Sự kiện

Bài 3: Vì một Trường Sa trường tồn và phát triển

Thứ ba, 30/5/2017 | 09:53 GMT+7
Từ tờ mờ sáng, đảo Đá Lớn C đã lọt vào tầm nhìn chúng tôi, với công trình nhà văn hóa đa năng kiêu hãnh giữa mênh mông biển trời, món quà của tấm lòng CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam.


Lãnh đạo EVN và Bộ tư lệnh hải quân cắt băng khánh thành công trình nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Lớn C. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Sự thay đổi ở Trường Sa như ngày hôm nay là nhờ sự chung tay của cả nước. Điểm qua các “gương mặt” góp sức bồi đắp nên hình hài của những “cột mốc” chủ quyền trên biển này: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với công trình nhà văn hóa đảo Đá Lớn B; Tập đoàn Điện lực (EVN) với công trình nhà văn hóa đa năng đảo Đá Lớn C...
 
Những công trình này đã giúp cho ngư dân vào trú, tránh  bão và góp phần cho lính đảo “nối dài” công tác cứu hộ ngư dân gặp sự cố trên biển. Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn C rưng rưng khi nhận món quà đó của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Từ bãi san hô cạn đến khu nhà kiên cố kia, những người công binh phải dầm mình xuống những rặng san hô, đá ngầm sắc cạnh, vật lộn với từng cơn sóng dữ để tạo thế vững chãi cho những khối nhà neo lại trước sóng gió Trường Sa. Nước mắt, mồ hôi mặn hơn muối bể.
 
Thượng tá Vũ Quang Khoát- Lữ đoàn công binh 131cho biết, công trình Nhà văn hóa đa năng đảo Đá Lớn C có tổng diện tích 2.400m2, có bể nước ngọt, vườn rau, khu nghỉ ngơi, khu sinh hoạt văn hóa thể thao được trang bị đầy đủ thiết bị âm thanh và dụng cụ thể thao, có hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời… Công trình góp phần tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển lâu dài, khai thác hải sản và công tác cứu hộ cứu nạn trên biển.
 

Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải kiểm tra hệ thống điện mặt trời trên đảo Đá Lớn C. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Để xây dựng công trình Nhà văn hóa đa năng đảo Đá Lớn C, những người lính công binh, da thịt con người đấu với nước biển và nắng gió, đấu với đá hộc và sắt thép xi măng. Mỗi chuyến xuồng chở được khoảng 7 tấn, mỗi con tàu chở hàng trăm tấn vật liệu, lính công binh cứ thế dầm mình suốt ngày dưới nước truyền tải hết từng ấy số vật liệu hỏi có gian lao nào bằng. Quần đảo Trường Sa của Tổ quốc đang còn nhiều việc phải làm. Những bước chân không nghỉ của người lính công binh hải quân sẽ còn tiếp tục xây đảo chìm đảo nổi to cao lên mãi.
 
Tôi chợt nhớ câu nói của Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Có ra Trường Sa mới thấy chí cả của cha ông ta từ nhiều thế kỷ trước đã vượt sóng dữ để vun vén cho giang sơn. Nay ra Trường Sa đã thấy nhiều đổi thay về cảnh vật, duy chỉ có những con người Việt Nam là vẫn giữ cốt cách gan góc của cha anh. Xưa có Trường Sơn, nay có Trường Sa để thử thách bản lĩnh Việt Nam”.
 
Nhà văn hóa Đa năng là một tổ hợp của những công trình nhà ở; khu vui chơi, giải trí cho ngư dân; âu tàu trú tránh bão cung cấp các nhu yếu phẩm, thuốc men, rau củ quả, nước ngọt, lẫn sửa chữa tàu thuyền. Gần như các dịch vụ ở đây tất tật đều miễn phí. Bà con chỉ phải chịu phần chi phí máy móc hỏng hóc phải thay thế, giá dầu thì vẫn giữ nguyên như ở trên đất liền. Về lâu dài, đây là những “cứ địa” vững chắc, giúp ngư dân neo bám bền vững hơn, mạnh mẽ hơn trên vùng biển của Tổ quốc. 
 

