Sự kiện

EVN sẽ cung cấp đủ điện cho vùng nông thôn, biên giới, hải đảo

Thứ hai, 21/12/2009 | 10:31 GMT+7

Từ tháng 6/2008-6/2010, EVN tiếp nhận lưới điện hạ áp ở 5300 xã hiện đang do các tổ chức khác quản lý để bán điện trực tiếp đến trên 6,6 triệu hộ dân khu vực nông thôn.

 

Ngày 12/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chính thức lấy ngày 21/12 hàng năm là "Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam". Ngày này của 55 năm trước (21/12/1954), Bác Hồ đã về thăm cán bộ công nhân viên Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ.

Với bề dày truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng tổ quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực điện khí hóa, xây dựng kinh tế đất nước.

Nhân sự kiện này, Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

PV:  Được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ đạo đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống, EVN đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trải qua 55 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, ngành Điện nói chung và EVN nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó nổi bật là: Không ngừng đầu tư các công trình nguồn và lưới điện với khối lượng và quy mô ngày càng lớn để mở rộng và nâng cao năng lực của hệ thống điện, giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo trong đảm bảo cung cấp điện, đáp ứng một cách cơ bản nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt với tốc độ tăng trưởng ngày một cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 1995-2008, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở nước ta luôn ở mức cao nhất trong khu vực và trên thế giới, bình quân đạt 15,06%/năm, đáp ứng tốc độ tăng trưởng bình quân GDP 7,49%/năm.

Tính đến cuối năm 2008, tổng công suất nguồn điện thuộc sở hữu và chi phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 10.719MW (chiếm 68% công suất toàn hệ thống điện). Sản lượng điện sản xuất năm 2008 là 53,093 tỷ kWh (chiếm 71,53% sản lượng điện toàn hệ thống). Nếu so sánh với khi tiếp quản cơ ngơi nghèo nàn từ tay người Pháp thì những con số trên đây là rất có ý nghĩa. 

Đầu tư điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa có bước phát triển vượt bậc, đến nay đã đạt tỷ lệ 100% số huyện, 97,32% số xã và 94,67% số hộ dân nông thôn có điện, góp phần quan trọng làm thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn trong công cuộc xoá đói giảm nghèo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, là minh chứng sống động thể hiện bản chất ưu việt của chế độ Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta, đồng thời ghi nhận nỗ lực lớn lao của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Điện. 

Hình thành và phát triển mạnh mẽ một đội ngũ thợ điện Việt Nam XHCN với số lượng đến nay là trên 93.000 người, trong đó trên 26% có trình độ đại học và sau đại học. Họ đều là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, kỷ luật, có trình độ, năng lực đủ sức làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống điện qui mô lớn, đóng góp vị trí xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành điện.

PV:  Một trong những nhiệm vụ quan trọng của EVN là chương trình đưa điện về nông thôn. Được biết, EVN đã vượt trước chỉ tiêu của Quốc hội về việc đưa số hộ dân có điện ở vùng sâu, vùng xa tới 2 năm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa có điện. Công tác này sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào? 

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đến nay, trên cả nước đã có 100% số huyện, 97,32% số xã và 94,67% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Tuy nhiên vẫn còn 251 xã, với trên 700.000 hộ dân nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa có điện. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai các dự án lớn như dự án cấp điện đến trên 1000 thôn, buôn ở 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, dự án cấp điện cho hơn 40.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng, các dự án cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên...

Để phấn đấu đến năm 2020, 100% số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện, ngoài nỗ lực của EVN, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc tìm kiếm nguồn vốn, ổn định dân cư bởi đây là những khu vực có địa hình khó khăn nhất trong đầu tư.

PV: EVN đang triển khai công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, cũng như đảm bảo an sinh xã hội?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng:  Tháng 6/2008, Hội đồng quản trị EVN ra Nghị quyết thông qua Chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến các hộ dân khu vực nông thôn của EVN. Mục tiêu của Chương trình là trong vòng 2 năm (từ tháng 6/2008 đến tháng 6/2010) sẽ tiếp nhận lưới điện hạ áp ở 5300 xã hiện đang do các tổ chức khác quản lý để bán điện trực tiếp đến trên 6,6 triệu hộ dân khu vực nông thôn. Tính đến hết năm 2009, EVN đã thực hiện tiếp nhận lưới điện ở trên 3000 xã và tổ chức ký hợp đồng bán điện trực tiếp cho gần 4 triệu hộ dân nông thôn.

