giao mặt bằng móng 815 vị trí của đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cho đơn vị thi công; trong đó, tỉnh ĐăkLăk và huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đồng thời kê kiểm hành lang tuyến cho 14/21 huyện gồm: Chư Prông, Ia Grai và TP Pleiku (Gia Lai); CưMgar, Ea Súp và Buôn Đôn (Đăk Lăk); Cư Jut, Đăk Mil, Đăk Song, Tuy Đức (Đăk Nông); huyện Đông Phú, Chơn Thành (Bình Phước) và Bến Cát, Phú Giáo (Bình Dương). AMT đang phối hợp với UBND, Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện tổ chức kê kiểm, áp giá lập phương án bồi thường, hỗ trợ thẩm định phê duyệt theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu các hộ dân không chấp nhận đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất, cây trồng bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến. Trong đó, có 1 vị trí tại huyện Chư Pah (Gia Lai) chưa bàn giao cho nhà thầu. Huyện Đồng Phú có 4 vị trí còn vướng mắc do các hộ này không chấp nhận về đơn giá bồi thường đất, cây cao su do UBND tỉnh Bình Phước quy định. Ban AMT và Hội đồng bồi thường đã vận động chi trả tiền lần 3 nhưng các hộ dân vẫn không chấp nhận đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất, cây trồng.

Phó Trưởng phòng Đền bù AMT Lê Đức Ngọc, phụ trách cung đoạn Bình Phước-Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự lo lắng khi tiến trình GPMB chậm đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Với tổng số 354 vị trí cột, hiện đoạn đường dây này còn vướng đền bù 90 vị trí; trong đó, Bình Phước còn 20 vị trí, Bình Dương còn 29 vị trí và thành phố Hồ Chí Minh còn 41 vị trí. Hiện nay, AMT đang làm việc với UBND huyện để hoàn tất thủ tục cưỡng chế các vị trí móng còn lại trong tháng 4 này. Riêng huyện Củ Chi  đang phê duyệt phương án chi tiết đền bù GPMB và làm quyết định thu hồi đất; đồng thời tích cực vận động các hộ dân nhận tiền đền bù.

Cũng theo ông Tiến, AMT đang tập trung đôn đốc các nhà thầu thi công xong cơ bản phần móng để bắt đầu triển khai dựng cột từ đầu tháng 5 tới. Dự kiến phần móng sẽ hoàn thành trong tháng 6/2013 để triển khai dựng cột, kéo dây, đảm bảo tiến độ đóng điện dự án vào cuối năm nay.

Toàn tuyến đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây có 475 vị trí móng; trong đó có 15 vị trí chưa được bàn giao cho thi công do các hộ dân không thống nhất với đơn giá bồi thường. Trong hành lang toàn tuyến đường dây có 2.242 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó đã phê duyệt phương án bồi thường 771 hộ. Trong số này còn 291 hộ chưa chi trả đền bù do các hộ dân không đến nhận tiền và kiến nghị đơn giá thấp. Theo ông Lưu Việt Tiến, giai đoạn 1, hiện đã xong phần móng toàn bộ 193 vị trí để trong tháng 4, bắt buộc nhà thầu phải cấp xong cột và tháng 5 bắt đầu đóng điện phục vụ cấp điện NMĐ Vĩnh Tân 2.

Để đáp ứng yêu cầu truyền tải điện cho miền Nam, trong những năm gần đây, EVNNPT đã hoàn thành đóng điện nhiều dự án quan trọng như lắp đặt thêm máy biến áp (MBA) tại các TBA 500kV Pleiku, Tân Định; nâng công suất MBA tại TBA 500kV Đăk Nông; thay các bộ tụ bù dọc, thiết bị nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống điện trên các đường dây 500kV Pleiku – Phú Lâm; Đà Nẵng – Hà Tĩnh; đóng điện đường dây 220kV Đăk Nông – Phước Long – Bình Long.

Hiện nay, EVNNPT cũng đang tiếp tục triển khai để đưa vào vận hành trong năm 2013-2014 các dự án: thay bộ tụ bù dọc trên đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh; nâng công suất 2 MBA chống quá tải cho các MBA hiện hữu tại trạm 500kV Phú Lâm, Tân Định, đảm bảo cấp điện an toàn cho Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tới.

(Còn tiếp)
Mai Phương/Icon.com.vn