Kỹ sư Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Thanh Toàn trao đổi công việc bảo dưỡng thiết bị viễn thông dùng riêng với trực trạm biến áp 500kV Hòa Bình.
Không hẳn bởi tò mò, mà tự thẳm sâu, tôi luôn mang câu hỏi tự tâm, rằng, nếu lưới điện truyền tải được ví như trục xương sống của hệ thống điện quốc gia, thì viễn thông dùng riêng sẽ là “động mạch chủ” của hệ thống ấy. Vậy, công việc của họ có giống như những người lính truyền tải không, khi mà hệ thống cáp quang luôn đi song hành với đường dây tải điện?
Năm nay, mặc dù vẫn còn chưa đến rét Nàng Bân nhưng không khí lạnh và nắng nóng đã song hành, báo hiệu một năm có những biến đổi khí hậu bất lợi cho việc cung cấp điện. Cùng với công tác củng cố lưới điện truyền tải, công tác bảo dưỡng định kỳ hệ thống viễn thông của Công ty Viễn thông điện lực và công nghệ thông tin (EVNICT) khẩn trương hoàn tất trong tháng 3.
Quét mã thiết bị viễn thông dùng riêng.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Trạm biến áp 500kV Hoà Bình. Đây là trạm biến áp quan trọng nằm trong hệ thống xương sống lưới điện truyền tải điện quốc gia, là một hạng mục quan trọng của Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 được xây dựng và hoàn thành từ năm 1994 và hiện nay là điểm nút kết nối giữa Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình với các Trạm biến áp 500kV Sơn La và Nho Quan. Tại nơi đây, đã đánh dấu những đột phá mạnh mẽ nhất đối với hệ thống điện, trong đó có mạng viễn thông dùng riêng với tuyến cáp quang đầu tiên của Việt Nam.
Phó Giám đốc Trung tâm Hạ tầng viễn thông và Công nghệ thông tin trực thuộc EVNICT Đỗ Quý Châu cho biết, mạng viễn thông dùng riêng của EVN có chức năng phục vụ công tác điều hành, vận hành hệ thống điện và thị trường điện Việt Nam; phục vụ công tác quản lý của Công ty mẹ EVN và các hoạt động quản lý, sản xuất – kinh doanh của các đơn vị thành viên thuộc EVN. Với chức năng này, mạng viễn thông dùng riêng luôn phát triển song hành với sự phát triển của Hệ thống điện Việt Nam. Vì vậy, công tác bảo dưỡng định kỳ mạng viễn thông dùng riêng luôn là ưu tiên số 1 đối với EVNICT. Trước hết, nhằm đảm bảo các thiết bị viễn thông vận hành an toàn, ổn định, duy trì khả năng làm việc, tăng tuổi thọ, sau nữa, sớm phát hiện hỏng hóc các thiết bị trong hệ thống viễn thông để lập phương án và thực hiện bảo dưỡng định kỳ các thiết bị.
Thao tác trên các thiết bị DWDM và SDH của ECI.
Quá trình bảo dưỡng được thực hiện đúng theo các quy trình, quy định và phương án đã được lãnh đạo EVNICT phê duyệt. Công việc yêu cầu thực hiện hết sức tỉ mỉ khi kiểm tra toàn bộ các thiết bị viễn thông, như: Kiểm tra sự hoạt động của thiết bị thông qua các đèn tín hiệu, đèn cảnh báo, âm thanh bất thường, kiểm tra các cổng kết nối; xác định cấu hình thiết bị, dung lượng hoạt động; kiểm tra khả năng truy cập thiết bị, chế độ chuyển mạch bảo vệ trên hệ thống giám sát, công suất của cáp quang; đo kiểm cáp quang…; vệ sinh phòng máy, thiết bị…
Tôi đã từng đi lên non xuống biển với những người lính truyền tải mà không hề quản ngại gian khó, nhưng khi nhận lời “dấn thân” vào lĩnh vực viễn thông điện lực, tôi dường như bước vào một không gian hoàn toàn mới mẻ.
Đo, kiểm tra nội trở ắc quy tại trạm biến áp 500kV Hòa Bình.
Cũng gánh trên vai sứ mệnh quan trọng trong Hệ thống điện quốc gia, cũng song hành với hệ thống lưới điện truyền tải nhưng có lẽ do tính chất công việc nên những con người làm việc trong lĩnh vực “ICT” luôn tạo cho tôi những bất ngờ. Đây là lĩnh vực đòi hỏi làm việc phải có sự sáng tạo. Các kỹ sư làm việc trong lĩnh vực này dựa trên những ứng dụng của xã hội nói chung và ngành Điện tử Viễn thông nói riêng, phát triển các công nghệ mới, ứng dụng mới hữu ích và đơn giản góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành Điện, đem lại sự sáng tạo mới, phương thức liên lạc mới cho EVN.
