Sự kiện

EVN cam kết tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong ngành điện

Thứ tư, 17/5/2017 | 14:29 GMT+7
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp với chủ đề “Đồng hành cùng Doanh nghiệp”, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hóa các thủ tục trong ngành điện. 


Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có thay đổi đáng kể. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo ông Dương Quang Thành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với vai trò vừa là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vừa là doanh nghiệp được Chính phủ giao đảm bảo vai trò nòng cốt trong việc cung ứng điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân, năm 2017, EVN không chỉ đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân mà còn tăng cường các giải pháp để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
 
Cụ thể, để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, trong các năm vừa qua EVN đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19. Từ năm 2013-2016, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có các thay đổi đáng kể: Số ngày giảm từ 115 ngày xuống còn 46 ngày, trong đó số ngày của Điện lực đã giảm từ 60 ngày xuống 11 ngày. Số thủ tục giảm từ 6 xuống còn 5 thủ tục. Do đó, vị trí của Việt Nam được thay đổi từ 156 còn 96 (cải thiện 60 bậc). Trong các các chỉ số về môi trường kinh doanh khác của Việt Nam thì chỉ số tiếp cận điện năng mặc dù chưa phải là chỉ số có vị trí tốt nhất, tuy nhiên trong giai đoạn 2013-2016 thì đây là một trong các chỉ số có sự cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số của Việt Nam. 
 
Trong năm 2017, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, riêng đối với chỉ số tiếp cận điện năng, EVN đặt mục tiêu giảm xuống còn 4 thủ tục, thời gian thực hiện dưới 35 ngày (đến năm 2020 còn dưới 30 ngày), cải thiện vị trí của Việt Nam lên 70 (theo xếp hạng của WB).
 
Cũng theo ông Dương Quang Thành, EVN đã và đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ để đạt được yêu cầu đề ra của Chính phủ, Bộ Công Thương với mục tiêu phấn đấu năm 2017 thứ hạng của Việt Nam ở vị trí 50 trên thế giới và thứ 4 trong khu vực ASEAN. Theo đó, sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hóa các thủ tục trong ngành điện, cụ thể số thủ tục còn 02 (giảm 1 thủ tục) với thời gian là 5 ngày (với địa bàn tp Hồ Chí Minh) và 7 ngày (các tỉnh/thành phố còn lại); Tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát việc thực hiện tại các đơn vị trong ngành; Làm việc các Bộ và các địa phương để xây dựng và triển khai cơ chế “1 cửa liên thông” giữa các đơn vị ngành điện và các cơ quan quản lý nhà nước; Áp dụng công nghệ thi công giảm thời gian cắt điện; Công khai minh bạch các thủ tục, hồ sơ, thiết kế mẫu để khách hàng giám sát được quá trình cung cấp dịch vụ của ngành điện…
 
Riêng đối với địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, từ 1/1/2016 đối với khách hàng sử dụng điện cần lắp đặt đường dây và TBA riêng (trừ lĩnh vực kinh doanh bất động sản), Tập đoàn đã bỏ toàn bộ chi phí cấp vật tư thiết bị và lắp đặt miễn phí để cung cấp điện cho khách hàng (cải thiện tiêu chí xuất đầu tư/GDP bình quân). Từ 1/3/2017 áp dụng theo quy định cấp điện mới, theo đó với doanh nghiệp có nhu cầu cấp điện ≤ 160kVA thì thực hiện cấp điện qua công tơ 3 pha gián tiếp với thời gian thực hiện ≤ 07 ngày, trường hợp nhu cầu của doanh nghiệp > 160kVA, thực hiện đầu tư công trình điện riêng để cấp điện với thời gian ≤ 13 ngày (Đứng đầu ASEAN). Cơ chế ”1 cửa liên thông” theo Thỏa thuận liên ngành đã được ký kết giữa Ngành điện với Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải TP HCM theo đó tổng thời gian thực hiện các thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước là không quá 5 ngày (trong nhóm các nước đứng đầu). EVN cũng đang áp dụng khoa học công nghệ như sửa chữa và bảo dưỡng online không cắt điện, lắp đặt các thiết bị tự động đóng cắt, điều khiển xa, đầu tư các thiết bị điện tiên tiến, phấn đấu giảm thời gian mất điện từ hơn 1.600 phút hiện nay xuống còn 400 phút đến năm 2020, riêng đối với tp HCM giảm từ 514 phút hiện nay xuống còn dưới 100 phút, bằng với ASEAN5.
 
Với các giải pháp triển khai như vậy, ông Dương Quang Thành tin tưởng, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 sẽ được cải thiện và khả năng đạt vượt mục tiêu Chính phủ và Bộ Công thương yêu cầu.
 
Một trong những việc làm đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của EVN từ việc cung cấp điện sang việc cung cấp các dịch vụ về điện theo hướng thị trường, đó là coi trọng công tác dịch vụ khách hàng. Bắt đầu từ năm 2013, EVN chính thức thuê Tư vấn độc lập đánh giá sự hài lòng của khách hàng theo phương pháp được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Với việc triển khai này EVN là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thuê tư vấn độc lập khảo sát chấm điểm các dịch vụ đang cung cấp. Qua kết quả khảo sát, EVN và các đơn vị thành viên đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện. Mức độ hài lòng của khách hàng toàn EVN đã tăng dần qua các năm. Năm 2013 điểm bình quân là 6,45 điểm, năm 2014 là 6,9 điểm, năm 2015 là 7,27 điểm đến năm 2016 là 7,69/10 điểm (từ 7 điểm trở lên, được ghi nhận đã tạo được sự hài lòng của khách hàng).  
 
Việc phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để chủ động cung cấp thông tin và lắng nghe ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp vào tháng 3/2017 đã đưa EVN trở thành doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên và là cơ quan thứ 2 (sau Bộ Tài chính) trong khối cung cấp dịch vụ thuộc nhà nước hợp tác với VCCI để đánh giá dịch vụ khách hàng, tư vấn và lắng nghe tiếng nói và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. “Năm 2017, EVN ký thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  để cùng  góp phần thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ. Theo thỏa thuận hợp tác, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ cung cấp thông tin về các ý kiến phản ánh về việc cung cấp điện của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, tổ chức đánh giá và công bố mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện, hỗ trợ và tư vấn các giải pháp để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp thông tin đinh kỳ về tình hình cung cấp điện của EVN tại các địa phương, kết quả cũng như các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng tại Việt Nam để hai bên cùng nghiên cứu và có các đề xuất sửa đổi các quy định, chính sách nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh…” - ông Dương Quang Thành nói.
Nguyên Long/Icon.com.vn