Chiến sĩ trên đảo Đá Lớn C kiểm tra dụng cụ tập luyện thể thao trong Nhà văn hóa đa năng đảo Đá Lớn C. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Phát biểu tại Lễ khánh thành và bàn giao công trình Nhà văn hóa đa năng đảo Đá Lớn C, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải nói, được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân. Trong quá trình hình thành và phát triển 63 năm qua, ngành Điện lực cách mạng Việt Nam luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ giao trong việc đảm bảo yêu cầu cung cấp điện phục vụ phát triển đất nước, trong đó đã tích cực đóng góp về nhiều mặt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Không chỉ đáp ứng yêu cầu cung cấp điện phục vụ xây dựng và phát triển ở những thành phố, đô thị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo. Đến nay, số xã có điện trên cả nước đạt 99,96% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,95%. Tỷ lệ dân dùng điện ở nước ta hiện đã cao hơn một số quốc gia có điều kiện kinh tế bằng hoặc khá hơn Việt Nam như Indonesia, Philippines. Riêng về cấp điện cho huyện đảo, EVN đã đảm nhận cấp điện cho 9/12 huyện đảo và đang triển khai tiếp nhận quản lý vận hành hệ thống điện tại huyện đảo Trường Sa. Đối với các đảo có vị trí chiến lược trên biển (như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Cù Lao Chàm) đã được EVN đầu tư cấp điện lưới quốc gia để đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực thi đua lao động sản xuất, thực hiện nhiều công tác an sinh xã hội để tăng cường giáo dục truyền thống, ý thức chính trị trong đội ngũ cán bộ công nhân viên, và chương trình quyên góp tài trợ xây dựng nhà văn hoá đa năng, thăm và tặng quà trên huyện đảo Trường Sa là một chương trình vô cùng ý nghĩa đối với cán bộ nhân viên trong toàn Tập đoàn, góp phần chung tay “Cả nước vì Trường Sa, vì Biển đảo quê hương”. Do vậy, việc tài trợ ủng hộ cho Trường Sa nói riêng và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội, cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội nói chung là trách nhiệm, là nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Chính phủ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với đồng bào, với nhân dân. 
 

Vườn hoa trên đảo Đá Lớn C. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thay mặt quân và dân trên quần đảo Trường Sa, Chủ nhiệm kỹ thuật- quân chủng Hải quân, Đại tá Hoàng Ngọc Trác đón nhận món quà tình nghĩa của hơn 106 nghìn cán bộ công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đại tá Hoàng Ngọc Trác khẳng định, món quà sẽ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân và dân trên quần đảo. Chiến sĩ Trường Sa sẽ ấm lòng và vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió trước những tấm ân tình của đồng bào cả nước và luôn ý thức phải trân trọng và giữ gìn, sử dụng hiệu quả cao nhất món quà tiếp nhận từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như của các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp khác. Đồng thời, mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, động viên của đồng bào, đồng chí cả nước, vì một Trường Sa trường tồn và phát triển.
 
Giữa những lô nhô đảo chìm đảo nổi, Trường Sa đã có diện mạo mới của vùng biển chủ quyền với màu áo da cam của những người thợ điện, hứa hẹn một sự quần tụ của những thế hệ người Việt ở vùng phên dậu viễn đông.
 
Buổi chiều, đoàn công tác lên đảo Sinh Tồn. Nhìn từ xa, đảo Sinh Tồn trông giống như một dải cây xanh nổi bật lên giữa trời biển Trường Sa. Càng lại gần, sắc xanh ấy lại càng ngờm ngợp bóng cây phong ba, bàng vuông, cây dương..., với lô nhô những mái nhà ngói đỏ. 
 

