Chuyển đổi số trong EVN

Ngành điện nâng cao hiệu quả từ chuyển đổi số

Thứ hai, 29/8/2022 | 08:33 GMT+7
Với tốc độ phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội, Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) phát huy tinh thần sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho tỉnh nhà.
Công tác bảo dưỡng, kiểm tra các thông số kỹ thuật hệ thống rờ le tự động đặt tại các trạm biến áp kết nối từ xa với trung tâm SCADA.
 
Đáp ứng nhu cầu phát triển
 
Ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc PCBD, cho biết để triển khai chuyển đổi số nhanh chóng và hiệu quả, PCBD đã đề ra các giải pháp chiến lược chuyển đổi số cụ thể tại đơn vị; chú trọng công tác đào tạo và tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành điện; đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo trong tất cả các khâu, phòng ban nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm thời gian và chi phí, phục vụ khách hàng tốt hơn.
 
Ông Lê Minh Quốc Việt cho biết thêm, đề án chuyển đổi số đã giúp công ty thích ứng nhanh với sự chuyển đổi của xã hội, bảo đảm mọi hoạt động đời sống xã hội được vận hành xuyên suốt trong mọi tình huống sản xuất, sinh hoạt hàng ngày và phòng, chống dịch bệnh, thiên tai. PCBD sẽ hướng tới là “doanh nghiệp số”, lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp các dịch vụ trực tuyến công khai, minh bạch, kịp thời, vận hành trên nền tảng công nghệ thông tin một cách tin cậy và hiện đại, đồng thời kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia bảo đảm năng lực thích ứng với nền kinh tế số trong thời kỳ mới.
 
PCBD bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả ứng dụng dùng chung của ngành điện lực theo đúng lộ trình và tiến độ đề ra; tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện, vận hành hệ thống giám sát tổng thể, toàn diện về hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông dùng riêng cũng như tự động hóa trong toàn công ty. Đứng trước cơ hội chuyển đổi số, PCBD quyết tâm đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin, về tự động hóa có chất lượng cao, có khả năng làm chủ việc vận hành, tiến tới làm chủ về công nghệ.
 
Mục tiêu thực hiện chuyển đổi số của PCBD là nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về điện của khách hàng, đồng thời tạo động lực để đơn vị hướng đến sự phát triển toàn diện và bền vững trên con đường hội nhập. Thực tế cho thấy, từ năm 2020 đến nay, với những nỗ lực chuyển đổi số, PCBD đã đạt được một số kết quả khả quan. 
Trong lĩnh vực quản trị với ứng dụng “văn phòng số”, 100% văn bản được pháp luật cho phép số hóa dưới dạng số liệu số, 100% cán bộ, nhân viên trong công ty ứng dụng, giao dịch quản lý nội bộ và triển khai qua chữ ký số; quản lý dự án bằng phần mềm quản lý đầu tư xây dựng, triển khai áp dụng nhật ký thi công điện tử và biên bản nghiệm thu điện tử trên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng; ứng dụng hiện trường (Digital Workforce) cho lĩnh vực kỹ thuật, an toàn thông qua việc khai thác ứng dụng hiện trường như kiểm tra chất lượng điện năng, kiểm tra lưới điện...
 
PCBD đã triển khai đến khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến. Số khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến đến nay đạt 99,47%; 100% hồ sơ công việc trong lĩnh vực kinh doanh, chăm sóc khách hàng được xử lý trên mạng theo phương thức điện tử, số hóa 100% hồ sơ, hợp đồng với khách hàng mới bằng phương thức cung cấp hợp đồng mua bán điện điện tử. PCBD cũng đã đưa vào ứng dụng hiện trường Digital Workforce lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, trang bị thiết bị thông minh và phần mềm ứng dụng hiện trường số hóa các công tác chưa được số hóa như giải quyết yêu cầu, kiến nghị khách hàng, công tác treo tháo công tơ định kỳ, công tác ngừng giảm cung cấp điện.
 
Quản trị trên nền tảng chuyển đổi số
 
Trong những tháng còn lại của năm 2022, PCBD sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhiệm vụ chuyển đổi số tại công ty. Cụ thể, PCBD nghiên cứu ứng dụng hệ thống chatbot để áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác an toàn thông tin, nâng cao nhận thức trong công tác này cho toàn thể cán bộ, công nhân viên; ứng dụng các công nghệ nhận dạng khuôn mặt (Face Recognition), mã QR Code, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây để giảm thiểu số lượng, thời gian công việc, tăng hiệu quả các công tác quản trị điều hành của văn phòng công ty, đáp ứng tiêu chí “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Đồng thời, PCBD sẽ thử nghiệm triển khai hệ thống checkin ứng dụng AI tại PCBD.
Trung tâm điều hành SCADA đặt tại Công ty Điện lực Bình Dương kết nối thông minh với các trạm biến áp giúp công tác điều độ, xử lý nhanh nhạy các tình huống từ xa. Ảnh: MINH DUY
 
Quá trình thay đổi từ nhận thức đến hành động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và thực hiện nhiệm vụ cũng như đề ra các giải pháp tăng cường chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng ngày càng trở nên có ý nghĩa to lớn hơn bao giờ hết. Đặc biệt, trước diễn biến của bệnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều nguy cơ và kéo dài, các kênh trực tuyến trong thanh toán tiền điện, đăng ký và giải đáp nhu cầu về điện của khách hàng ngày càng đa dạng, nhanh chóng và tiện lợi đã hỗ trợ cho khách hành rất nhiều về thời gian đi lại và tiết kiệm tiêu dùng cá nhân. Có thể khẳng định, chuyển đổi số của ngành điện đã góp phần tạo nên một “không gian số” giúp PCBD kết nối với khách hàng sử dụng điện trên nền tảng số và xây dựng nên văn hóa số trong thời đại 4.0.
 
Với tinh thần chủ động, sáng tạo và đột phá từng giai đoạn cùng với cam kết quản trị trên nền tảng chuyển đổi số, PCBD đã triển khai mạnh mẽ trên 6 lĩnh vực, gồm: Quản trị, đầu tư xây dựng, kỹ thuật an toàn, kinh doanh dịch vụ khách hàng, truyền thông chuyển đổi nhận thức, viễn thông công nghệ thông tin. Tất cả đều hướng tới đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày một tốt hơn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
 
Tại PCBD, 80% quy trình nghiệp vụ được số hóa và liên thông, riêng lĩnh vực văn phòng 90% quy trình nghiệp vụ không sử dụng giấy tờ. Thực hiện 100% đấu thầu qua mạng các gói thầu chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi; 100% hồ sơ dự án công trình điện xây dựng mới được quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử. Trang bị hệ thống camera giám sát trạm không người, gần 70% khách hàng sử dụng công tơ điện tử, 90% khách hàng tham gia dịch vụ điện theo phương thức điện tử.
 
Theo: Báo Bình Dương