Tin trong nước

Đưa điện về vùng sâu Đắk Lắk

Thứ năm, 22/12/2016 | 09:53 GMT+7
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Đắk Lắk và ngành điện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đưa điện lưới quốc gia đến các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. 

Nhân viên Công ty Điện lực Đắk Lắk lắp đặt các thiết bị điện cho người dân ở xã vùng sâu Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar. 
 
Điện về, cuộc sống của nhân dân đã thay đổi toàn diện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, cho nên việc xóa hoàn toàn các thôn, buôn chưa có điện vẫn gặp nhiều khó khăn.
 
Ưu tiên đầu tư điện
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk Lê Hoài Nhơn cho biết: Trong giai đoạn 2003-2015, tỉnh Đắk Lắk và ngành điện đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vào các dự án điện nông thôn trên địa bàn. Đây là sự nỗ lực vượt bậc của tỉnh nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân vùng sâu, vùng xa. Điển hình là dự án cấp điện cho 63 thôn, buôn căn cứ cách mạng được Công ty Điện lực Đắk Lắk triển khai, hoàn thành với khối lượng gồm 115 km đường dây trung áp, 169 km đường dây hạ áp, 61 trạm biến áp (TBA), cấp điện cho 6.760 hộ dân với tổng vốn đầu tư hơn 53,2 tỷ đồng. Dự án cấp điện cho đồng bào các thôn, buôn chưa có điện của năm tỉnh Tây Nguyên, ở Đắk Lắk gọi tắt là dự án 315 thôn, buôn, thuộc 11 huyện trên địa bàn tỉnh với tổng khối lượng thi công gần 479 km đường dây trung áp, 545 km đường dây hạ áp và 297 TBA với nguồn vốn hơn 412 tỷ đồng cũng đã được Công ty tiếp nhận và triển khai lắp đặt đồng hồ đo điện cho gần 23 nghìn hộ dân,... Ngoài ra, để nâng cao chất lượng điện năng, giảm tổn thất trên lưới, Tổng công ty Điện lực miền trung và Công ty Điện lực Đắk Lắk đã bố trí hàng trăm tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp lưới điện. Bên cạnh nguồn vốn huy động, công ty còn sử dụng nhiều nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn ODA song phương (JICA, KfW),... đầu tư cấp điện trên địa bàn 80 xã, phường thuộc 14 huyện, thị xã, thành phố với tổng mức đầu tư hơn 193 tỷ đồng, cấp điện cho hơn 12 nghìn hộ dân,... Đến nay, các dự án, công trình điện đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
 
Những ngày cuối năm, về thôn Bình Minh, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, chúng tôi hết sức vui mừng trước sự đổi thay về mọi mặt trong đời sống của người dân nơi đây, đặc biệt từ khi có điện lưới quốc gia. Ông Đinh Trọng Phú, 84 tuổi, người đến định cư sớm nhất ở thôn Bình Minh dẫn chúng tôi đi khắp nhà, khoe những máy móc, đồ dùng điện mà nhà ông mới sắm về. Dừng lại bên chiếc ti-vi đặt trang trọng giữa phòng khách, ông Phú tâm sự: “Bây giờ nhà tôi mới sắm sửa được đầy đủ các đồ dùng điện trong sinh hoạt gia đình. Nhiều nhà trong thôn không mua vì không có điện chứ không phải thiếu tiền. Điện về, cuộc sống trong thôn thay đổi hoàn toàn”. Trưởng thôn Bình Minh Đinh Thành Khương cho biết: Thôn được thành lập năm 1994, hiện có 135 hộ, 651 khẩu. Mặc dù thuộc địa bàn thị trấn, nhưng bao năm nay, Bình Minh vẫn nằm trong diện đặc biệt khó khăn của huyện Krông Năng, người dân phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Để có điện sinh hoạt, từ năm 2004, hơn 70 hộ dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp mỗi hộ bốn triệu đồng kéo đường dây điện từ xã Phú Xuân bên cạnh về sử dụng, nhưng do khoảng cách quá xa, đường dây không bảo đảm nên nguồn điện rất phập phù. Các đồ dùng, thiết bị điện mua về như ti-vi, quạt điện, nồi cơm,... không dùng được, đành xếp trong góc nhà. Năm 2015, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh Đắk Lắk và ngành điện, các đơn vị thi công đã hoàn thành lắp đặt, đưa điện lưới quốc gia về phục vụ nhu cầu của nhân dân trong thôn đúng vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Kể từ đó cuộc sống của người dân thôn Bình Minh thay đổi hoàn toàn.
 
