EVN hướng tới mục tiêu huy động 5.000 tỷ – 10.000 tỷ năm 2006

Thứ năm, 20/7/2006 | 00:00 GMT+7

Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm đợt IV/2006, nâng tổng số vốn mà EVN huy động được qua phát hành trái phiếu từ đầu năm 2006 đến nay lên mức 2.900 tỷ đồng.

 

Từ nay đến 2010, EVN cần huy động một lượng vốn rất lớn và phát hành trái phiếu là giải pháp tối ưu

Dự kiến, đợt phát hành này sẽ diễn ra trong ngày 20/07/2006 và vốn huy động sẽ dùng để đầu tư xây dựng ba công trình thủy điện: Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Sê San 4, Thủy điện An Khê – Kanak. Khác với ba đợt phát hành diễn ra vào tháng 3, tháng 5 và tháng 7/2006 vừa qua, tổ chức đứng ra bảo lãnh đợt phát hành này là Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) và một ngân hàng nước ngoài – Ngân hàng ANZ Việt Nam.

Theo EVN, trái phiếu đợt này có mã EVNB0ND0406 có mệnh giá 100.000 đồng. Lãi suất trái phiếu dự kiến năm đầu: 9,5 %/năm và các năm sau bằng bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trả sau của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh công bố vào ngày trả lãi của kỳ trước + 1,2 %/năm. Lãi suất trái phiếu sẽ được trả theo phương thức trả lãi sau hàng năm vào ngày phát hành.

Với tổ chức tư vấn phát hành, lưu ký và đại lý thanh toán là Công ty chứng khóan Sài Gòn, chủ sở hữu trái phiếu sẽ được nhận lãi và gốc trái phiếu tại tài khoản lưu ký trái phiếu thông qua Công ty chứng khóan SSI. Khi trái phiếu được giao dịch trên Trung tâm giao dịch chứng khoán thì việc thanh toán gốc lãi được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trái phiếu không được thanh toán trước hạn và EVN không mua lại, không nhận cầm cố trái phiếu theo đề nghị của chủ sở hữu và không mua lại trên thị trường thứ cấp. Trái phiếu được chuyển quyền sở hữu dưới các hình thức mua, bán, cho, tặng, trao đổi. Trái phiếu được sử dụng làm tài sản cầm cố vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác.

Mục tiêu 5.000 – 10.000 tỷ đồng trong năm 2006

Với mục tiêu phát triển thành một tập đoàn kinh tế mạnh, EVN đã bước sang một giai đoạn phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ trong Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2001 – 2010 có xét đến triển vọng 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian từ năm 2005 - 2010, EVN cần huy động một lượng vốn đầu tư rất lớn, đòi hỏi các chính sách huy động vốn hợp lý và tối ưu nhất. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư của EVN giai đoạn 2005-2010 vào khoảng 255.111 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% nhu cầu vốn toàn ngành điện.

Theo ông Đặng Phan Tường, Trưởng ban CPH và chứng khoán của Tổng công ty điện lực VN (EVN), trong năm 2006, nguồn vốn huy động dự kiến qua phát hành trái phiếu là 5.000 tỷ đồng – 10.000 tỷ đồng.

“Nếu tính cả đợt 4 phát hành 900 tỷ đồng vào ngày 20/7 tới thì tổng vốn mà EVN đã huy động được qua trái phiếu đã đạt 2.900 tỷ đồng (3 đợt phát hành trái phiếu diễn ra vào tháng 3, tháng 5 và đầu tháng 7/2006 với giá trị tương đương là 350 tỷ đồng, 500 tỷ đồng và 1.150 tỷ đồng). Cùng với các đợt phát hành trái phiếu tiếp theo dự kiến thực hiện trong những tháng cuối năm 2006, hy vọng nguồn vốn huy động của EVN sẽ đạt từ 5000 tỷ – 10.000 tỷ đồng”, ông Tường cho biết.

Trong tháng 8 tới, EVN dự kiến phát hành thêm 1.850 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 500 tỷ đồng do Ngân hàng đầu tư và phát triển và Công ty chứng khoán BSC bảo lãnh, 600 tỷ đồng do Ngân hàng quốc tế và Công ty chứng khoán Bảo Việt bảo lãnh, 750 tỷ đồng do Ngân hàng ngoại thương và Công ty chứng khoán VCBS bảo lãnh. Ngay sau đó, khỏang 5.000 tỷ đồng trái phiếu EVN cũng sẽ do nhóm các ngân hàng như: HSBC, Ngân hàng An Bình, Deutschebank, Vinacapital bảo lãnh. Rất có thể, EVN sẽ tính đến việc phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, có thể là 7 năm, 10 năm và 15 năm.

Huy động vốn qua trái phiếu rẻ hơn đi vay

Ngoài các ưu điểm như quảng bá thương hiệu, quảng bá hình ảnh, tạo ra một kênh huy động vốn mới chủ động... thì việc huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp của EVN có thể huy động được nguồn vốn với chi phí thấp hơn so với vốn đi vay từ các ngân hàng thương mại.

Bằng việc phát hành trái phiếu, EVN có thể tiết kiệm được 1,55% trên tổng giá trị trái phiếu phát hành mỗi năm so với việc đi vay ngân hàng. Rõ ràng, huy động vốn qua phát hành trái phiếu rẻ hơn nhiều so với đi vay. Nhưng tại sao đến bây giờ EVN mới thực hiện?

“Trước đây, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là rất khó khăn. Hơn nữa, trước đây các hình thức huy động vốn mà EVN thực hiện thông qua vay ODA, vay ưu đãi ở quỹ hỗ trợ phát triển và các ngân hàng thương mại. Càng ngày việc đi vay này càng khó hơn và nguồn vốn vay ưu đãi đã không còn dồi dào nữa và EVN buộc phải tự lực và ra thị trường. Với định hướng ra thị trường đó, EVN lúc đầu chỉ xác định huy động được khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng song lúc bắt tay vào làm, khai thông dần và kết quả đạt được ngoài sự mong đợi”, ông Tường giải thích Với lãi suất năm đầu 9,5%-9,6%, trái phiếu EVN được xem là khá hấp dẫn và được các nhà đầu tư đón nhận, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức. Sự thành công ngoài dự kiến của các đợt phát hành trái phiếu trong năm 2006 đã khiến EVN càng phải tranh thủ tận dụng lợi thế của kênh huy động này bởi nó không những tiết kiệm chi phí khi huy động vốn mà còn là một trong những bước đệm trước khi EVN phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế.

Việc phát hành thành công trái phiếu EVN sẽ một lần nữa khẳng định sự tham gia của Tổng công ty điện lực Việt Nam trên thị trường tài chính trong nước, tiến tới việc phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế. Uy tín của Tổng công ty điện lực Việt Nam và những động thái tích cực từ thị trường tài chính sẽ giúp cho Tổng công ty có được một kênh huy động vốn chủ động và phù hợp với sự phát triển của ngành điện lực nói chung và Tổng công ty điện lực Việt Nam nói riêng.

 

Theo TBKTVN