Có thể nói, việc EVN tiếp nhận lưới điện để bán trực tiếp tới khách hàng dùng điện nông thôn đem lại hiệu quả rất lớn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, mang tính tổng hợp. Với chương trình này, sẽ giải quyết cơ bản những bất cập lâu nay trong quản lý và bán điện ở nông thôn của các tổ chức, cá nhân ngoài EVN khiến người dân bức xúc, đem lại lợi ích hài hoà cho khách hàng dùng điện ở nông thôn, lợi ích của EVN, lợi ích của Nhà nước và toàn xã hội nói chung, cụ thể:

Người dân nông thôn sẽ được sử dụng điện đúng với mức giá quy định của Nhà nước, trực tiếp được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Luới điện hạ áp nông thôn sau khi được bàn giao cho ngành điện sẽ được tiếp tục đầu tư cải tạo và duy tu bảo dưỡng nên sẽ đảm bảo chất lượng kỹ thuật và an toàn, năng lực truyền tải của lưới điện được nâng cao, đáp ứng yêu cầu về chất lượng điện và nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt và sản suất ngày càng gia tăng, đồng thời hạn chế tai nạn do điện ở địa phương.

Việc chuyển giao lưới điện hạ áp cho ngành điện thống nhất quản lý sẽ giúp chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài của các cá nhân, tổ chức quản lý điện nông thôn: Tình trạng quản lý lưới điện manh mún, không đáp ứng các quy định của pháp luật, thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật hạn chế làm cho lưới điện hạ áp ngày càng xuống cấp, không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, chất lượng điện không đảm bảo, tai nạn do điện cao, đo đếm điện năng thiếu chính xác, tổn thất điện năng lớn (từ 25 - 30%), đặc biệt là giá bán điện cao hơn nhiều so với quy định của Chính phủ, gây bức xúc cho người dân nông thôn.

Đối với EVN, điện sau khi tiếp nhận sẽ được cải tạo và duy tu sửa chữa thường xuyên, cùng với các biện pháp quản lý chuyên nghiệp chặt chẽ sẽ giảm quá tải, khiến hệ thống điện hoạt động an toàn, hiệu quả hơn. Việc giảm sự cố ở lưới điện nông thôn sẽ giảm nguy cơ gây sự cố lưới điện quốc gia do EVN quản lý. Ngoài ra, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện hạ áp nông thôn cũng có nghĩa là giảm sản lượng điện mà Chính phủ phải hỗ trợ, bán với mức giá thấp hơn giá thành sản xuất của EVN cho các khách hàng ở khu vực này, giảm áp lực trong việc đầu tư thêm các nhà máy điện mới, đồng thời giúp giảm lỗ và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN.

Đối với Nhà nước, việc người dân nông thôn được mua điện đúng giá quy định của Chính phủ góp phần thực hiện công bằng xã hội, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ thu nhập thấp thông qua giá điện được đưa đến đúng đối tượng, tạo nên niềm tin trong cộng đồng. Việc giảm tổn thất điện năng trên lưới điện sau khi bàn giao cho EVN quản lý sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng điện, qua đó góp phần tiết kiệm ngân sách, gìn giữ tài nguyên và bảo vệ môi trường.

PV:  Chúng ta đang triển khai xây dựng thị trường điện cạnh tranh, EVN có những đóng góp và kiến nghị gì để có được thị trường điện cạnh tranh trong hội nhập?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thị trường điện đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam, vấn đề này còn hết sức mới mẻ. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã sớm quan tâm nghiên cứu và triển khai thí điểm, ngay trong thời điểm mà tình hình cung ứng điện còn nhiều khó khăn. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, EVN đã có đóng góp tích cực cho quá trình triển khai thị trường điện ở Việt Nam, như: Cùng Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và đề xuất đưa vào Luật Điện lực và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ những nội dung định hướng và lộ trình thực hiện thị trường điện, lộ trình thị trường hoá giá điện, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển thị trường điện ở Việt Nam.

EVN đã trực tiếp thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh nội bộ trong các nhà máy điện của EVN từ tháng 1/2007, làm cơ sở thực tiễn giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước rút kinh nghiệm để thiết kế, xây dựng cơ chế quản lý, điều hành thị trường điện sau này.

EVN đã và đang thực hiện nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật cho triển khai thị trường điện như: hệ thống điều khiển SCADA/EMS ở các nhà máy, trạm biến áp, hệ thống đường truyền và công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm thanh toán, hệ thống giao dịch thị trường điện cùng hệ thống các phần mềm..., đồng thời thực hiện nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thị trường điện ở Việt Nam.

Tập thể lãnh đạo EVN đã có những ý kiến đóng góp cho dự thảo thiết kế Thị trường điện của Bộ Công Thương, đề nghị áp dụng thị trường theo giá (Price base).

Để thị trường phát điện cạnh tranh chính thức sớm đi vào hoạt động, khối lượng công việc cần thiết chuẩn bị còn rất nhiều. Chúng tôi mong Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt và ban hành Thiết kế định hướng thị trường phát điện cạnh tranh, làm cơ sở để EVN sớm triển khai đồng bộ các công tác xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp.

PV: Vậy tóm lại thành công của EVN năm 2009 là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng tôi đã đảm bảo được đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo: VOV