Đường dây 500 kV- huyền thoại một công trình : Kỳ I- Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Thứ năm, 21/5/2009 | 13:22 GMT+7

Sau 15 năm vận hành, đường dây 500 kV Bắc- Nam đã chứng minh vai trò của mình trong việc điều hoà lưới điện cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội tại miền Nam và miền Trung, chấm dứt tình trạng thiếu điện triền miên.

Tham gia vào kỳ tích này có công lao rất lớn của những người thợ truyền tải không quản mọi khó khăn nguy hiểm, ngày đêm âm thầm lặng lẽ giữ cho dòng điện thông suốt.

Giá trị một công trình

Suốt 1 tuần rong ruổi từ thành phố Hồ Chí Minh xuyên qua các tỉnh Tây Nguyên, đi dọc con đường Hồ Chí Minh huyền thoại để theo dấu đường dây 500 kV mạch 1, tôi thật sự choáng ngợp khi được tận mắt nhìn toàn cảnh đường dây 500kV trải dài thẳng tắp vắt qua các triền núi, trườn qua các lưng đèo. Những câu chuyện không đầu không cuối của anh Nhân (Công ty truyền tải Điện 3) trên suốt chặng đường từ Sài gòn đi Đăk Nông khiến tôi liên tưởng tới cả một thời kỳ khó khăn của đất nước những năm đầu đổi mới.

Cả một thời kỳ dài từ sau giải phóng miền Nam đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các tỉnh phía Nam và miền Trung bị cắt điện triền miên đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội, trong khi miền Bắc dư thừa điện vì có nhiều nhà máy điện như Phả Lại, Ninh Bình, Thác Bà, Hòa Bình. Trong khi nhiều ý kiến tính đến chuyện xuất khẩu điện thì lãnh đạo Bộ Năng lượng, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam để truyền tải điện năng từ miền Bắc vào miền Nam và miền Trung. Quyết định này không chỉ được coi là táo bạo mà còn gây nhiều tranh cãi, thậm chí từng làm xôn xao dư luận. Chỉ đến khi đi vào vận hành, đường dây 500 kV Bắc Nam thực sự phát huy hiệu quả thì những ý kiến trái chiều mới lắng xuống.

Ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, cho biết: “Anh Sáu Dân (cố Thủ tường Võ Văn Kiệt) và các nhà khoa học đã tính toán kỹ. Đưa điện vào miền Nam có lợi hơn bán điện đi vì chúng ta đang thiếu điện. Thực tế đã chứng minh chúng ta hoàn toàn có thể đưa điện vào miền Nam mà không bị hao hụt. Đến nay, nhờ có đường dây 500 KV, chúng ta có thể đưa điện ngược trở ra khi miền Bắc thiếu điện và ngược lại”.

Đường dây 500 kV đã thực sự trở thành xương sống của hệ thống điện quốc gia, đóng vai trò là đường dây liên kết hệ thống, truyền tải công suất và điện năng theo cả 2 chiều Nam- Bắc, góp phần khai thác tối ưu các nguồn phát điện trong hệ thống, tạo ra lợi ích kinh tế lớn cho đất nước. Giá trị công trình đường dây 500 kV không chỉ tính bằng lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội lớn lao, khẳng định sự trưởng thành của ngành Điện Việt Nam.

Hiện nay, đường dây 500 kV Bắc- Nam mạch 1 có chiều dài 1.462,5 km với 3.436 vị trí cột, 5 trạm biến áp 500 kV. Hệ thống này được giao cho 4 công ty truyền tải (thuộc Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia) quản lý. Mỗi công ty vừa quản lý đường dây, vừa quản lý một trạm 500 kV, trừ công ty truyền tải điện 1 quản lý 2 trạm (ở Hòa Bình và Hà Tĩnh).

Gian nan nghề “giữ điện”

Vượt lên mọi khó khăn thiếu thốn về tài chính, kỹ thuật và cả dư luận, gần 1.500 km đường dây 500 kV mạch 1 đã hình thành sau 2 năm khởi công như một huyền thoại. Tuy nhiên, công việc này vẫn có thuận lợi là thi công cấp tập trong 2 năm theo cơ chế đặc biệt, có Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, khó khăn đến đâu giải quyết đến đó ngay lập tức. Còn việc giữ cho dòng điện thông suốt cũng gian nan không kém nhưng những người thợ làm việc âm thầm lặng lẽ, trường kỳ theo năm tháng, hầu như họ phải tự xoay xở đối phó với mọi khó khăn.

