|
Sửa chữa máy biến áp ngay tại hiện trường. |
Sau gần 20 năm hệ thống điện siêu cao áp 500kV đi vào vận hành, các MBA 500 kV ở Việt Nam thường xuyên phải hoạt động trong trạng thái đầy tải, quá tải nên xuống cấp khá nhanh. Tình trạng này dẫn đến sự cố ở nhiều MBA, gây ngừng cung cấp điện trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống xã hội. Phức tạp nhất là hầu hết các máy này đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, mỗi khi sửa chữa, bảo dưỡng MBA 500kV, các đơn vị phải mời chuyên gia nước ngoài, hoặc chuyển về nơi sản xuất để sửa chữa, rất tốn thời gian và tiền bạc
Trăn trở trước tình trạng này, kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng – Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 - đã cùng cộng sự nghiên cứu quy trình sửa chữa, bảo dưỡng MBA 500kV tại chỗ. Sau 2 năm nghiên cứu, đến năm 2011, MBA 500kV đầu tiên đã được sửa chữa, bảo dưỡng thành công tại trạm 500kV Đà Nẵng, cuối năm 2011, 2 MBA 500kV tại Hòa Bình cũng tiếp tục được sửa chữa theo phương án này.
Giải pháp chính của đề tài là dùng dầu biến áp được làm nóng đến 85OC ở ngoài để đưa vào, bơm hút tuần hoàn và gia nhiệt cho toàn bộ các phần tử bên trong MBA, duy trì môi trường chân không trong 24 giờ để hút tuyệt đối độ ẩm ngấm vào trong cách điện MBA. Khi đó, toàn bộ các tạp chất, các loại khí, nước sẽ bị hút, đào thải ra ngoài và làm tinh khiết tuyệt đối chất cách điện trong MBA. Theo kỹ sư Dũng, phương pháp này an toàn, không bị nóng cục bộ nên không làm hư hỏng các phần tử trong MBA, thời gian bảo dưỡng cho một MBA được rút ngắn từ 15 tháng xuống còn 15 ngày. Đặc biệt, việc bảo dưỡng tại hiện trường sẽ hạn chế di chuyển MBA, giảm các hiệu ứng phát sinh bên trong máy, hiệu quả mang lại cao, khắc phục nhanh các hỏng hóc, có thể tiến hành bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên để kéo dài tuổi thọ MBA.
Theo kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng, khó khăn nhất là các MBA 500 kV được nhập từ nhiều hãng sản xuất khác nhau như: JST, Areva, Alstom, ZTR, Toshiba, TBEA, ABB, HFMJAPSE… Do công nghệ chế tạo khác nhau nên kích thước, trọng lượng và kết cấu của mỗi máy cũng khác nhau. Trong khi điều kiện mở máy thực hiện quá trình bảo dưỡng rất nghiêm ngặt. Chỉ một chút sơ suất là có thể làm ảnh hưởng đến kết cấu của máy. Trước đây, nhiều đơn vị đã không thành công khi sử dụng giải pháp sấy bằng nhiệt hoặc dùng điện đốt nóng dây dẫn do nhiệt tải vào không đều nên đã làm hư hỏng cục bộ một số phần tử trong MBA.
Từ thành công ở trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng và Hòa Bình, nhóm đề tài đã tổng hợp nghiên cứu, biên soạn quy trình bảo dưỡng chung cho các MBA 500 kV và có thể áp dụng rộng rãi trong các công ty truyền tải điện. Ngoài việc sửa chữa tại chỗ MBA 500 kV, Công ty Truyền tải điện 2 còn áp dụng giải pháp này để bảo dưỡng các MBA 110, 220kV cho kết quả tốt. Kỹ sư Dũng cho biết, chỉ riêng Công ty Truyền tải điện 2 đã có gần 1.000 MBA các loại. Việc áp dụng giải pháp bảo dưỡng tại chỗ sẽ làm lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tính chung cả nước sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, giải pháp này đã giúp ngành điện chủ động kiểm soát thời gian trong công tác quản lý vận hành và cung cấp điện, ngăn ngừa hư hỏng sự cố trước mắt, góp phần quan trọng cung ứng ổn định của dòng điện quốc gia trên cả nước, đồng thời tăng tuổi thọ cho MBA.
Hiện nay, các công ty truyền tải điện trong cả nước đã áp dụng kỹ thuật mới nói trên và đang được nhân rộng để áp dụng trên toàn hệ thống lưới điện VN.
Dự kiến năm 2012, ngành điện sẽ áp dụng đại trà kỹ thuật này trong bảo dưỡng, sửa chữa MBA.
Tại cuộc thi sáng tạo công nghệ Việt Nam-Vifotec 2011, công trình khoa học “Lập quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500kV” của kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng đã được ban tổ chức đề cử tặng thưởng huy chương vàng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.