Điện sáng buôn làng
 
Chúng tôi ghé thăm nhà chị Đinh Thị Đức ở thôn Bình Minh khi chị vừa đi làm rẫy về. Chị Đức cho biết: Trước đây, khi chưa có điện, cuộc sống người dân trong thôn rất vất vả, nhất là phụ nữ. Cả ngày lao động trên rẫy mệt nhoài, chân ướt chân ráo về lại phải lo cơm nước cho cả gia đình, nhiều hôm mưa gió, củi ướt, cơm bữa chín bữa sống. Thức ăn tươi sống mua về cũng không có nơi bảo quản, rất bất tiện và ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình. Từ khi có điện đến nay, các gia đình đều mua nồi cơm điện, tủ lạnh về dùng, rất tiện lợi! Nhà khá giả còn mua máy giặt, phụ nữ có nhiều thời gian hơn để chăm lo gia đình và tham gia các hoạt động của hội phụ nữ thôn.
 
Đến xã vùng sâu Cư Drăm, huyện Krông Bông, chúng tôi cảm nhận cuộc sống của bà con DTTS cũng thay đổi hoàn toàn kể từ khi có điện. Chị H’Roanh Êban ở buôn Chàm A, một trong những hộ đã vươn lên thoát nghèo chia sẻ: “Gia đình mình trước đây nghèo lắm. Xã chưa có điện, các loại cây trồng không được tưới nước nên năng suất rất thấp. Bây giờ, điện kéo về đến tận nhà. Nhà nào trong buôn cũng được xem ti-vi, trẻ con có điện để học bài, vào mùa khô hạn mình đã mua máy bơm để tưới cà-phê, hồ tiêu, không tốn nhiều tiền mua dầu như trước”. Chủ tịch UBND xã Cư Drăm Nguyễn Văn Trung cho biết: Toàn xã hiện có 1.500 hộ với hơn 9.000 nhân khẩu, trong đó 70% là đồng bào DTTS. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của ngành điện, đến nay toàn xã đã có hơn 97% số hộ được dùng điện lưới quốc gia. Điện về, nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng sản xuất, năng suất, chất lượng các loại cây trồng cao hơn nhiều so với trước. Nhiều gia đình cũng mua máy bơm điện về bơm nước giếng sinh hoạt, không còn phải xuống suối cõng nước... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 20%, không còn hộ đói.
 
Cùng với cán bộ Công ty Điện lực Đắk Lắk đến các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, chúng tôi nhận rõ niềm vui của bà con khi buôn làng có điện. Anh Y Sê Niê, ở buôn Đhung, xã Ea Mróh, huyện Cư M’gar tâm sự: Toàn thôn có 165 hộ chủ yếu là đồng bào Ê Đê. Từ năm 2009 trở về trước, chưa có điện, muốn xem ti-vi, nghe đài phải dùng pin hoặc ắc-quy, hộ nào khá thì mua máy phát điện; hầu hết phải sử dụng đèn dầu thắp sáng. Năm 2009, buôn Đhung được hưởng lợi từ chương trình cấp điện cho thôn, buôn chưa có điện ở Tây Nguyên. Từ ngày có điện, cuộc sống của bà con thay đổi hẳn, hộ nào cũng mua ti-vi, quạt điện, nồi cơm điện, hộ khá giả sắm được cả tủ lạnh, máy điều hòa không khí,... cuộc sống chẳng kém ở phố là bao. Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar Ngô Minh Đức dẫn chúng tôi đi thăm các công trình điện mới được xây dựng đưa điện lưới quốc gia đến tận các thôn, buôn phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Anh phấn khởi cho biết: Có điện, bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn. Người dân rất nhanh chóng đưa các thiết bị điện vào sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Từ một xã vùng sâu heo hút, đến nay Quảng Hiệp đã vươn lên thành một xã khá của huyện, số hộ nghèo giảm xuống còn 9,2%, số hộ có thu nhập mỗi năm từ một tỷ đồng trở lên chiếm khoảng 20%.
 
Đắk Lắk đã trở thành một trong năm tỉnh có số thôn, buôn, số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia cao nhất Tây Nguyên, với 100% số thôn, buôn có điện và 97% số hộ dân được dùng điện. Điện lưới quốc gia đã vươn xa đến các buôn làng đồng bào DTTS, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, việc đưa điện về vùng sâu ở Đắk Lắk hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, người dân một số vùng sống rải rác, chưa theo quy hoạch tập trung, các khu vực dân di cư tự do từ các tỉnh phía bắc vào cần được đầu tư lưới điện với nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn lực địa phương có hạn và vốn ngành điện chủ yếu đầu tư cải tạo lưới điện hiện có. Thời gian tới, tỉnh và ngành điện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, đưa điện lưới quốc gia đến tận các thôn, buôn vùng sâu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực này, đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Theo: Nhân dân