Theo NPT, với tốc độ phát triển phụ tải cao như hiện nay, để nâng cao khả năng truyền tải của đường dây 500kV, NPT đang triển khai dự án nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Đà Nẵng-Hà Tĩnh từ 1000A lên 2000A, đảm bảo vận hành trong điều kiện truyền tải công suất cao. Bên cạnh đó, các công ty truyền tải đã áp dụng nhiều công nghệ mới vào quản lý để vận hành an toàn đường dây 500kV Bắc-Nam. Nhờ vậy, các sự cố như đứt lèo, đứt cáp quang, dây dẫn phát nhiệt, phóng điện sứ trên đường dây, các sự cố trạm được phát hiện và xử lý kịp thời, không làm gián đoạn tình hình cung cấp điện giữa các vùng, miền trong cả nước.
Hiện các đơn vị truyền tải đã sử dụng công nghệ kiểm tra nhiệt độ bằng thiết bị chụp ảnh nhiệt thermal imaging, thiết bị dùng đo nhiệt độ các mối nối, tiếp xúc đang mang điện cao thế mà không phải cắt điện, từ đó kịp thời xử lý, ngăn chặn các hư hỏng do phát nóng gây ra. Các đơn vị quản lý đường dây được trang bị thiết bị Corocam để ghi hình vầng quang điện trên các chuỗi sứ nhằm kịp thời xử lý, ngăn chặn sự cố do phóng điện bề mặt sứ. Đồng thời, áp dụng công nghệ lắp đặt hệ thống trụ dự phòng khẩn cấp (trụ Kema) trong các trường hợp lắp đặt đoạn đường dây thay thế vận hành trong một thời gian ngắn cho đoạn đường dây hiện hữu bị sự cố cũng như công nghệ giám sát dầu online và phóng điện cục bộ máy biến áp nhằm phát hiện sớm nguy cơ gây sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời. Mặt khác, việc ứng dụng thành công công nghệ sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước do không phải cắt điện.
Một số công ty truyền tải cũng đang nghiên cứu sử dụng sứ composit lắp cho các đường dây 500kV đối với những khu vực nhiễm bẩn nhiều trên lưới điện cao thế. Từ thực tế thí điểm trên đường dây 110kV, 220kV và 500kV thuộc phạm vi Truyền tải điện Đăk Lăk cho thấy, kể từ khi thay sứ composit, tiếng kêu phóng điện rất êm, đã 4-5 năm chưa phải thay sứ trong khi ở những đoạn chưa sử dụng loại sứ cách điện này, cứ mỗi tháng phải lau sứ một lần./.
Mai Phương