Đảo Đá Lớn C. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Gọi là đảo nổi, nhưng chất liệu làm nên dáng hình của nó cơ bản vẫn là cát. Một thứ cát không phải tinh, mịn như cát ở trong đất liền, mà thô và hạt to hơn. Bước chân  lên đảo, chúng tôi rưng rưng về một miền đất máu thịt của dân tộc. Để có được những đảo nổi như thế trên biển, biết bao thế hệ người dân Việt Nam đã dầm mình trong nước biển dùng kè đá xếp lớp, trồng cây xanh, để bồi đắp, giữ đảo. Vì vậy, lính đảo ở đây coi cây xanh tựa như một thứ “đặc sản” trên đảo, che chắn trước những bão giông nổi lên từ biển. 
 
Chị Phan Thị Thương, một người dân sống trên đảo nói, gia đình chị đã sinh sống trên đảo 4 năm rồi. Vợ chồng chị sinh được 2 con gái, cháu lớn 6 tuổi và bắt đầu đi học. Cháu nhỏ 3 tuổi là công dân được sinh ra trên đảo. Cuộc sống của gia đình chị được sớm ổn định ngay sau khi lên đảo. Mặc dù đất trên đảo là cát san hô nhưng được sự hướng dẫn của anh em chiến sĩ, chị đã trồng được mướp hương, mướp đắng và rau xanh khác, nên trong từng bữa ăn của gia đình chị vẫn đầy đủ rau xanh.
 

Nhà văn hóa đa năng đảo Đá Lớn C do EVN tài trợ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thượng úy Trần Trọng Thái- Phó chỉ huy trưởng Trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật đảo Sinh Tồn cho biết, Trung tâm tiếp nhận âu tàu có sức chứa từ 40-50 lượt tàu vào trú bão. Từ tháng 2-2017, Trung tâm đưa thiết bị ra đảo và chỉ trong hơn 2 tháng, Trung tâm đã hỗ trợ cho 40 tàu đánh cá của ngư dân với việc hỗ trợ cấp nước ngọt miễn phí với hơn 100m3 nước, cung cấp 50 m3 dầu DO bằng giá dầu trong đất liền cho ngư dân, sửa chữa cho 12 lượt tàu đánh cá. Có 3 tàu nếu không có dịch vụ sửa chữa của Trung tâm sẽ phải kéo vào bờ và như vậy sẽ chi phí hết từ 200 đến 300 triệu đồng, đây thực sự là số tiền lớn đối với các ngư dân. Sắp tới, Trung tâm sẽ có những thiết bị để đáp ứng khả năng sửa chữa cấp nhỏ, có nghĩa sẽ sửa chữa được các chi tiết hệ thống của máy, trục và hệ thống động lực…
 
Thượng úy Trần Trọng Thái kể, ngư dân của 3 tàu này đã quay lại trong chuyến đi biển sau đó và gửi anh em trong Trung tâm ít cá, mực. Món quà bình dị nhưng đã khiến cho anh em Trung tâm cảm thấy ấm áp biết bao...Mối gắn kết và những biểu hiện tương tự giữa quân và dân trên vùng biển  này không phải là chuyện hiếm. Bên những cột mốc chủ quyền này còn có nhiều chuyện sắt son, nghĩa tình hơn thế. 
 
Bệnh xá đảo Sinh Tồn gồm 1 bác sĩ và 4 y sĩ, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã cấp cứu và điều trị an toàn cho 5 trường hợp ngư dân từ Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận và Quảng Nam gặp nạn trên biển. 
 
Đây là lần thứ 2 tôi đến với Trường Sa. Nhưng vẫn vẹn nguyên một cảm xúc đó là bồn chồn khi chưa đặt chân lên các đảo nổi đảo chìm và day dứt về khó khăn thiếu thốn, phần nhiều là những thiếu thốn về vật chất và tinh thần, mặc dù so với những năm trước đây đã dần dần đầy đặn. Ngay như tiếng chuông chùa và bóng dáng vị sư đều đặn tuần rằm sóc vọng đọc kinh kệ nơi Trường Sa thực là gần gũi và kỳ diệu lắm.
Thanh Mai/Icon.com.vn