Sự kiện

EVN: Sẵn sàng cho Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

Thứ năm, 12/11/2009 | 09:16 GMT+7

Với vai trò chủ chốt trong cung cấp điện cho phát triển kinh tế đất nước, thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn điện của Chính phủ, nhiều năm qua, EVN đã nỗ lực bền bỉ trong việc nghiên cứu và triển khai các hoạt động để chuẩn bị sẵn sàng cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.  

Một nhà máy điện hạt nhân được IAEA hỗ trợ kỹ thuật. Ảnh: IAEA

Thực tế, không phải cho đến khi dự án điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên được chính thức khởi động thì công tác nghiên cứu, tìm hiểu về các ứng dụng công nghệ hạt nhân cho phát triển điện năng mới được triển khai. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Viện Năng lượng – thời điểm vẫn là cơ quan trực thuộc EVN, đã tiến hành nghiên cứu về Tổng quan phát triển điện hạt nhân tại Việt  Nam - Đề tài nghiên cứu do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) chủ trì. Từ sau năm 2002, khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Công nghiệp đã giao cho Viện Năng lượng thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan về năng lượng hạt nhân, các chuyên gia trong nước và quốc tế, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam đã được Viện Năng lượng hoàn thành. Báo cáo gồm 15 chương, đề cập đến các nội dung chính như: Sự cần thiết xây dựng nhà máy ĐHN tại Việt Nam; địa điểm; công nghệ; các giải pháp kỹ thuật, an toàn; các vấn đề về tác động môi trường; phương án đảm bảo an ninh quốc phòng; hợp tác quốc tế; truyền thông…

Cuối năm 2008, theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, Viện Năng lượng đã cập nhật, bổ sung và điều chỉnh nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thành Báo cáo đầu tư dự án xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, có tổng công suất 4x1.000 MW, gồm 2 tiểu dự án là NM ĐHN Ninh Thuận 1 và 2.

Để triển khai các công việc liên quan đến công tác đầu tư dự án xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, tháng 9/2007, EVN đã thành lập Ban Chuẩn bị đầu tư dự án Điện hạt nhân và Năng lượng tái tạo (NRPB). Đây là cơ quan đầu mối đảm nhận trọng trách giúp EVN triển khai hầu hết các công việc liên quan đến dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. 

Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực hạn chế, kinh phí eo hẹp của một đơn vị mới được thành lập, chỉ gần 2 năm, NRPB đã hoàn thành một khối lượng công việc đáng kể để sẵn sàng cho dự án. Đó là: Hoàn thiện Báo cáo đầu tư để trình các cơ quan hữu quan xin ý kiến, chuẩn bị về nhân sự quản lý dự án và tham gia đào tạo nhân sự cho công tác vận hành Nhà máy; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc góp ý xây dựng hành lang pháp lý cho ứng dụng năng lượng hạt nhân, phát triển điện nguyên tử tại Việt Nam; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các chương trình truyền thông về điện hạt nhân để người dân địa phương trong tỉnh Ninh Thuận thấy rõ vị trí, vai trò của dự án, từ đó đồng thuận với việc triển khai dự án ĐHN đầu tiên tại Ninh Thuận; phối hợp với địa phương trong việc chuẩn bị các bước đệm cho quy hoạch vùng dân cư bị tác động bởi dự án và các công việc liên quan khác như tìm kiến các nguồn vốn đầu tư, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc tìm kiếm công nghệ lò phản ứng phù hợp nhất cho Việt Nam…

Thời gian qua, NRPB đã tập trung hoàn thiện Báo cáo đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận. Báo cáo này được Hội đồng thẩm định Nhà nước nhất trí thông qua trong phiên họp lần thứ 5 ngày 20/7/2009 và đã được hoàn thiện, làm cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong Kỳ họp lần thứ 6 của Quốc hội khóa XII.

