Chuyển đổi số trong EVN

EVN Cloud: Nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số của EVN

Thứ ba, 31/8/2021 | 08:56 GMT+7
Theo dự kiến, đến năm 2022 EVN Cloud sẽ hoàn thành triển khai cấp độ IaaS và đến năm 2025 sẽ chuyển lên cấp độ PaaS, đồng thời dịch chuyển một số hệ thống PMDC lên môi trường Cloud.
 
Ông Phạm Ngọc Hiển, Phó Giám đốc EVNICT. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Với mục tiêu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trở thành doanh nghiệp số, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng, nâng cao năng suất lao động..., Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) đang trong giai đoạn thực hiện dự án EVN Cloud. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số của EVN.
 
Phóng viên đã phỏng vấn ông Phạm Ngọc Hiển, Phó Giám đốc Công ty xung quanh nội dung này.
 
Phóng viên: Xin ông cho biết các giải pháp công nghệ được EVNICT triển khai trên Cloud là gì? Vai trò và hiệu quả của các giải pháp này ra sao?
 
Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển: EVNICT đang trong giai đoạn thực hiện dự án EVN Cloud, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chính của chuyển đổi số theo Thông báo số 227 của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Về dự kiến, đối với các cấp độ hạ tầng dịch vụ (Infrastructure as a Service - IaaS) và nền tảng dịch vụ (Platform as a Service - PaaS) sẽ đi theo hướng triển khai tập trung cho phép EVN có môi trường đầy đủ và hiện đại để thử nghiệm phát triển, tích hợp và chuyển đổi các ứng dụng phần mềm hiện có theo mô hình truyền thống lên kiến trúc điện toán đám mây.
 
Ngoài ra môi trường kiểm thử phát triển (TestDev) trên Cloud cũng giúp EVN xây dựng các ứng dụng mới một cách nhanh chóng, đồng bộ và tối ưu chi phí so với cách tổ chức xây dựng phân tán truyền thống.
 
Được yêu cầu triển khai theo mô hình công nghệ DevOps/CICD, EVN TestDev được tích hợp liên tục và nhất quán tới môi trường cung cấp dịch vụ chính thức Production Environment để đưa dịch vụ tới người dùng.
 
Lấy ví dụ bộ phận phát triển phần mềm của bất kỳ Công ty điện lực thành viên nào đều có khả năng nhanh chóng khởi tạo môi trường ứng dụng và hạ tầng thông qua EVN TestDev sau đó tích hợp đưa vào sản xuất qua Production Environment.  
 
Đối với cấp độ dịch vụ phần mềm (Software as a Service - SaaS), hệ thống EVN Production Environments được xây dựng tập trung cho phép EVN triển khai các ứng dụng phần mềm theo kiến trúc hiện đại trên nền tảng container/microservices được hầu hết các tập đoàn công nghệ và sản xuất trên thế giới như Google, Microsoft, IBM, AWS, BMW, Borch… sử dụng.
 
Kiến trúc container/microservices giúp EVN tối ưu tài nguyên và nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng không chỉ các nhu cầu hiện tại mà đảm bảo cho các mục tiêu phát triển công nghệ 4.0 trong tương lai gần.
 
EVNICT sẽ căn cứ vào các tiêu chí kỹ thuật và quản trị cụ thể để chuyển đổi một số ứng dụng sẵn sàng cho mô hình kiến trúc container sau khi thử nghiệm qua môi trường TestDev sẽ đưa vào môi trường cung cấp dịch vụ Production.
 
Đối với các ứng dụng mới phát triển sẽ tối đa hoá việc đồng bộ phát triển theo kiến trúc mới này tới toàn bộ các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.
 
Phóng viên: Vậy xin ông đánh giá vai trò của điện toán đám mây trong công cuộc chuyển đổi số của EVN nói chung và EVNICT nói riêng?
 
Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển: Tôi cho rằng việc chuyển dịch lên điện toán đám mây  không phải bắt nguồn từ xu thế công nghệ mà cần xuất phát từ các lợi ích quản trị và kinh doanh của EVN mà điện toán đám mây mang lại. Do vậy việc hoạch định rõ các yếu tố mà hiệu quả kinh doanh có thể có được từ điện toán đám mây  giống như “kim chỉ nam” cho EVN.
 
Các yếu tố đó có thể kể đến như triển khai ứng dụng nhanh hơn. Theo đó, việc triển khai đóng gói ứng dụng phần mềm trên môi trường điện toán đám mây  giúp EVN có thể tiết kiệm 70% thời gian triển khai ứng dụng tương tự trên hạ tầng công nghệ thông tin  phân tán truyền thống.
 
Bên cạnh đó, giúp Tập đoàn tăng tính tập trung và nhất quán, liên thông trong việc triển khai dịch vụ trên một môi trường đồng nhất, từ đó giúp tăng cường hiệu quả quản lý và giảm thời gian vận hành triển khai.
 
Cùng với việc khả năng vận hành quản lý hạ tầng tập trung thay vì phân tán, giải quyết gần như triệt để các vấn đề như quy hoạch hạ tầng phân tán, thiếu nhất quán, lãng phí tài nguyên và nguồn lực vận hành, khó kết nối, hiệu quả còn có được từ nâng cao tính sẵn sàng cho dịch vụ.
 
