Chuyển đổi số trong EVN

Đưa ngành điện gần hơn với khách hàng nhờ chuyển đổi số

Thứ hai, 5/9/2022 | 11:11 GMT+7
Những năm gần đây, PC Đà Nẵng đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh; mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả thiết thực góp phần vào sự phát triển của Công ty.

Công nhân PC Đà Nẵng áp dụng sửa chữa điện hotline, nâng cao chất lượng cung cấp điện cho khách hàng. Ảnh: EVNCPC.
 
Thời gian qua, PC Đà Nẵng đã tập trung các nguồn lực để từng bước thực hiện chuyển đổi số, góp phần tăng năng suất lao động. Trong đó, Công ty tập trung số hóa, tự động hóa các công việc còn thực hiện thủ công, giấy tờ nhiều, áp dụng các công nghệ số mới trong công tác quản lý vận hành lưới điện; đồng thời, nghiên cứu các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… hướng đến mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện, tăng khả năng tương tác, đưa ngành điện đến gần hơn với khách hàng. 
 
Cụ thể, năm 2014, bước đi đầu tiên được đánh dấu bằng việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, mang nhiều tiện ích hiện đại đến với khách hàng. Năm 2015, kênh thanh toán tiền điện trực tuyến ra đời, hỗ trợ khách hàng chủ động lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp tại các ngân hàng, điểm thu, các tổ chức trung gian thu hộ… Năm 2016, PC Đà Nẵng thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh thành phố Đà Nẵng bằng sự kiện khánh thành Trung tâm điều khiển lưới điện Đà Nẵng do Công ty tự nghiên cứu, xây dựng thành công và đưa vào các trạm biến áp 110kV không người trực.
 
Biến ý tưởng thành thực tế, năm 2017, dịch vụ điện đã “gõ cửa”, đáp ứng nhu cầu của từng hộ dân Đà Nẵng. Theo đó, chỉ cần truy cập vào website của cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công thành phố Đà Nẵng hay Trung tâm chăm sóc khách hàng điện lực miền Trung… khách hàng đã có thể trải nghiệm đến 20 dịch vụ điện lực trực tuyến.
 
Cùng thời điểm năm 2017, Công ty tiếp tục có bước phát triển đột phá khi công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối DAS được triển khai, thử nghiệm thành công trên lưới điện Đà Nẵng và nhân rộng tại 39 xuất tuyến vào cuối năm 2020, tiến đến mục tiêu hoàn thành tự động hóa lưới điện phân phối trong năm 2022. 
 
Khi có sự cố xảy ra trên lưới điện thành phố Đà Nẵng, hệ thống tự động hóa sẽ được kích hoạt và hoạt động tự động cô lập vùng sự cố mà không cần sự can thiệp của nhân viên vận hành; giảm rất nhiều số lượng khách hàng mất điện so với trước đây. Thành công của dự án đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ mới vào lưới điện, phát triển lưới điện thông minh thành phố Đà Nẵng.
 
Năm 2019, Công ty triển khai phương thức giao dịch điện tử, kết nối với khách hàng qua “không gian số”, hợp đồng hay các giấy tờ giao dịch khác đều được ký kết thông qua chữ ký điện tử.
 
Cũng trong năm 2019, sau thời gian thử nghiệm, PC Đà Nẵng chính thức giới thiệu đến khách hàng tiện ích tra cứu chỉ số điện hàng ngày. Kể từ đây, 100% khách hàng sử dụng điện tại Đà Nẵng dễ dàng kiểm soát, theo dõi số điện hàng ngày của gia đình thông qua một cú nhấp chuột tại địa chỉ https://pcdn.cpc.vn/tracuu. Chỉ với một thiết bị di động có kết nối internet, khách hàng có thể xem số điện tiêu thụ nhiều lần trong ngày; tiền điện tạm tính, lịch ngừng cung cấp điện, so sánh sản lượng điện, số ngày sử dụng với 2 tháng liền kề và tháng cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tiện ích tra cứu cho phép người dùng tự thiết lập các mức cảnh báo sản lượng điện tiêu thụ theo 2 lựa chọn: số kWh hoặc tỷ lệ % tăng so với cùng kỳ. Khi đến ngưỡng cảnh báo thiết lập, công cụ sẽ tự động gửi cảnh báo đến email của khách hàng. 
 
Năm 2020, PC Đà Nẵng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam lựa chọn là công ty điện lực đầu tiên trên toàn quốc thực hiện cấp điện hạ áp không khảo sát hiện trường. Đáp ứng yêu cầu đổi mới, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp điện, Công ty đã thực hiện số hóa toàn bộ quy trình cấp điện hạ áp cho khách hàng. Để tăng độ linh động, Công ty cũng trang bị xe ô tô lưu động, sẵn sàng cấp điện trong mọi tình huống, mọi địa bàn.
 
Có thể nói, chuyển đổi số đã mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho PC Đà Nẵng. Cụ thể, thông qua trung tâm điều khiển xa lưới điện và tự động hóa lưới điện phân phối, việc điều khiển các trạm biến áp 110kV, các thiết bị trên lưới được điều khiển, thao tác ngay tại trung tâm; thời gian cô lập sự cố chỉ còn 11- 43 giây, so với trước đây phát hiện và cô lập thủ công là khoảng 30 - 60 phút. Các thông số vận hành, chỉ số điều kiện sức khỏe thiết bị, tình trạng vận hành… đều được số hóa và quản lý trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS và tích hợp trên hệ thống thông tin địa lý GIS, thể hiện trực quan trên bản đồ và quản lý thuận lợi. Quá trình chuyển đổi số cũng đã góp phần nâng cao trải nghiệm cho người lao động trên môi trường số và phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để có thể giải quyết công việc mọi lúc mọi nơi.
 
Để thực hiện chuyển đổi số thành công, yếu tố tiên quyết chính là thay đổi nhận thức cũng như quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, thay đổi hoàn toàn cách làm thủ công, truyền thống trước đây lên môi trường số và áp dụng các công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty và dịch vụ khách hàng. Việc thay đổi nhận thức sẽ tạo động lực mạnh mẽ để người lao động không chỉ có ý thức sử dụng mà còn là nguồn lực phát triển các ứng dụng, đóng góp, thúc đẩy và hoàn thiện hơn quá trình chuyển đổi số của PC Đà Nẵng. 
 
Ông Lê Hồng Cương –Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết: “Công ty xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số chi tiết với nhiều hợp phần, đảm bảo quá trình thực hiện chuyển đổi số diễn ra đúng tiến độ, đạt hiệu quả, tập trung vào các nội dung: triển khai ký hợp đồng điện tử đối với toàn bộ khách hàng điện; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, dự đoán hành vi sử dụng điện… nhằm nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng; tiếp tục triển khai xây dựng và ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS phục vụ công tác quản lý lưới điện; xây dựng các báo cáo điện tử (BI) đối với các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; xây dựng kho dữ liệu theo hướng lưu trữ dữ liệu lớn (Data Lake)…”.       
Yên Bình