Công ty Điện lực Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới công nghệ, tăng tỉ lệ tự động hóa, giảm tổn hao, đảm bảo nguồn điện ổn định phục vụ phát triển KT-XH. Ảnh: Chu Kiều
Là tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp với dân số trên 1 triệu người, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của Vĩnh Phúc rất lớn. Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cũng như không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, từ nhiều năm nay, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) luôn chú trọng áp dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất kinh doanh (SXKD) và coi đây là giải pháp quan trọng giúp công ty hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn mới.
Một trong những điểm nhấn trong ứng dụng tiến bộ công nghệ của PC Vĩnh Phúc thời gian qua có thể kể đến việc đưa công nghệ điều khiển từ xa vào công tác quản lý vận hành lưới điện.
PC Vĩnh Phúc là 1 trong 8 đơn vị đầu tiên được Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc triển khai đề án Trung tâm điều khiển xa (TTĐKX) và trạm biến áp (TBA) không người trực ngay từ giai đoạn đầu của Đề án Xây dựng lưới điện thông minh Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giai đoạn 2016-2020.
Sau 3 năm triển khai, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 08/08 TBA 110KV vận hành theo tiêu chí không người trực hoàn toàn, thao tác từ xa toàn bộ 206 thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung áp.
Việc triển khai hệ thống điều khiển xa (ĐKX) các TBA 110kV không người trực và tự động hóa lưới điện trung áp đã tiết kiệm đáng kể nhân lực vận hành trạm.
Nếu như trước đây với 8 TBA, cần tới 72 người trực vận hành tại trạm thì nay, chỉ cần 3 tổ thao tác lưu động vận hành với số lượng 25 người.
Nhất là đối với 206 thiết bị trung áp thao tác xa từ TTĐKX thì hoàn toàn không cần người thao tác trực tiếp ngoài hiện trường.
Không chỉ vậy, việc triển khai mô hình TTĐKX các TBA không người trực và tự động hóa lưới điện trung áp còn góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản do mọi công việc được thực hiện từ xa qua hệ thống máy tính với phần mềm SCADA tại TTĐKX, tránh rủi ro tai nạn lao động.
Đặc biệt là giảm đáng kể thời gian thao tác thiết bị. Nếu như trước đây việc thao tác tại chỗ mất từ 5 đến 10 phút cho mỗi thao tác, chưa kể thời gian di chuyển và chuẩn bị dụng cụ, thì nay việc thao tác xa qua máy tính chỉ cần 5 đến 10 giây/thao tác.
Đối với lưới điện trung áp, tiết kiệm thời gian di chuyển thao tác từ 20- 40 phút tùy vị trí trên lưới. Từ đó, góp phần rút ngắn thời gian khôi phục cấp điện cho khách hàng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng khu vực.
Cùng với ứng dụng công nghệ điều khiển xa, thời gian qua, PC Vĩnh Phúc đã triển khai lắp đặt các công tơ điện tử trên lưới điện. Tính đến tháng 7/2021, công ty đã lắp đặt gần 170 nghìn công tơ điện tử, chiếm 73,3% tổng số công tơ bán điện, trong đó trên 140 nghìn công tơ điện tử ghi tự động hoàn toàn qua hệ thống Hữu Hồng, Gelex, Psmart (AMISS), EVN HES chiếm 61,2%.
Với công nghệ ngày, công tơ được thu nhập dữ liệu và truyền về trung tâm qua bộ tập trung và chuyển máy chủ lưu trữ.
Điều này giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động trong ghi chỉ số và quản lý công tơ. Đồng thời, khách hàng sau các trạm biến áp công cộng đã được đọc xa có thể tra cứu chỉ số hàng ngày tại website của công ty.
Thêm vào đó, số liệu công tơ đo đếm thu thập từ xa có thể phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện, hỗ trợ giám sát, giảm tổn thất điện năng; tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của TBA và đường dây giúp nâng cao độ an toàn lưới điện. Những lợi ích này đã mang lại chuyển biến rõ rệt trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những tiến bộ KHCN đang được PC Vĩnh Phúc ứng dụng vào công tác quản lý, vận hành lưới điện.
Đánh giá về những lợi ích mà công nghệ mang lại, đại diện PC Vĩnh Phúc chia sẻ: Việc áp dụng tiến bộ công nghệ đã giúp cho công việc quản lý, điều hành lưới điện được thông suốt, liên tục, giảm thiểu các sự cố nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí trong điều hành SXKD của ngành điện.
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin đem đến cho khách hàng những thông tin sử dụng điện chính xác, kịp thời, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần xây dựng hình ảnh Công ty Điện lực Vĩnh Phúc ngày càng chuyên nghiệp.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong SXKD theo định hướng phát triển của ngành và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, thời gian tới, PC Vĩnh Phúc đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả ứng dụng chương trình phần mềm PSS Sincal; Mở rộng triển khai ứng dụng DMS cho tất cả các mạch vòng trung áp trên phần mềm SCADA tại TTĐKX.
Cải tạo, thay thế những thiết bị đóng cắt trên lưới điện cũ, lạc hậu bằng thiết bị điện thông minh để kết nối tín hiệu SCADA về TTĐKX nhằm khai thác hiệu quả hệ thống lưới điện, nâng cấp năng lực hệ thống điều khiển lõi tại TTĐKX và các phần mềm ứng dụng trong vận hành lưới điện tại các đơn vị trực thuộc.
Đồng thời PC Vĩnh Phúc tiếp tục kết nối điều khiển xa các trạm biến áp 110kV xây dựng mới về TTĐKX theo tiêu chí trạm vận hành không người trực.