Phóng sự

Chuyện đi “mở đất” trên lòng hồ Trị An - Bài 1: Âm vang Trị An

Thứ ba, 19/12/2023 | 14:58 GMT+7
LTS: Hồ Trị An rộng 32.000ha, thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), là nơi trữ nước cung cấp cho Nhà máy thủy điện Trị An, đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ vùng hạ du.

Công trường thủy điện Trị An những năm 1980 của thế kỷ XX.

Không chỉ Nhà máy thủy điện Trị An cung cấp sản lượng điện lớn hàng năm, mà cùng với các di tích, cảnh quan gắn với Chiến khu Đ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông, địa đạo Suối Linh, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai…, nguồn tài nguyên từ lòng hồ Trị An đang mở ra những cơ hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung.

Nhà máy thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai (đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) được xây dựng từ năm 1984 với 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400MW, cung cấp sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ KWh. Đây là công trình tầm cỡ quốc gia, không chỉ giải quyết nhu cầu điện năng cho sinh hoạt, sản xuất, mà còn phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước sau hàng chục năm chiến tranh và góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ, kỹ sư cho ngành điện.

Nhà máy thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai (đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) được xây dựng từ năm 1984 với 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400MW, cung cấp sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ KWh. Đây là công trình tầm cỡ quốc gia, không chỉ giải quyết nhu cầu điện năng cho sinh hoạt, sản xuất, mà còn phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước sau hàng chục năm chiến tranh và góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ, kỹ sư cho ngành điện.

Biến rừng hoang thành hồ thủy điện

Sau nhiều cuộc điện thoại, chúng tôi mới gặp được ông Phạm Công Trữ (nguyên Chánh Văn phòng Đảng ủy công trình Thủy điện Trị An, từng sống và làm việc tại Thủy điện Trị An từ năm 1981). Tuy tuổi đã cao, nhưng khi được hỏi về công trình thủy điện Trị An thì ký ức trong ông lại ùa về.

Ông Phạm Công Trữ kể, sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước bước sang giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhu cầu điện năng của miền Nam tăng gần 300-400 triệu KWh, nhưng không có nguồn điện bổ sung. Trong khi đó, thủy điện duy nhất ở miền Nam là Đa Nhim (xây dựng năm 1964 trên sông Đa Nhim, giáp ranh tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận) chưa thể hòa vào lưới điện quốc gia. Vì vậy, ngành điện buộc phải cắt giảm tiêu thụ, gây trở ngại trong phát triển kinh tế, sinh hoạt của người dân.

Trước bức bách về điện, lãnh đạo Thành ủy TPHCM lúc bấy giờ đã khởi xướng, vận động cấp ủy các địa phương Nam bộ quyết tâm xây dựng Thủy điện Trị An ở bậc thang thứ 9 của sông Đồng Nai. Làm Thủy điện Trị An phải nhanh, nên cần huy động tổng lực nguồn lực xã hội với đông đảo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề và các thiết bị máy móc phục vụ thi công.

Đầu tiên là phải mở đường vào công trường, nên nhiều tháng ròng, ông Phạm Công Trữ cùng đoàn khảo sát đi đo đạc, cắt đường theo hướng từ Ngã ba Cây Gáo (huyện Vĩnh Cửu) ra Ngã ba Trị An (huyện Trảng Bom bây giờ) dài khoảng 18km.

Ông Trữ nhớ lại: “Mặt bằng toàn tuyến là ruộng rẫy sình lầy, cây cỏ mọc um tùm bít lối đi, nhưng điểm thuận tiện là ít dân cư. Việc thi công được Liên hiệp Xí nghiệp Thủy lợi 4 thực hiện gấp rút trong năm 1982-1983 để có đường cho những đoàn xe chạy băng băng vào công trường”.

Nhiều chuyên gia Liên Xô có mặt tại công trường Thuỷ điện Trị An. Ảnh: Thủy điện Trị an cung cấp.

Tỉnh Đồng Nai cũng thành lập Ban đại diện UBND tỉnh tại công trình, do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, tham gia những công việc nhà nước tại địa phương; Đảng ủy công trình Thủy điện Trị An do một Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư; và thành lập Xí nghiệp liên hiệp khai thác, dọn sạch lòng hồ Trị An (thuộc Ty Lâm nghiệp Đồng Nai).

Từ đó đã huy động gần 1 triệu lượt người với 6 triệu ngày công thu gom, làm sạch hơn 30.000ha lòng hồ và di dời 19.000 người của 3 huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Tân Phú, 3 lâm trường Hiếu Liêm, Mã Đà, Vĩnh An lên ven hồ sinh sống. Riêng tuyến năng lượng (xây dựng nhà máy) do Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) thực hiện, lúc đầu có 3.000 công nhân, sau đó lên tới 10.000 công nhân tham gia thi công.

Còn tuyến áp lực (đập chính) do Liên hiệp Xí nghiệp Thủy lợi 4 (Bộ Thủy lợi) phụ trách, lúc đầu có 2.000 người, sau đó lên 4.000 người. Lúc cao điểm, tại công trường có tới 19.000 công nhân, tại lòng hồ là 20.000 người làm việc. Trong khi đó, chuyên gia, kỹ sư nước ngoài hỗ trợ có thời điểm hơn 500 người, với quyết tâm biến rừng hoang vu thành lòng hồ thủy điện lớn nhất miền Nam.

