Tin thế giới

Giá điện tăng gấp hơn 10 lần năm ngoái, châu Âu họp khẩn tìm giải pháp ứng phó

Thứ sáu, 9/9/2022 | 08:53 GMT+7
Giá điện bán buôn đã tăng gấp hơn 10 lần trên thị trường châu Âu, một mức giá quá cao và không phản ánh đúng thực tế sản xuất điện năng.
 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, giá bán buôn trên thị trường điện châu Âu phải gắn với chi phí sản xuất điện.

Khi giá khí đốt tăng vọt, cơ chế tính giá điện bán buôn hiện tại ở châu Âu đang phản tác dụng, làm trầm trọng thêm khủng hoảng giá điện.
 
Ở châu Âu, điện năng được sản xuất từ sức gió, mặt trời, thủy điện, điện nguyên tử, nhiệt điện dùng than hay khí đốt. Từ 20 năm nay, Liên minh châu Âu áp dụng quy tắc tính giá điện bán buôn căn cứ theo nguồn nguyên liệu có chi phí cao nhất được huy động. Khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng tới mức phải dùng điện nguyên tử, thì chi phí sản xuất điện nguyên tử là căn cứ tính giá điện. Nhu cầu cao hơn, phải khởi động nhiệt điện dùng than, thì giá bán điện căn cứ theo than. Các nguồn nguyên liệu rẻ hơn nghiễm nhiên được hưởng giá bán cao theo nhiệt điện.
 
Quy tắc này có lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo. Nhưng khi nhu cầu điện cao tới mức phải khởi động cả các nhà máy điện dùng khí đốt và giá khí đốt tăng vọt, thì nảy sinh vấn đề. Giá bán buôn điện tăng quá nhiều, giúp các doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, điện mặt trời thu lợi nhuận siêu ngạch: gió là gió trời, nắng là nắng trời, miễn phí, trong khi lại bán được điện với giá rất cao.
 
Thủ tướng Đức Olaf Scholz: "Chúng tôi nhận thấy có hiện tượng đầu cơ trên thị trường điện bán buôn, khi mà giá khí đốt rất cao và giá điện vẫn neo vào giá khí đốt, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện đang thu được lợi nhuận siêu ngạch. Do đó chúng tôi quyết tâm cải tổ thị trường điện để lợi nhuận của các nhà sản xuất điện về mức hợp lý".
 
Đức cũng như các nước châu Âu nhận thấy phải cải tổ thị trường bán buôn điện, hoặc giữ nguyên mô hình, nhưng đánh thuế vào lợi nhuận siêu ngạch của năng lượng tái tạo và điện nguyên tử, dùng tiền đó để trợ giá điện bán lẻ, như đề xuất của Pháp; Hoặc tách giá điện khỏi giá khí đốt, theo đề xuất của Áo và căn cứ vào mức giá của nguyên liệu ngay sát sau, lúc này là than; Hoặc bãi bỏ cơ chế hiện có, áp đặt giá trần cho từng loại hình phát điện. Phương án này dễ làm mất động lực phát triển năng lượng tái tạo.
 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: "Giá bán buôn trên thị trường điện châu Âu phải gắn với chi phí sản xuất điện. Ngày nay, giá bán buôn điện phụ thuộc quá nhiều vào giá khí đốt".
 
Đó là về giá điện bán buôn. Giá bán buôn không tỷ lệ với giá bán lẻ, vì người dùng điện còn phải trả thêm chi phí truyền tải điện và các loại thuế. Giá bán buôn điện có tăng, nhưng chi phí truyền tải vẫn vậy, nếu giảm thuế tương ứng thì vẫn kiềm chế được giá bán lẻ. Tuy nhiên, khi mà giá bán buôn tăng gấp cả chục lần, thì giảm thuế không còn tác dụng, các nước châu Âu nay phải dùng công quỹ trợ giá điện bán lẻ. Nhờ giảm thuế và trợ giá mà giá điện bán lẻ tại Vương quốc Bỉ chẳng hạn không tăng tỷ lệ với giá điện bán buôn.
 
Các phương án khẩn cấp nhằm kéo giá điện đi xuống
Giá bán buôn không tỷ lệ với giá bán lẻ, vì người dùng điện còn phải trả thêm chi phí truyền tải điện và các loại thuế.
 
Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu họp bất thường tại Bruxelles vào ngày 9/9 để tìm giải pháp cải tổ thị trường điện năng. Ủy ban châu Âu nghiêng về phương án áp đặt giá trần cho từng loại hình phát điện, điện sản xuất từ gió thì phải bán với giá thấp hơn điện sản xuất từ than.
 
Vấn đề rất khó là sản phẩm cuối đều là điện cả, nếu phân chia các loại điện tùy theo làm từ nguyên liệu gì, thì thị trường sẽ vận hành ra sao? Phương án đó cũng làm giảm động lực đầu tư cho năng lượng tái tạo. Chính cơ chế 20 năm qua đã thúc đẩy điện gió điện mặt trời, để tới bây giờ, năng lượng sạch đóng góp tới hơn một nửa trong cơ cấu năng lượng của nước Đức chẳng hạn. Tìm giải pháp khẩn cấp nhưng không gây hại cho lâu dài là bài toán khó của cuộc họp.
 
Ủy ban châu Âu khuyến khích trợ giá điện, tùy từng nước, có thể là phát tiền cho các hộ gia đình như cách nước Đức đang làm, hoặc giảm thuế đánh vào điện bán lẻ. Cách nữa là kêu gọi tiết kiệm điện, hoặc thưởng cho hộ gia đình và doanh nghiệp tùy theo mức độ tiết kiệm. Về lâu dài, ngoài việc thúc đẩy hơn nữa điện gió, điện mặt trời, bắt buộc phải mở lại dần một số nhà máy điện nguyên tử. Các nhà máy điện nguyên tử đã đóng cửa dần dần do sức ép của phong trào sinh thái trước đây, nhưng nay không còn nhiều tiếng nói chống lại điện hạt nhân như trước. Hiện nay điện nguyên tử cung cấp tới 55% tổng lượng điện mà nước Pháp cần đến, một lợi thế hiển nhiên khi giá khí đốt cao như lúc này.
 
Báo cáo mới nhất của Goldman Sachs cho biết, hóa đơn năng lượng của EU sẽ tăng 2.000 tỷ USD cho tới năm 2023. Chi phí cho các loại năng lượng của EU sẽ tương đương 15% GDP khối này và đây sẽ là cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn cả khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970. Việc chi phí cho năng lượng ngày càng gia tăng buộc chính phủ các quốc gia châu Âu cần nhanh chóng hành động để giảm bớt áp lực cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
 
Theo: VTV