Anh Phạm Văn Tuyên, đội trưởng Truyền tải điện ÐakGlei (thuộc công ty truyền tải điện 2) cho biết: Cung đoạn do Ðội Truyền tải ÐakGlei có 18 người quản lý 40,5 km đường dây thuộc một trong những nơi hiểm yếu nhất trên suốt tuyến 500 kV Bắc Nam vì hầu hết các vị trí cột đều nằm trên đỉnh núi. Nơi đây không chỉ có đèo Lò Xo hay Ngầm Xơi từng là nỗi kinh hoàng về các vụ tai nạn giao thông mà còn là nơi có khí hậu, thời tiết, môi trường vô cùng khắc nghiệt bởi núi cao, rừng rậm, suối sâu và sình lầy. Mùa mưa lầy lội và lũ quét đe doạ, đường vào tuyến bị xói lở, xe không thể vào được nên phải đi bộ rất xa để vận chuyển dụng cụ, vật tư sửa chữa đường dây, cây cối lại mọc rất nhanh nên phát tuyến rất vất vả. Mùa khô nắng nóng kéo dài, gió lớn dễ bị cháy rừng gây sự cố, bụi đất đỏ bazan bám vào trục sứ gặp sương mù gây phóng điện qua sứ.

 

 Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói chuyện với cán bộ công nhân ngành điện tham gia công trình 500 kV

Chúng tôi đi tuyến vào thời điểm cuối mùa khô đầu mùa mưa nên chỉ chưa đầy 100 km đã được thưởng thức trọn vẹn cái nắng rát mặt của cao nguyên, sự bức bối của những cơn gió Lào đầu mùa và cả những trận mưa chợt đến chợt đi của vùng Tây Nguyên với lời răn đe “cẩn thận, vắt sẽ ra như trấu”. Đường mòn Hồ Chí Minh giờ đã bớt cảnh hoang vu, không còn gập ghềnh đá sỏi. Những chuyện đi kiểm tra đường dây gặp hổ giữa đường phải trèo lên cây hay bắt được con rắn hổ mang nặng tới 15 kg đem về nấu cháo cả đội ăn giờ đã đi vào kỷ niệm. Tuy nhiên, nỗi lo gặp thú dữ, rắn độc chưa phải đã hết, những cơn lũ quét, mưa nguồn, những trận ngập lụt gây ách tắc giao thông, xói lở cột điện vẫn là mối đe doạ thường xuyên.

Đã có những trận mưa lũ làm sạt lở một số vị trí móng cột tại đỉnh đèo Lò Xo, mái kè và đất đắp móng bị gãy vỡ, sập sạt, hàng trăm công nhân của các đội truyền tải được huy động xếp bao cát, khai thông các mương thoát nước, đóng cọc, bạt đất tạo mái vùng sạt lở và sử dụng bao tải đựng đất sắp theo dạng bậc cấp, xây kè móng, phối hợp với các đơn vị bạn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Cũng như Truyền tải điện ÐakGlei, hầu hết các cung đoạn của các đơn vị truyền tải khác đều khó khăn không kém. Nhiều nơi đường công vụ lầy lội, xe u oát bánh cuốn xích cũng chào thua, anh em phải dùng tời móc vào cây để “thả xe”.

Ông Trần Khư, chủ tịch công đoàn Tổng công ty truyền tải điện quốc gia kể, khi còn làm đội trưởng ở Công ty truyền tải 2, cả đội ông phải xử lý sự cố đứt đường dây ở đoạn đèo Ngang. Anh em chiếu đèn pha làm cả đêm. Một chiếc ô tô đi qua đèo đã phóng thục mạng khiến xe quệt cả vào một anh thợ truyền tải, may chỉ xây sát nhẹ. Cả đội đuổi theo tóm được thủ phạm, nghe anh ta phân trần mới biết là dân thấy đèn nhấp nháy cả đêm nên đồn ầm là trên đèo có cướp làm anh ta sợ quá không dám dừng xe. Cả đội được trận cười vỡ bụng. Tận trưa hôm sau, khi đã nối xong đường dây, trên đường trở về cả đội ngủ lăn lóc trên xe. Sự kiện đó đã tạo cảm hứng để ông Khư đã sáng tác bài hát về thợ truyền tải: “Nhớ đêm trăng ngàn những điệu hò kéo dây, nắng dãi mưa dầu trên công trường chung tay, qua suối qua đèo đưa dòng điện về đây”.

Sau 2 năm khẩn trương thi công, đúng 19 giờ 7 phút ngày 27/5/1994, đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc Nam (500 kV mạch 1) đã chính thức đóng điện đi vào vận hành. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa truyền tải điện từ Bắc vào Nam, điều hoà lưới điện giữa các vùng miền mà còn ghi dấu ấn lịch sử quan trọng, đánh dấu sự đột phá của ngành điện Việt Nam vì lần đầu tiên hệ thống điện quốc gia được liên kết trong toàn quốc. Sự kiện này cũng thể hiện quyết tâm, dám nghĩ dám làm của Chính phủ trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Kỳ II: Chuyện kể của "dân truyền tải"

Theo Công Thương