Đo, kiểm tra điện áp nguồn 48VDC cấp cho thiết bị viễn thông dùng riêng.
Từ tuyến cáp quang đầu tiên của Việt Nam trên đường dây 500kV mạch 1 (năm 1994), sau 10 năm, mạng cáp quang đã phát triển nhanh chóng kết nối toàn bộ các trạm biến áp 220/500kV với các nhà máy điện và một số lượng lớn các trạm biến áp 110kV, từ thiết bị truyền dẫn PDH 34Mbps đã nhanh chóng được thay thế bằng các thiết bị SDH và NG-SDH tốc độ 2,5Mbps trên hệ thống truyền dẫn đường trục và tốc độ 115Mbps/622Mbps/2,5Gbp trên lưới điện 220/110kV. Thiết bị truyền dẫn cáp quang đáp ứng mọi nhu cầu về dịch vụ cho công tác điều hành, vận hành hệ thống điện hiện đại và các nhu cầu quản lý, sản xuất – kinh doanh của các đơn vị.
Công việc đòi hỏi những người vận hành mạng viễn thông dùng riêng phải có sự năng động và niềm đam mê tìm hiểu các công nghệ mới trên thế giới và áp dụng nó vào thực tế hệ thống điện Việt Nam.
Đo kiểm tra chất lượng luồng E1 trên tuyến truyền dẫn SDH từ TBA 500kV Hòa Bình đi TBA 500kV Sơn La.
Để thực hiện mục tiêu: Xây dựng hệ thống viễn thông dùng riêng thống nhất trong EVN về cấu trúc, phân lớp, công nghệ dùng trong hệ thống; xây dựng các sơ đồ tổ chức hệ thống truyền dẫn chính, danh mục các tuyến cáp quang và thiết bị truyền dẫn trang bị trong tương lai… đòi hỏi các kỹ sư luôn phải đọc, tìm kiếm các công nghệ mới đã và đang được đưa ra trên thế giới, học tập qua nghiên cứu và thực tế tại các nước có ngành Điện tử Viễn thông phát triển. Để làm được điều này thì khả năng đọc hiểu ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu.
Là ngành công nghệ cao, khối lượng công việc lại phức tạp nên điều dễ nhận thấy là những người vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng vừa có năng lực làm việc và nghiên cứu độc lập, vừa có có khả năng làm việc theo nhóm, để thực hiện tốt phần công việc của mình và góp phần hoàn thành công việc chung.
Đo kiểm tra tuyến cáp quang trên đường dây chống sét (OPGW) từ TBA 500kV Hòa Bình đi TBA 500kV Nho Quan.
Được chứng kiến những công việc của họ, vẫn câu hỏi ấy quay về. Những người vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng, họ luôn song hành với lính truyền tải, nhưng họ lại mang một sứ mệnh khác là giữ cho “động mạch chủ” luôn thông suốt.
Và tôi nhận ra, những con người ấy, họ luôn hiện ra trong vùng không gian riêng của họ. Những thứ xung quanh luôn trở thành một phần riêng không ai chiếm lĩnh được. Sức hút thuyết phục là đôi tay khéo léo, là sự đam mê, là tính kiên trì và nhẫn nại trong công việc.
Đo kiểm điện áp của bộ cảnh báo nguồn AC.
Giá phiến krone đấu nối các kênh dịch vụ.
Kết thúc công việc, làm thủ tục khóa phiếu thao tác tại trạm biến áp 500kV Hòa Bình.
Treo biển “làm việc tại đây” tại phòng thông tin trạm biến áp 220kV Thái Nguyên.
Thao tác đeo vòng tĩnh điện và rút card khỏi thiết bị HiT7070 tại trạm 220kV Thái Nguyên.
Thao tác đeo vòng tĩnh điện và rút card khỏi thiết bị HiT7070 tại trạm biến áp 220kV Thái Nguyên.
Cập nhật công việc, quá trình thao tác vào sổ theo dõi tại trạm biến áp 220kV Thái Nguyên.
Đo điện áp nguồn DC cấp cho thiết bị truyền dẫn HiT7070 tại trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa.
Thao tác đấu nối luồng E1 trên phiến krone tại trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa.
Thao tác đấu nối luồng E1 trên thiết bị truyền dẫn HiT7070 với máy đo tai trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa.
Đo kiểm tra chất lượng luồng E1 trên tuyến truyền dẫn SDH từ TBA 500kV Hiệp Hòa đi TBA 500kV Quảng Ninh.
Đo, kiểm tra nội trở ắc quy tại trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa.