Sự kiện

Bài 4: Chiến sĩ Nhà giàn

Thứ năm, 1/6/2017 | 10:32 GMT+7
Bên cạnh những hòn đảo nổi, quần đảo Trường Sa còn có những hòn đảo chìm. Đó là những dải đá san hô mấp mé mặt nước mà trong những ngày nắng đẹp, ngồi trên xuồng nhìn xuống thấy rõ những lùm san hô đủ hình thù kì dị trong làn nước biển có màu đặc biệt - màu diệp lục. 


Hệ thống năng lượng mặt trời trên Nhà dàn DK1/8 Quế Đường. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Những vùng đảo chìm sâu dưới mặt nước mấy chục mét, bộ đội phải làm những nhà giàn bằng thép trên đó để canh giữ vùng biển. Nhà giàn Quế Đường là một nơi như thế.
 
Khoảng 6 giờ sáng 16-5, tàu buông neo ngay cùng biển Nhà giàn DK 1/8 Quế Đường. Tại đây, 7 giờ sáng diễn ra sự kiện thiêng liêng: Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trên vùng biển thềm lục địa phía Nam thân yêu.
 
Kế hoạch lên thăm nhà giàn Quế Đường đã được phổ biến trong kế hoạch chuyến đi khiến ai nấy đều nôn nao mong chờ. Mong chờ là bởi chưa hình dung ra được những người lính quanh năm trên nhà giàn sẽ biểu hiện sự vui mừng như thế nào khi đón khách đất liền. Mong chờ là bởi, trong hải trình có 9 đảo thì chỉ có một điểm là Nhà giàn. Chúng tôi đã được trải qua những giây phút xúc động khi Trưởng phòng Dân vận Bộ tư lệnh Hải quân Hoàng Ngọc Dương  thay mặt Đoàn công tác nói những lời tri ân các các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Giai điệu khúc “Hồn tử sĩ” vang lên giữa mênh mông biển trời Trường Sa. Vòng hoa tri ân nhẹ nhàng thả xuống biển cứ dập dềnh mãi như không muốn dời con tàu. Lúc này thì không chỉ có những người phụ nữ rơi nước mắt, mà tất cả những người trên tàu đều đã rưng rưng. Đây là lần thứ hai toàn tàu có chung một mối cảm xúc. Lần đầu là lúc tàu thả neo làm lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo quần đảo Trường Sa. Trời nổi cơn dông, mưa mỗi lúc một lớn nhưng dòng người vẫn chậm rãi xếp hàng để đến lượt  thắp nén nhang trước ban thờ các liệt sĩ. 
 

Chiến sĩ trên nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Biển động. Gió mạnh. Những dải sóng hung hãn lừng lững như những dải đê đập ầm ầm vào mạn tàu. Nước mặn bay cả lên mặt boong. Với sóng lừng việc cập Nhà giàn lúc này là bất khả. Đến giữa trưa biển vẫn không ngớt gầm gào. Nếu chỉ bằng lí trí, ai cũng biết cơ hội thăm nhà giàn Quế Đường đã hết. Nhưng bằng tình cảm, ai cũng hiểu nếu nhổ neo đi ngay lúc này thì những người lính trên nhà giàn đang đăm đăm hướng mắt về con tàu kia sẽ phải chịu một cảm giác hẫng hụt ghê gớm. Vì thế con tàu cố trùng trình neo đợi cho đến lúc bầu trời kéo mây đen vần vũ, mặt biển ngả màu tối thẫm, đã có người chực oà khóc. 
 
Một giải pháp tình thế được đưa ra. Mọi người trên tàu tập trung về đài chỉ huy để nói chuyện với nhà giàn thông qua máy bộ đàm. Các cô văn công xung kích cất tiếng hát  mong được rút ngắn khoảng cách, nhưng rồi giọng các cô đã tắc nghẹn nửa chừng. Trưởng đoàn công tác số 13- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải nói chuyện và hỏi thăm cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/8 Quế Đường qua tổ hợp, mắt hướng về chiếc nhà giàn. Từ máy vọng ra tiếng trả lời mừng rỡ: “Cám ơn các đồng chí, chúng tôi anh em đều mạnh khoẻ”. 
 

Nhà giàn DK1/8 Quế Đường sừng sững giữa biển khơi. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Những con sóng đã không ngăn cản việc cập bến nhà giàn Quế Đường, đúng 13 giờ, chiếc xuồng đầu tiên đưa đại biểu lên Nhà giàn. Những chàng trai vâm váp nắm chặt bàn tay từng người trong đoàn công tác khi đón lên bờ. Những nụ cười sáng loá. Những tiếng cười reo át tiếng sóng. Những cái bắt tay thật chặt, thật ấm. Những lời hỏi thăm chân tình. 
 
Có ai đó trong đoàn đã hỏi một chiến sĩ trên Nhà giàn: “Các anh có nhớ đất liền không?”... Câu hỏi đột ngột khiến người chiến sĩ  Nhà giàn im bặt một hồi lâu. Câu hỏi đã chạm đến phần sâu xa nhất của những người lính quanh năm chỉ có nghe tiếng sóng và tiếng gió. Câu hỏi đã đánh động đến phần mềm yếu nhất của của con người nên câu trả lời dù cố kìm nén cảm xúc vẫn thấy run run: “Nhớ… lắm!”...Nhưng rất nhanh, giọng nói đã thoắt trở về rắn rỏi: “Chúng tôi nhớ đất liền lắm, nhưng xin hứa với đất liền dù có phải hy sinh chúng tôi cũng quyết tâm bảo vệ bằng được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên vùng biển này!”.
 

Chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Nghe giọng nói cứng cỏi của những người lính đang đối mặt với gian nan nơi bão tố, tôi tin rằng, chủ quyền đất nước trên vùng biển Trường Sa không bao giờ mất. Trong giây phút dâng trào cảm xúc, mọi người đồng thanh cất tiếng hát. Bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long chúng tôi đã nghe hàng trăm lần, nhưng giờ đây được hát bằng tất cả tình cảm chân thành của những người từ đất liền gửi gắm niềm tin yêu vào những người giữ đảo nên có một sức lay động vô bờ. Con tàu nhổ neo trong hồi còi da diết. Chúng tôi cố vịn tay đứng trên con tàu nghiêng lắc dữ dội nhìn mãi về phía Quế Đường. Biển và trời đã nhoà lẫn một màu trắng xoá, chỉ còn thấy chiếc nhà giàn in đậm như một pháo đài hiên ngang giữa gió giật sóng cuồng…
Thanh Mai/Icon.com.vn