Tất cả vì dòng điện sáng

Chúng tôi đến xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) tìm gặp TS Trần Văn Mùi (nguyên Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). Từng là cán bộ Lâm trường Hiếu Liêm những năm 1980, TS Trần Văn Mùi tham gia xây dựng Thủy điện Trị An ngay từ những ngày đầu.

“Để làm Thủy điện Trị An, những cán bộ, công nhân, người dân đã vượt đèo lội suối trong rừng sâu Chiến khu Đ khảo sát, thu thập tài liệu nghiên cứu hồ chứa, thu dọn vệ sinh lòng hồ, chuyên gia Liên Xô lao động không kể nắng mưa, làm việc trên tầng cao, dưới hầm sâu. Bà con chấp nhận bỏ đi nhiều giá trị tinh thần thiêng liêng như mồ mả cha ông, quê hương, kỷ niệm thời thơ ấu để xây dựng một cuộc sống mới”, TS Trần Văn Mùi bồi hồi nhớ lại. Ông so sánh, nếu như sân bay Long Thành đang triển khai thi công với máy móc, phương tiện hiện đại thì Thủy điện Trị An chủ yếu dựa vào sức người!

Đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham quan công trình thuỷ điện Trị An. Ảnh: Thủy điện Trị an cung cấp.

Căn nhà nhỏ ngay ven đường thuộc ấp Lý Lịch 2 (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) hiện là nơi sinh sống của gia đình bà Hà Thị Kim Hồng (sinh năm 1965), quê gốc Quảng Ngãi. Năm 1983, bà Kim Hồng cùng bố, các anh chị tham gia cùng hàng ngàn công nhân thu dọn lòng hồ Trị An.

Bà Kim Hồng tâm sự: “Đó là những ngày tháng gian khổ, cả gia đình ở nhà tranh vách đất trong rừng, đường đất đỏ lầy lội, đi lại khó khăn. Công nhân đến công trường bằng xe đạp thồ, ăn ngủ trong lều bạt, sống cảnh màn trời chiếu đất và việc dọn lòng hồ với khối lượng công việc rất lớn, không có máy móc, phải đào đất thủ công”.

Ông Võ Tấn Nhẫn (hiện là Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An) từng tham gia thi công giai đoạn cuối của Tổ máy số 1 vào năm 1987 rồi gắn bó với thủy điện cho đến hiện nay. Ông Nhẫn đọc vanh vách từng sự kiện lớn nhỏ, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, số lượng chuyên gia Liên Xô thi công trên công trình. Nhưng điều ông tâm đắc nhất là Nhà nước làm thủy điện rất nhanh với phương châm “vừa thiết kế vừa thi công”.

Theo ông Nhẫn, ở nước ta cũng như Liên Xô lúc bấy giờ quy định rõ, thiết kế xong mới tiến hành thi công, nhưng như vậy sẽ không thể đưa nhanh công trình vào khai thác, nên Nhà nước đã cho phép vừa làm luận chứng kinh tế kỹ thuật (hiện là báo cáo nghiên cứu khả thi) vừa triển khai công tác chuẩn bị xây dựng, khởi công khu phụ trợ, ký hợp đồng đặt thiết bị công nghệ trước khi giao thầu thiết kế thi công Nhà máy thủy điện Trị An. Do vậy, vượt xa những kỳ vọng ban đầu, từ khi khởi công đến lúc chạy tổ máy số 1 mất 3 năm 7 tháng, chạy toàn bộ công suất mất 5 năm rưỡi, hoàn thành công trình trong 6 năm.

Ông Võ Tấn Nhẫn cho rằng, so với công trình tương tự ở Liên Xô lúc bấy giờ thì thời gian chạy tổ máy số 1 của Thủy điện Trị An nhanh hơn công trình Thủy điện Khacốp 1 năm 3 tháng và Thủy điện Riga 4 năm 3 tháng.

“Điều đáng quý là từ công trình Thủy điện Trị An đã góp phần đào tạo một đội ngũ kỹ sư có chuyên môn giỏi đảm nhận phần lớn công việc xây dựng thủy điện. Từ “tinh thần Trị An” đã giúp cho Đảng và Nhà nước tiếp tục có quyết sách đúng đắn, xây dựng thêm Thủy điện Hàm Thuận, Thủy điện Thác Mơ hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần giải quyết nhu cầu điện sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Võ Tấn Nhẫn chia sẻ.

Nhà máy thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai (đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) được xây dựng từ năm 1984 với 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400MW, cung cấp sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ KWh. Đây là công trình tầm cỡ quốc gia, không chỉ giải quyết nhu cầu điện năng cho sinh hoạt, sản xuất, mà còn phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước sau hàng chục năm chiến tranh và góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ, kỹ sư cho ngành điện.

Giữa muôn vàn gian khó, người dân các tỉnh Nam bộ đã đóng góp bằng sức người, sức của để cùng Nhà nước đầu tư xây dựng Thủy điện Trị An. Lực lượng công nhân, thanh niên xung phong của Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành đã đào lấp khối lượng đất đá khoảng 23 triệu m³, dùng 73.000 tấn kết cấu sắt thép, thiết bị và 580.000 tấn bê tông.

Chỉ trong 5 năm (1982-1987), lực lượng thi công ngăn dòng thành công và sau khi thử tải, truyền tải thì vào ngày 30-4-1988 chính thức phát điện tổ máy số 1, đến năm 1991 công trình được khánh thành.

Link gốc

 

Theo: SGGP