Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm - là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thủ tướng yêu cầu trong tháng 3, các bộ, ngành phải hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ được giao. Khi Chương trình Phục hồi được thúc đẩy, các doanh nghiệp đang tăng cường hoạt động sản xuất để bù lại quãng thời gian vừa qua thì lại có thực tế là năm 2022 này, khu vực miền Bắc chưa được bổ sung thêm nhiều nguồn điện mới và có công suất lớn để đáp ứng mức tăng trưởng cao. Như vậy, nếu khả năng khó đáp ứng được nhu cầu về điện, tốc độ phục hồi có thể bị ảnh hưởng?
Chia sẻ về câu chuyên cung ứng điện tại miền Bắc trong năm 2022 tại Hội thảo Phục hồi và phát triển kinh tế 2022 - 2023: Tăng tốc tiếp sức doanh nghiệp” vừa diễn ra sang nay, ngày 25/3/2022 tại tòa soạn Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đức Thiện – Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết: Là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc có nhiệm vụ kinh doanh bán điện trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc, chiếm 47% diện tích quốc gia, đang thực hiện cung cấp điện cho hơn 46 triệu dân khu vực từ Hà Tĩnh trở ra, trừ Hà Nội. Từ khi đại dịch Covid - 19 xảy đến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng gặp không ít khó khăn trong công tác tổ chức sản xuất kinh doanh. Để đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, trong hai năm qua, Tổng công ty đã có phương án linh hoạt trong tùy tình huống, tùy cấp độ dịch ở các địa phương để đảm bảo cung ứng điện cho khu cách ly chống dịch, bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cũng như điện cho phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Thích ứng linh hoạt, an toàn
Trong thời gian qua, tuy lực lượng lao động của Tổng công ty không bị ảnh hưởng do đứt gẫy chuỗi cung ứng, nhưng do thực hiện giãn cách vì dịch bệnh, vào những thời điểm nhất định trong thời gian qua Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng có những lúc thiếu hụt lực lượng lao động đặc biệt là lao động trực tiếp ngoài hiện trường, thiếu lao động đủ sức khỏe tham gia các công việc nặng nhọc, độc hại, lao động làm việc trên cao (chiếm hơn 50% lực lượng lao động toàn Tổng công ty) nhưng đơn vị cũng đã bố trí các phương án thích nghi nhằm đảm bảo chống dịch cũng như duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Năm 2022 với nhận định đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc và với việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, dự kiến các doanh nghiệp sẽ phục hồi sản xuất, đòi hỏi nhu cầu về cung cấp điện sẽ tăng cao. Do vậy, ngay từ cuối năm 2021, EVNNPC đã xây dựng kế hoạch sớm đưa vào vận hành các công trình lưới điện mới, các dự án nâng cấp, cải tạo lưới điện. Tổng công ty đã khởi công được 88 dự án, đóng điện 86 dự án lưới điện 110kV với dung lượng tăng thêm 2.528 MVA. Cũng trong năm 2021, Tổng công ty đã khởi công 602 dự án và đóng điện 530 dự án lưới điện trung thế. Năm 2022 dự kiến khởi công 97 dự án, đóng điện 81 dự án lưới điện 110kV và khởi công hàng trăm các án dự lưới điện trung hạ thế, các dự án chống quá tải, nâng công suất.
Cung ứng điện miền Bắc năm 2022: Nhìn trước những khó khăn
Nói về khả năng sẽ phải vận hành cung ứng điện trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thiện cho biết: Căn cứ nhu cầu phát triển trong năm 2020-2021, dù dịch bệnh như vậy nhưng miền Bắc vẫn là điểm nóng về tăng trưởng phát triển kinh tế, trong đó tăng trưởng về điện vẫn là thước độ để đánh giá sự phát triển của nền kinh tế. Năm 2021, Tổng công ty Điện lực miền Bắc là đơn vị đứng đầu trong 5 Tổng công ty Điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị đạt mức tăng trưởng điện thương phẩm là 9,31%, trong khi đó một số khu vực của miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm. Xác định mức tăng trưởng ở miền Bắc vẫn sẽ duy trì trên 9%/năm nên nguy cơ thiếu điện miền Bắc vẫn sẽ diễn ra, tuy nhiên sẽ là thiếu điện cục bộ vào các ngày thời tiết cực đoan.
