Vì sao các dự án giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong 1 đảm bảo tiến độ?

Thứ tư, 11/1/2023 | 14:07 GMT+7
Cụm dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 gồm: Trạm biến áp (TBA) 500 kV Vân Phong và đấu nối; Đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân; Đường dây 500 kV đấu nối TBA 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân. Đây là các dự án quan trọng, cấp bách hàng đầu cần ưu tiên tập trung nguồn lực để quản lý điều hành. 

Vị trí cột 51.

Sau hơn 1 năm thi công, TBA 500 kV Vân Phong và đấu nối đã hoàn thành đóng điện ngày 28/11/2022, Đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân và Đường dây 500 kV đấu nối TBA 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân đã đóng điện ngày 30/12/2022, vượt tiến độ được giao.
 
Dự án “về đích” đúng thời hạn được đánh giá không chỉ giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tránh bị phạt 1 triệu USD/ngày, tạo được hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam với sự tin cậy trước các nhà đầu tư quốc tế mà còn khẳng định năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ, kỹ sư tham gia thực hiện dự án. 

Có được kết quả này theo đánh giá của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc ngay từ khi Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (BCNCKT) dự án được phê duyệt; triển khai ngay các đoàn công tác của EVN/Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT)/Ban QLDA và các đơn vị liên quan để làm việc với các địa phương cấp tỉnh. EVNNPT/Ban QLDA và các đơn vị cũng triển khai chi tiết đến các sở ban ngành/địa phương cấp huyện. Ban QLDA và các đơn vị triển khai đến cấp xã. Đồng thời có sự vào cuộc quyết liệt của Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, sự tham gia và chỉ đạo thường xuyên của chính quyền địa phương các cấp; sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của Nhà đầu tư.  

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết, cùng với thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) song song với quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp; rà soát để có các phương án điều động, bổ sung thiết bị trong trường hợp vật tư thiết bị chậm, CPMB còn xem xét cụ thể  các nhà thầu tham gia trên công trường để có phương án điều chuyển, bố trí thi công phù hợp đảm bảo mục đích hoàn thành đồng thời dự án...

Ngoài việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành dự án tập trung đôn đốc, chỉ đạo điều hành đảm bảo các mốc tiến độ theo phê duyệt và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chất lượng theo quy định, CPMB còn thành lập 4 Ban Tiền phương, đặt tại các huyện, thị của 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận; trong đó Trưởng Ban Tiền phương được quyền triệu tập, chủ trì các cuộc họp điều độ trong Ban Tiền phương, các nhà thầu và các đơn vị liên quan để giải quyết các vướng mắc và bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công.

Một trong những giải pháp hiệu quả nhất qua từng dự án trọng điểm mà CPMB triển khai là tổ chức tốt hoạt động của các Ban Tiền phương. Cụ thể, ngay sau khi nhận được bàn giao mặt bằng từng vị trí móng, khoảng cột, khoảng néo, Bộ phận kỹ thuật của các Ban Tiền phương phối hợp các đơn vị thi công lập tiến độ thi công chi tiết các hạng mục công việc theo ngày; trong đó có cả bố trí nhân lực, dụng cụ, thiết bị thi công…. Trên cơ sở đó, Ban Tiền phương điều độ hằng ngày với các đơn vị thi công để kiểm điểm tiến độ, đề xuất thống nhất các giải pháp giải quyết các vướng mắc trong ngày hôm sau liên quan đến BTGPMB, cung cấp và xử lý tồn tại về vật tư thiết bị, thi công, nhân sự, dụng cụ thi công.... Đối với các vướng mắc ngoài tầm xử lý, các Ban Tiền phương kịp thời báo cáo với cấp trên để có chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo tiến độ được kiểm soát.

Trong giai đoạn khảo sát chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Ban QLDA phối hợp với tư vấn thiết kế và tư vấn chuyên ngành làm việc với các đơn vị quản lý rừng, chủ rừng xác định mức độ ảnh hưởng bởi dự án, xem xét việc thiết kế giảm thiểu việc ảnh hưởng rừng; đôn đốc tư vấn sớm hoàn tất hồ sơ và trình các cấp địa phương để trình cấp có thẩm quyền xin chủ trương. Nhờ vậy, sau 3 tháng kể từ khi các tỉnh trình, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua đối với rừng tự nhiên, HĐND tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

CPMB cũng thiết lập mối quan hệ với các cấp từ đảng ủy, chính quyền để cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đề xuất các biện pháp giải quyết trong bồi thường giải phóng mặt bằng; tiếp cận cùng chính quyền từ cấp xã/huyện để tuyên truyền, vận động, giải thích,... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng.

