Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn phát biểu kết luận hội nghị.
Cùng chủ trì hội nghị có ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Phi Sông - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương.
Những năm qua, công tác đầu tư phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện trên địa bàn tỉnh được Trung ương, Bộ Công Thương và tỉnh quan tâm, trong quá trình triển khai thực hiện, thu hút các nhà đầu tư tại tỉnh. Đến tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh có 18 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, sản lượng điện sản xuất trung bình đạt trên 700 triệu kWh/năm, tổng tiền thu được khoảng trên 80 tỷ đồng/năm gồm thuế VAT, thuế tài nguyên nước và trên 26 tỷ đồng/năm từ phí dịch vụ môi trường rừng.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 06 dự án thủy điện đang thi công xây dựng; 18 dự án thủy điện được UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư; 16 dự án được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư; 16 dự án thủy điện tiềm năng (dự án ngoài quy hoạch) được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát. Các dự án phát triển điện gió được UBND tỉnh chấp thuận cho phép các Nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu, khảo sát đề xuất bổ sung quy hoạch 13 dự án điện gió với tổng công suất lắp máy dự kiến 2.200MW. Tất cả các dự án nguồn điện đều được rà soát, cập nhật trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại cuộc họp, ông Phùng Bảo Anh – Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (thuộc EVNNPT) cho biết: Hiện nay NPMB được giao thực hiện 2 dự án truyền tải trên địa bàn tỉnh gồm TBA 220kV Điện Biên và đường dây 220kV Sơn La – Điện Biên. Đây là các dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo điện cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt là giải tỏa công suất nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo với công suất lớn trên địa bàn tỉnh lên hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, đến nay cả 2 dự án vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể TBA 220kV Điện Biên mặc dù đã phát lệnh khởi công từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai thi công do vướng mắc mặt bằng. Tại hội nghị, NPMB kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chỉ đạo UBND thành phố Điện Biên Phủ sớm giải quyết các vướng mắc liên quan đến hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng; Ban hành quyết định phê duyệt các chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất đối với các hộ dân góp đất trồng cây cao su và hỗ trợ di chuyển mồ mả trong tháng 9/2023. Đồng thời yêu cầu Công ty Cao su Điện Biện nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công theo phương án được duyệt.
Đối với dự án Đường dây 220kV Sơn La – Điện Biên đã được EVNNPT duyệt thiết kế kỹ thuật, đến nay dự án đang triển khai hoàn thành công tác đo vẽ phục vụ công giải phóng mặt bằng (GPMB) và công tác lựa chọn nhà thầu để chuẩn bị triển khai các gói thầu liên quan. Hiện nay, EVNNPT đang tập trung nguồn lực, nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án trong năm 2024. Tuy nhiên, Dự án tiềm ẩn nhiều vướng mắc trong công tác GPMB, vì vậy NPMB kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên sớm ban hành giá đất cụ thể cho Dự án; chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với phần hành lang an toàn dưới đường dây và sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất bổ sung cho Dự án. Chỉ đạo Sở NN & PTNT tổ chức xác định chi phí đầu tư trồng lại diện tích rừng trồng đang trong thời gian đầu tư chưa thành rừng.
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương kiểm tra, đôn đốc Chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo Quyết định chủ trương đầu tư/Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Liên quan đến các vấn đề về đền bù giải phóng mặt bằng, đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường của các dự án giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc hướng dẫn chủ đầu tư các dự án trong tổ chức triển khai thực hiện.
Đối với dự án đường dây truyền tải điện, giao Sở Công thương làm đầu mối, thường xuyên trao đổi, phối hợp với chủ đầu tư dự án nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn, kịp thời đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền.