Xả nước vụ đông xuân 2019- 2020

Giải pháp để hạn chế xả nước từ hồ chứa thủy điện

Thứ bảy, 11/1/2020 | 21:17 GMT+7
Nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn đồng hành cùng với ngành nông nghiệp trong việc xả nước đổ ải phục vụ sản xuất cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. 

 Nhiều địa phương tranh thủ lấy nước trước đợt xả nước.

Tuy nhiên, năm nay thực trạng nguồn nước khó khăn nên đặt ra bài toán có giải pháp gì để những năm sau không phải xả nước từ hồ chứa thủy điện hay không?
 
Phát tối đa công suất cũng không đủ nước
 
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Trong các năm từ 2009-2011, các hồ chứa thủy điện chỉ cần xả xấp xỉ 3 tỷ m3/năm là đủ phục vụ gieo cấy, nhưng từ năm 2012 đến nay lượng nước tăng dần qua các năm, đến nay xấp xỉ 6 tỷ m3/năm. Lượng nước xả gia tăng trong những năm gần đây quá lớn (chiếm gần 30% dung tích hữu ích của các hồ chứa) đã ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành sản xuất điện của các nhà máy thủy điện, đặc biệt trong các tháng mùa hè khi cần phát điện phủ đỉnh để đáp ứng nhu cầu phụ tải nhưng các hồ chứa đã cạn kiệt, không còn đủ lượng nước phát điện.
 
Lưu lượng xả nước qua phát điện của các NMTĐ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã phải tăng lưu lượng từ 1.500m3/s năm 2010 lên đến 2700m3/s vào năm 2015 để đảm bảo mực nước tại Hà Nội lên mức 2,2m. Đến những năm gần đây các NMTĐ đã vận hành tối đa công suấ với tổng lưu lượng xả 3.300m3/s nhưng trạm thủy văn Hà Nội chỉ đạt 30% số giờ (năm 2018) và 13,7% số giờ (năm 2019).
 
“Dự báo trong những năm tới mực nước hạ du sông tiếp tục bị hạ thấp nên mực nước tại Hà Nội sẽ không có số giờ nào đạt đến 2,2m theo quy định hiện hành nên nhiều công trình lấy nước chưa được sửa chữa, nâng cấp thuộc TP.Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc không thể lấy được nước hoặc bị giảm hiệu suất lấy nước”, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết.
 
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, theo Bộ NN&PTNT là do tình trạng khai thác cát quá mức, tình trạng hạ thấp lòng dẫn hạ du hệ thống sông đang diễn ra rất nhanh. Số liệu quan trắc từ năm 2000-2016, ở đoạn sông hạ du sông Đà, cao độ đáy hạ thấp từ 0,5-2m, sông Thao hạ thấp 0,65-1m, sông Hồng hạ thấp 0,4-2,8m, đặc biệt trên toàn tuyến sông Đuống trung bình hạ thấp 3-6m, riêng đoạn cửa vào (Thượng Cát) hạ thấp 9-13m.
 
Đâu là giải pháp?
 
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về lâu dài, từng địa phương phải rà soát lại về tái cơ cấu nông nghiệp. Vùng trũng thì phải tích nước để nuôi thủy sản hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng lúa. Vùng cao không có nước thì chuyển sang cây trồng cạn. Chỉ những vùng thuận lợi về tưới tiêu mới trồng lúa.
 
Thứ hai, cần rà soát lại thiết chế các công trình thủy lợi để đánh giá, có phương án đầu tư sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa để phù hợp với tình hình mới.
 
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đang xem xét phương án xây dựng các đập thông minh trên các lưu vực sông để tránh thất thoát nước ra biển. Khi có những đập dâng này có thể chủ động dâng nước để đưa vào các công trình đầu mối thủy lợi.
 
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tạm dừng việc cấp phép khai thác cát trái phép lòng sông thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình để khắc phục việc hạ thấp, biến đổi lòng dẫn sông Hồng. Đồng thời giao Bộ KHCN tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp phục hồi lòng sông để phục vụ quản lý, khai thác cát bền vững.
Lê Linh