Đối với việc lập phương án bồi thường chiếm đất vĩnh viễn và hỗ trợ hành lang tuyến, đơn vị rà soát chế độ, chính sách, ngay từ ban đầu cần phải tính đúng, tính đủ theo đúng các quy định của Chính phủ và địa phương, đảm bảo quyền lợi hài hòa của các bên, tránh xảy ra khiếu kiện phải kiểm tra lại nhiều lần. Đồng thời, phải thực hiện dứt điểm từng vị trí móng, từng khoảng cột, từng địa phương; xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện hợp lý, tăng cường nhân lực đẩy nhanh việc lập phương án bồi thường theo kế hoạch thi công của từng nhà thầu. Các thủ tục kê kiểm, áp giá,...niêm yết… được làm đúng trình tự quy định ngay từ đầu, trong những trường hợp cụ thể cần hỗ trợ lực lượng thi công hoặc cưỡng chế thì đã có đủ hồ sơ, rút ngắn được thời gian. 

Với những vị trí móng thi công khó khăn có khả năng kéo dài thời gian hoàn thành, CPMB ưu tiên tập trung lực lượng, xây dựng phương án để triển khai ngay từ giai đoạn đầu của từng gói thầu. Các vị trí có thể mở đường vận chuyển qua rừng trong điều kiện cho phép, Nhà thầu xây lắp khảo sát xây dựng ngay phương án đường tạm và liên hệ với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương xin thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng (hoặc trồng rừng thay thế) song song với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Chủ đầu tư.

CPMB còn đàm phán với các nhà thầu để rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng. Phối hợp các Nhà thầu chế tạo cột ưu tiên sản xuất trước chi tiết stub bar để thực hiện đào đúc móng khi có mặt bằng; tổng hợp số lượng loại cột trên các vị trí móng dự kiến hoàn thành trước và ưu tiên chế tạo cột để lắp dựng. 

Các Nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát cũng đều thành lập Ban chỉ huy công trường/Tổ công tác tư vấn giám sát tương ứng với từng đoạn tuyến và phối hợp với các Ban Tiền phương của CPMB để điều hành tiến độ tại công trường, đảm bảo hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ được duyệt.

Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, theo Quy định của Nhà nước, EVN và EVNNPT, CPMB tăng cường lực lượng chỉ đạo và giám sát kỹ thuật tại công trường; quản lý chặt hợp đồng với các nhà thầu, hàng tuần thường xuyên có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện của các gói thầu theo quy định, đề xuất cảnh báo các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của dự án. Giám đốc CPMB trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường và giải quyết kịp thời các vướng mắc với các đơn vị liên quan, từ đó huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường.

Chia sẻ về một trong những kinh nghiệm để triển khai các dự án điện trọng điểm đảm bảo tiến độ, Giám đốc Nguyễn Đức Tuyển cho rằng, đó là sự phối hợp tốt của các đơn vị tham gia dự án. Tại các dự án này, các đơn vị thi công xây lắp trên tuyến, năng lực và kinh nghiệm thi công có sự chênh lệch, trong một số trường hợp cụ thể và giai đoạn nước rút, cần có sự phối hợp vì mục tiêu chung để công trình về đích cùng một thời điểm, nhất là sự hỗ trợ giữa các đơn vị xây lắp, của các đơn vị thuộc Công ty Truyền tải điện 3, Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện cho các đơn vị chậm và sự phối hợp nghiệm thu trên toàn tuyến, sau khi thi công xong thì việc nghiệm thu cũng được hoàn thành.

Đặc biệt, trên cơ sở khối lượng công việc cần phải thực hiện, CPMB lập kế hoạch và yêu cầu các đơn vị liên quan cần phát huy nhân lực, vật lực, nêu cao tinh thần tự giác trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan và ký cam kết tiến độ thực hiện 365 ngày đêm (25/12/2021-25/12/2022) để xây dựng và hoàn thành các dự án.


 

Mai Phương