Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Quang Thành đã có cuộc trao đổi với PV Báo Công Thương về vấn đề này.
Xin ông cho biết đôi nét về thực trạng lưới điện hiện nay? Vì sao EVN lại coi năm 2012 là năm của truyền tải?
Hiện nay, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đang quản lý vận hành 4.329,6 km đường dây 500kV, 10.711,8 km đường dây 220kV, 349,4 km đường dây 110kV, 17 trạm biến áp 500kV có tổng dung lượng 13.950MVA, 71 trạm biến áp 220kV có tổng dung lượng 23.726MVA và 17 trạm biến áp 110kV có tổng dung lượng 2.931MVA. Qua tổng kết thực hiện Quy hoạch điện VI, việc đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải chỉ đạt trung bình 60%, do vậy trong một số thời gian cao điểm, lưới điện truyền tải phải vận hành trong tình trạng đầy và quá tải, có nguy cơ sự cố cao, gây áp lực lớn cho công tác quản lý vận hành và độ tin cậy cung cấp điện. Do vậy, năm 2012 EVN sẽ tập trung ưu tiên cho các công trình đầu tư lưới điện truyền tải, nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ cung ứng điện cho sự phát triển của đất nước.
Khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải là gì, thưa ông?
Việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải có nhiều khó khăn, nhưng chủ yếu là việc thu xếp vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Quy hoạch điện VII, giai đoạn từ 2011 đến 2020, cần khoảng 200.000 tỷ đồng cho đầu tư lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, do hiện nay chỉ tiêu nợ phải trả trên vốn điều lệ của NPT đã vượt quy định, dư nợ vay tại một số tổ chức tín dụng đã vượt giới hạn quy định, giá truyền tải chưa hợp lý...nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn cho các dự án.
Quá trình đền bù giải phóng mặt bằng cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Đặc thù của lưới điện truyền tải là đi qua nhiều địa phương, nhiều khu vực kinh tế và dân cư, trong khi đơn giá đền bù, phong tục tập quán, chính sách cụ thể của từng địa phương có sự khác nhau, nên quá trình thỏa thuận đền bù rất khó khăn. Mặt khác, sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch điện với các quy hoạch khác của địa phương cũng dẫn đến những phát sinh phải hiệu chỉnh, bổ sung, khiến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài.
Hiện EVN có những giải pháp gì để hỗ trợ NPT đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện?
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, EVN sẽ hỗ trợ tối đa để NPT đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải. Nhằm lành mạnh hoá tình hình tài chính của NPT, EVN đã đề nghị Bộ Tài chính tổ chức đánh giá lại giá trị tài sản, điều chỉnh tăng vốn điều lệ của NPT để đáp ứng điều kiện vay vốn. Tập đoàn cũng đã làm việc với các tổ chức tín dụng, ưu tiên tìm kiếm các khoản vay cho đầu tư lưới truyền tải, đồng thời trực tiếp bảo lãnh cho một số khoản vay của NPT. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ, các Bộ bổ sung quy hoạch, cơ chế trong thu xếp vốn, trong đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho NPT trong triển khai các dự án và đôn đốc các cơ quan quản lý liên quan rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt thủ tục đầu tư. Đối với các công trình đầu tư truyền tải trọng điểm, lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các địa phương có đường dây đi qua để thống nhất cơ chế phối hợp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời thường xuyên nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ông nhận định như thế nào về khả năng cung ứng điện cho đất nước trong những năm tới?
Căn cứ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015, để đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế, EVN đã tính toán các phương án đáp ứng nhu cầu điện theo các kịch bản tăng trưởng phụ tải điện. Qua cân đối cho thấy, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân giai đoạn 2013 - 2015 với phương án tăng trưởng phụ tải 13%, theo đó sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2015 dự kiến là 174,2 tỷ kWh, điện thương phẩm năm 2015 đạt 151,5 tỷ kWh.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, EVN cần phải đưa vào vận hành 42 tổ máy thuộc 20 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.594 MW (chiếm 58,3% tổng số các dự án nguồn điện của Quy hoạch điện VII). Khởi công 14 dự án nguồn điện với tổng công suất 12.410 MW để đưa vào vận hành 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Hoàn thành đưa vào vận hành khoảng 330 công trình lưới điện 220 - 500 kV với tổng chiều dài 15.250 km và tổng dung lượng TBA gần 50.000 MVA. Đầu tư lưới điện trung, hạ áp từ cấp điện áp 35kV đến 0,4 kV để đảm bảo năng lực phân phối điện. Nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 400.000 - 500.000 tỷ đồng.
Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn, nhất là trong điều kiện thu xếp vốn rất khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, EVN sẽ phấn đấu để đáp ứng tối đa nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Xin cảm ơn ông!