Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc Chu Công Sơn: Sáng kiến nhỏ hiệu quả lớn

Thứ ba, 20/3/2012 | 10:51 GMT+7
Trạm biến áp 220 kV Việt Trì thuộc Truyền tải điện Tây Bắc được đưa vào vận hành năm 2002 với công suất đặt ban đầu là 125 MVA, đến năm 2005 Công ty Truyền tải điện 1 đã lắp đặt thêm 1 máy biến áp số 2 công suất 125 MVA.

Để đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng cho tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và phía Bắc Hà Nội,  năm 2011, Trạm đã được thay mới máy biến áp AT1 220 kV-125 MVA bằng máy biến áp 220 kV-250 MVA. Trạm nhận điện từ đường dây 220 kV mua điện của Trung Quốc được cấp từ Trạm biến áp 220 kV Tân Kiều (Trung Quốc) qua Trạm biến áp 220 kV Lào Cai và Yên Bái.

Để đảm bảo vận hành, năm 2007 Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Truyền tải điện 1 đã đầu tư lắp đặt hệ thống bù SVC (Static Var Compensator) tại Trạm biến áp 220 kV Việt Trì có nhiệm vụ bù tự động công suất phản kháng. Hệ thống bù SVC tự động phát hoặc nhận công suất Q để giữ ổn định điện áp hệ thống dựa vào việc điều khiển Thyristor làm thay đổi dòng qua kháng. Hệ thống bao gồm các bộ tụ bù ngang tổng công suất 50 MVAr, bộ kháng 100 MVAr, điều khiển công suất kháng gồm 96 Thyristor với 96 main, làm mát Thyristor bằng nước đã khử Ion được dẫn bởi hệ thống cút nhựa và ống nhựa. Trải qua quá trình vận hành, hệ thống ống nhựa dẫn nước làm mát Thyristor bị hư hỏng chảy nước vào các Main điều khiển dẫn đến bị chạm chập, hư hỏng hoặc cháy Main làm cho hệ thống SVC ngừng vận hành. Để đảm bảo vận hành, Trạm đã phải mua mới các Main điều khiển Thyristor với giá hơn 100 triệu đồng/main. Chỉ riêng tại Trạm biến áp 220 kV đã có 3 tủ đựng Thyristor, trong đó đặt Main điều khiển chung, tổng cộng 96 Main. Mỗi lần hư hỏng lại gây thiệt hại không nhỏ, hơn thế nữa luôn rơi vào tình trạng mất an toàn trong quá trình vận hành.

Với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cũng như an toàn toàn cho thiết bị, ông Chu Công Sơn - Giám đốc TTĐ Tây Bắc ngày đêm trăn trở suy nghĩ. Cuối cùng ông cũng tìm và đưa ra giải pháp rất hữu hiệu mà chi phí rất thấp. Ngay tại các tủ đặt Main điều khiển, ông đã mua tấm mica dày 2 ly, kích cỡ 1,1m x 0,84 m, tiến hành lắp thêm tấm mica cách điện để ngăn cách hệ thống Main điều khiển với hệ thống làm mát cho các van Thyristor. Trước khi lắp đặt các tấm mica được đơn vị thử cách điện cao áp, được tính toán lắp đặt sao cho hệ thống làm mát bị hỏng nước không phun vào hệ thống Main điều khiển.

Trước khi có sáng kiến này, Trạm biến áp 220 kV Việt Trì đã hỏng và thay 08 Main điều khiển khiển thiệt hại trên 800 triệu đồng và ngừng cung cấp điện SVC 8 lần, tổng thời gian ngừng cung cấp là 16h. Trong mỗi giờ SVC ngừng cung cấp hệ thống mua điện Trung Quốc phải mang tải thấp đi khoảng khoảng 60MW x 16h=960MW. Sau 17 tháng thực hiện sáng kiến lắp đặt tấm mica ngăn cách hệ thống Main điều khiển với hệ thống làm mát vẫn chưa có tấm Main nào bị hư hỏng. Chi phí mua tấm mica để phục vụ cho sáng kiến này khoảng một trăm nghìn đồng/tấm đã tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đồng. Nếu không có sáng kiến này của giám đốc Chu Công Sơn, chỉ tính riêng cút nước hỏng phun vào Main làm hỏng toàn bộ 96 Main sẽ phải mua thay tổng tiền tốn kém khoảng 9,6 tỷ đồng.

Thực hiện giải pháp này sẽ tránh được hư hỏng Main điều khiển van Thyristor khi hệ thống làm mát bị hư hỏng, quan trọng hơn đó là nâng cao khả năng mang tải, cải thiện chất lượng điện năng và góp phần ổn định hệ thống điện. Đến nay, sáng kiến nhỏ mang lại giá trị lớn của ông Chu Công Sơn đã được Công ty Truyền tải điện 1 công nhận cho áp dụng sáng kiến nay tại các trạm có hệ thống tương tự Trạm biến áp 220 kV Việt Trì.
 
Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia