GIZ chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ truyền tải điện một chiều HVDC

Thứ sáu, 17/11/2023 | 09:55 GMT+7
Ngày 16/11/2023, tại Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ Việt Nam) tổ chức Hội thảo kỹ thuật chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ truyền tải điện một chiều cao áp - HVDC.

Hội thảo kỹ thuật chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ truyền tải điện một chiều cao áp – HVDC do EVNNPT phối hợp với GIZ Việt Nam tổ chức.

Ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT và ông Markus Bissel - Giám đốc Chương trình đối tác năng lượng Việt Nam – CHLB Đức tại GIZ Việt Nam chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất EVN, ông Võ Hoài Nam – Thành viên HĐTV EVNNPT, đại diện các Ban chuyên môn, các đơn vị thuộc EVNNPT, các đơn vị tư vấn.

Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia tới từ các công ty, viện nghiên cứu danh tiếng có kinh nghiệm về công nghệ HVDC trên thế giới, gồm: Siemens Energy, Hitachi Energy, DNV, Tổng công ty Điện lực Pháp (EDF), Tổng công ty Truyền tải điện Úc (Transgrid), Tổng công ty Điện lực Bangladesh (Power Grid Company of Bangladesh Ltd - PGCB), Phòng Thí nghiệm trọng điểm điện cao áp - Viện Năng lượng (HVLab).

Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Thụy Điển, Đoàn đại biểu GIZ Bangladesh.

Lãnh đạo EVNNPT, đại diện các Ban chuyên môn của EVNNPT chụp ảnh cùng với đại diện GIZ Việt Nam và các diễn giả.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVNNPT - Lưu Việt Tiến cho biết: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 05/2023 định hướng xây dựng 5.200 - 8.300km đường dây và 40.000 – 60.000 MW dung lượng trạm biến áp siêu cao áp một chiều trong giai đoạn 2031 - 2050. Trong bối cảnh phát triển 70.000 – 91.500MW nguồn điện gió ngoài khơi đến 2050 thì việc ứng dụng HVDC là cần thiết nhằm tăng khả năng truyền tải xa, giảm tổn thất điện năng, tăng độ ổn định cho hệ thống điện, giảm diện tích đất sử dụng cho hành lang lưới điện. Vì vậy công nghệ lưới điện truyền tải cao áp một chiều HVDC được chứng minh là một giải pháp tiên tiến được nhiều quốc gia lựa chọn để giải quyết vấn đề trên. 

Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến cho biết: Trước bối cảnh trên, EVNNPT sẽ cần chuẩn bị nguồn lực để đầu tư và vận hành lưới điện truyền tải HVDC. Việc tổ chức hội thảo với nhiều diễn giả của các nước trên thế giới sẽ giúp EVNNPT có cái nhìn tổng quan hơn để sẵn sàng cho việc phát triển lưới điện truyền tải HVDC.

Ông Markus Bissel - Giám đốc Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – CHLB Đức tại GIZ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Markus Bissel - Giám đốc Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – CHLB Đức tại GIZ Việt Nam cho biết:  Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về năng lượng tái tạo trong vài năm qua. Với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy Việt Nam đang quyết tâm chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và giảm lượng khí thải carbon để cùng chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào lưới điện quốc gia đặt ra nhiều thách thức. Thực tế cho thấy một trong những thách thức đáng kể trong việc tích hợp tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo là giới hạn truyền tải của lưới điện quốc gia. HVDC được coi là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, mang lại nhiều lợi thế so với công nghệ HVAC truyền thống.

Theo kinh nghiệm thực tiễn, việc đầu tư lưới điện truyền tải cao áp HVDC sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó không chỉ giúp nâng cao giới hạn truyền tải giúp giải tỏa công suất liên vùng, tăng tỷ trọng trao đổi điện năng giữa các nước láng giềng, hỗ trợ tích hợp tỷ lệ cao nguồn năng lượng tái tạo, mà còn hỗ trợ công tác vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả, giúp giảm dòng ngắn mạch, giảm tổn thất điện năng qua đó đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, tin cậy và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Tổng giám đốc EVNNPT – Lưu Việt Tiến phát biểu tại hội thảo.

Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam nói chung và EVNNNPT nói riêng về chủ đề này, GIZ Việt Nam đã phối hợp với EVNNNPT tổ chức Hội thảo kỹ thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ HVDC, trong đó chú trọng kinh nghiệm kỹ thuật thực tế để hỗ trợ EVNNNPT có sự chuẩn bị tốt nhất cho công tác đầu tư xây dựng hệ thống HVDC trong tương lai. Thông qua sự kiện này, GIZ mong muốn quy tụ các chuyên gia và lãnh đạo ngành để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc đầu tư và vận hành HVDC, hy vọng hội thảo kỹ thuật này sẽ tạo cơ hội cho tất cả các bên liên quan trao đổi ý tưởng và giải pháp nhằm vượt qua những thách thức mà quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam phải đối mặt.

Một diễn giả trao đổi tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Chandra Mohan Sonnathi – Trưởng nhóm chuyên gia HVDC, DNV (Văn phòng tại Hoa Kỳ) giới thiệu tổng quan về những ưu thế của các công nghệ HVDC so với công nghệ HVAC truyền thống, các ứng dụng phổ biến của công nghệ HVDC trong công tác trao đổi điện năng, liên kết lưới điện truyền tải, hỗ trợ vận hành hệ thống điện, nâng cao chất lượng điện năng và tối ưu hóa độ tin cậy của hệ thống điện. Ngoài ra, chuyên gia cũng chia sẻ lợi ích và giải pháp chuyển đổi đường dây truyền tải điện trên không xoay chiều (AC) hiện hữu thành đường dây một chiều (DC).

Đại biểu tham dự hội thảo.

Đồng thời, các bài chia sẻ khác của các chuyên gia đến từ Hitachi Energy India; Siemens Energy; Viện Năng lượng (Bộ Công Thương); Tổng công ty Điện lực Bangladesh); Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của EDF ở châu Á; Tổng công ty Truyền tải điện Úc.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVNNPT – Lưu Việt Tiến cảm ơn Tổ chức GIZ và các chuyên gia của GIZ đã hỗ trợ tổ chức hội thảo và chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích qua đó giúp EVNNPT có cái nhìn tổng quan về HVDC. Lãnh đạo EVNNPT mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác sâu rộng hơn nữa với tổ chức GIZ tại Việt Nam. 
 

Xuân Tiến