Đồng thời giảm thời gian “chết” do kiến trúc điện toán đám mây đảm bảo khả năng sẵn sàng và an toàn 99,99% cho hệ thống, không có “down-time” do các cơ chế phân tải, dự phòng (High Avaibility) từ lớp hạ tầng cho đến ứng dụng.
 
Lợi ích của điện toán đám mây giúp nâng cao khả năng phục hồi sau sự cố, cho phép thiết lập các cơ chế dự phòng sao lưu, đảm bảo khả năng phục hồi sau sự cố theo các kịch bản tự động hoặc theo yêu cầu đáp ứng với các tiêu chí khắt khe của các tổ chức kinh doanh trên nền tảng dữ liệu.
 
Cùng với đó, nâng cao khả năng thích ứng và sáng tạo của doanh nghiệp khi thị trường thay đổi, cho phép EVN xây dựng chiến lược chuyển đổi số với khả năng thích ứng và sáng tạo trong thời đại 4.0 với các ứng dụng sáng tạo và nguồn dữ liệu quý giá.
 
Mặt khác, điện toán đám mây còn nâng cao khả năng hoạt động di động; Giảm chi phí, tăng cơ hội. Ngoài ra, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ, cho phép cung cấp và giám sát trải nghiệm người dùng dịch vụ một cách đồng nhất và tập trung. Đồng thời nâng cao khả năng nhận thức, phân tích và phản hồi từ trải nghiệm người dùng, giúp mang tới cho người dùng các tiện ích, trải nghiệm mới hơn, tốt hơn.
 
Phóng viên: Trên thực tế, việc triển khai này đã được EVNICT thực hiện như thế nào?
 
Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển: Hiện tại, theo nhiệm vụ Tập đoàn giao, EVNICT đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho dự án EVN Cloud. Dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành cơ bản giai đoạn triển khai Cloud cấp độ IaaS và đến năm 2025 sẽ chuyển lên cấp độ PaaS, đồng thời dịch chuyển một số hệ thống phần mềm dùng chung (PMDC) lên môi trường Cloud, cung cấp dạng dịch vụ phần mềm (Software as a Service - SaaS).
 
Song song với các quá trình triển khai EVN Cloud, EVNICT cũng đang thực hiện nâng cấp và triển khai các hệ thống PMDC như hệ thống văn phòng số (Digital Office), phần mềm quản lý đầu tư- xây dựng (IMIS) 2.0…, ứng dụng kiến trúc Microservice và các giải pháp công nghệ liên quan, chuẩn bị cho việc dịch chuyển hoạt động vận hành phần mềm lên môi trường cloud (cloud native).
 
Dự án EVN Cloud hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa có vướng mắc. Một số rủi ro có thể nhìn thấy trước chủ yếu tập trung vào nguồn lực triển khai, vận hành, làm chủ kiến trúc, công nghệ và quản trị, khai thác hệ thống.
 
Phóng viên: Vậy tiến trình cụ thể của EVN Cloud sẽ triển khai như thế nào, thưa ông?
 
Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển: Theo dự kiến, đến năm 2022 EVN Cloud sẽ hoàn thành triển khai cấp độ IaaS và đến năm 2025 sẽ chuyển lên cấp độ PaaS, đồng thời dịch chuyển một số hệ thống PMDC lên môi trường Cloud, cung cấp dạng dịch vụ phần mềm (Software as a Service - SaaS).
 
Cụ thể về hạ tầng, năm nay chúng tôi bắt đầu triển khai dự án xây dựng hệ thống EVN’s Cloud, tạo nền tảng hạ tầng thống nhất trong Tập đoàn làm tiền đề để hoàn thành mục tiêu “Một hạ tầng”.
 
Theo đó, giai đoạn 1, chúng tôi sẽ hoàn thành triển khai và đưa EVN’s Cloud với quy mô triển khai tại 2 Trung tâm dữ liệu  của Tập đoàn do EVNICT quản lý và khai thác trong năm 2022. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng EVN’s Cloud trong phạm vi toàn Tập đoàn đạt được mục tiêu “Một hạ tầng”.
 
Tại 2 Trung tâm dữ liệu  của Tập đoàn do EVNICT quản lý sẽ thực hiện dịch chuyển ứng dụng phần mềm lên môi trường điện toán đám mây  và thay thế dần các phần cứng không phù hợp với hạ tầng điện toán đám mây.
 
Về phần mềm, trong hai năm tới 2022 - 2023, chúng tôi sẽ chuyển dịch môi trường, công cụ phát triển phần  mềm của EVNICT lên môi trường điện toán đám mây; Chuyển dịch môi trường, công cụ phát triển phần  mềm của các đơn vị thành  viên lên môi trường điện toán đám mâ; Dịch chuyển hệ thống Digital Office, EVN News lên môi trường Cloud.
 
Và đến năm 2024 sẽ dịch chuyển một phần mềm lõi với kiến trúc dữ liệu dùng chung cho các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 
Mai Phương