Ông Thiện giải thích thêm, về cơ bản hệ thống điện Quốc gia vẫn đảm bảo cấp điện cho phụ tải miền Bắc trong năm 2022. Tuy nhiên, dự báo vào mùa hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng, phụ tải tăng cao đột biến, hơn nữa sau khi đại dịch Covid – 19 được khống chế, các ngành kinh doanh dịch vụ sẽ phát triển trở lại nên tổng công suất cao nhất (Pmax) hè năm 2022 dự báo tăng trưởng từ 12 – 15%, có thể đạt 16.500 – 16.950 MW (tăng gần 2000 MW so với mùa nắng nóng 2021). Trong khi đó sự bổ sung nguồn điện so với năm 2021 tại miền Bắc chỉ xấp xỉ khoảng 1000 MW và năng lực truyền tải của đường dây 500kV Bắc Trung vẫn giống như năm ngoái (giới hạn các mạch Hà Tĩnh – Đà Nẵng, Vũng Áng – Đà Nẵng, Hà Tĩnh – Nho Quan truyền tải tối đa khoảng 1.800 MW). Ngoài ra, lượng công suất mua điện Trung Quốc cũng bị hạn chế (chỉ mua được Pmax gần 540MW vào tháng 05 – 06). Do đó, dự báo trong các ngày nắng nóng cực đoan này sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm (trưa từ 12h00 -15h00, tối từ 21h00 -24h00).
Điều chỉnh phụ tải, giải pháp đảm bảo cung ứng điện cần sự chung tay của khách hàng
Do vậy, để đảm bảo an ninh cung cầu, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã xây dựng các phương án điều chỉnh phụ tải (DR), làm việc với chính quyền địa phương và các khách hàng lớn về việc DR, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhằm dịch chuyển việc sử dụng điện sang các giờ thấp điểm và bình thường, thời gian ca kíp; ưu tiên cho các phụ tải loại 1 và phụ tải sinh hoạt.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ tập trung 3 nhóm giải pháp vừa linh hoạt vừa toàn diện với mong muốn đảm điện cho các khách hàng, đó là: Về công tác chỉ đạo điều hành, Tổng công ty và các đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên. Xây dựng tiêu chí và phân bổ công suất cho các Công ty Điện lực (CTĐL) đảm bảo việc phân bổ công suất: Công bằng, minh bạch cho các đơn vị. Theo dõi, đánh giá việc thực hiện của các đơn vị; Chỉ đạo các Công ty Điện lực làm việc với các khách hàng có máy phát dự phòng để sẵn sàng cam kết huy động khi thiếu nguồn hoặc khi mất cân bằng cung cầu.
Giải pháp đối với công tác chuẩn bị vận hành: Các Công ty Điện lực đã xây dựng kịch bản và báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương, gửi UBND các Quận/Huyện/Thị xã về phương án vận hành khi mất cân bằng cung cầu; đôn đốc các đơn vị khẩn trương đưa các trạm biến áp 110 kV và xuất tuyến trung áp, các công trình chống quá tải vào vận hành theo đúng tiến độ đã đề ra (trước 30/4/2022). Trong quý I/2022, Tổng công ty đóng điện 24 dự án lưới điện 110 KV với tổng dung lượng tăng thêm 547 MVA, gồm: Có 9 ĐZ và TBA 110 kV mới; 5 dự án nâng cao năng lực truyền tải; 3 xuất tuyến đường dây 110 kV sau trạm 220 KV; 2 dự án nâng công suất MBA; 3 Dự án tụ bù với tổng dung lượng bù 121 MVAr; 01 dự án thay MBA và hoàn thiện sơ đồ.
EVNNPC sẽ phối hợp với Công ty Mua bán điện sẵn sàng để thực hiện mua điện Trung Quốc với dung lượng khoảng 540MW vào tháng 5, 6/2022. Tổng công ty sẽ làm việc với chủ đầu tư các Nhà máy thủy điện nhỏ ký bổ sung phụ lục hợp đồng mua bán điện để dịch chuyển giờ phát cao điểm của các nhà máy thuỷ điện nhỏ, khi đó các nhà máy thuỷ điện nhỏ sẽ tích nước, phát huy động công suất tối đa vào các giờ cao điểm, giảm áp lực thiếu công suất vào các giờ cao điểm.
Với những giải pháp chủ động giao kế hoạch, thực hiện đầu tư đúng tiến độ, có trọng điểm các công trình điện trên các địa bàn quản lý, đồng thời sẵn sàng cho công tác quản lý vận hành, chuẩn bị sẵn các vật tư, thiết bị dự phòng để thực hiện mục tiêu cao nhất của Chính phủ là đảm bảo cấp điện cho các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, trong tình huống bất khả kháng và thời tiết cực đoan có thể điện lực sẽ phải tiết giảm, rất mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ của khách hàng.