Ngoài ra, NRPB đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các quy hoạch, báo cáo chuyên ngành liên quan để phục vụ công tác thẩm định báo cáo đầu tư theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định Nhà nước (HĐTĐNN). Đó là, các điều tra, đánh giá bổ sung địa chất địa điểm xây dựng; báo cáo đánh giá tác động môi trường; quy hoạch chi tiết địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1&2; quy hoạch tổng thể địa điểm xây dựng các nhà máy ĐHN ở Việt Nam; dự án lập quy hoạch phát triển ĐHN ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030; dự án Trung tâm tuyên truyền quảng bá Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận; cơ chế đặc biệt để thực hiện dự án ĐHN…

Xác định công tác truyền thông rất quan trọng và là một trong những trách nhiệm hàng đầu của chủ đầu tư đối với công chúng, đặc biệt là chính quyền và nhân dân địa phương nơi Nhà máy đứng chân, thời gian qua, NPRB đã triển khai công tác thông tin tuyên truyền về ĐHN một cách liên tục, thường xuyên dưới các hình thức: Hội thảo, triển lãm, tọa đàm, tham quan cơ sở hạt nhân, tiếp xúc cử tri tại nhiều nơi trong cả nước và khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy.

Bên cạnh đó, một trong những công việc quan trọng chuẩn bị cho triển khai dự án là chuẩn bị nhân lực cho công tác quản lý và vận hành nhà máy ĐHN. Cùng với các cơ quan như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn hạt nhân và bức xạ Việt Nam, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, EVN đã xây dựng hoàn thiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ĐHN... Hiện, EVN đã đào tạo được 160 lượt cán bộ và 25 sinh viên đang theo học về điện hạt nhân tại nước ngoài; cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc là con em cán bộ trong ngành đi học tập tại nước ngoài về kỹ thuật ĐHN. Sắp tới, EVN sẽ có chính sách ưu tiên con em địa phương có thành tích học tập tốt để trao học bổng đào tạo về ĐHN trong và ngoài nước, ưu tiên tuyển dụng những cán bộ công tác trong ngành Điện (đặc biệt là các dự án nhiệt điện) ở khu vực xung quanh vào công tác tại Nhà máy ĐHN Ninh Thuận.

Có thể nói, tất cả những công việc mà EVN đang và sẽ nỗ lực triển khai đều nhằm mục tiêu: Đảm bảo cho dự án ĐHN đầu tiên của Việt Nam được triển khai thành công với các tiêu chí an toàn và kinh tế.

Năm 2008, NPRB đã cử 62 lượt người tham gia 7 khóa đào tạo ngắn hạn trong nước; 2 cán bộ đi học chương trình đào tạo thạc sỹ tại Đại học Griggs (Hoa Kỳ); 16 lượt người tham gia các chương trình học tập, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn và hội thảo tại các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Áo, Italia, Trung Quốc…

6 tháng đầu năm 2009, NPRB đã tổ chức đào tạo ngắn hạn cho 70 lượt người.

Đến nay, những hoạt động tuyên truyền chính mà NRPB đã tổ chức và phối hợp thực hiện bao gồm:

- 3 triển lãm quốc tế kèm hội thảo chuyên đề tại Hà Nội và Ninh Thuận: Thu hút khoảng 13.500 lượt người tham quan, 1.650 đại biểu Trung ương và địa phương tham dự hội thảo;

 - 6 hội thảo khoa học quy mô lớn bao gồm cả hội thảo quốc tế và trong nước tổ chức tại Hà Nội và Ninh Thuận, thu hút khoảng 700 đại biểu trong nước và nước ngoài;

- 20 hội thảo quy mô nhỏ dành cho các nhóm đối tượng khác nhau của cộng đồng dân cư địa phương, thu hút gần 1.800 đại biểu địa phương;

- 1 lớp đào tạo tuyên truyền viên 3 ngày: Đào tạo 10 cá nhân tiêu biểu là những lãnh đạo các cơ quan tổ chức chính trị xã hội tại địa phương trở thành những tuyên truyền viên tích cực về điện hạt nhân;

- 2 chuyến tham quan Lò phản ứng hạt nhân tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho 60 đại biểu địa phương;

- 2 lần tiếp xúc lãnh đạo và cử tri địa phương;

- 5 chuyến tham quan học tập về điện hạt nhân ở nước ngoài.

Tổng cộng đã có hơn 20.000 lượt người được trực tiếp tiếp xúc và cung cấp thông tin về dự án NMĐHN Ninh Thuận. Nhờ những hoạt động nỗ lực này, thái độ, quan điểm của nhân dân địa phương về điện hạt nhân và dự án NMĐHN Ninh Thuận đã thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực.

Theo: Tạp chí Điện lực