Phát triển lưới điện truyền tải năm 2012: Có nguồn, chưa đủ lưới

Thứ ba, 14/2/2012 | 11:34 GMT+7
Việc xây dựng hệ thống truyền tải không đảm bảo chỉ tiêu của Quy hoạch điện VI khiến cho hệ thống điện quốc gia đang đứng trước tình trạng có nguồn mà chưa đủ lưới, đặt nền kinh tế trước nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng năm 2012 và những năm tiếp theo.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Dự án lưới điện 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa nằm trong Tổng sơ đồ điện VI, có nhiệm vụ truyền tải điện từ các nhà máy thủy điện ở Tây Bắc vào hệ thống điện quốc gia. Ngoài mục tiêu đáp ứng nhu cầu phụ tải cho miền Bắc, dự án còn tạo mối liên kết mạnh các hệ thống điện khu vực, nâng độ tin cậy, ổn định, tối ưu hóa hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia. Tuy nhiên, tình trạng chậm tiến độ do thiếu vốn và chậm giải phóng mặt bằng khá phổ biến.

Theo kế hoạch, tháng 3/2011, đường dây phải hoàn thành để tiếp nhận điện từ Tổ máy 5 Thủy điện Sơn La. Nhưng đến nay vẫn còn khoảng 30 km tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa kéo dây được do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Người dân không chịu nhận đền bù để di dời. Nếu không có các giải pháp quyết liệt, chắc chắn dự án khó đảm bảo tiến độ.

Đường dây 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn có tổng mức đầu tư 152.685 triệu đồng, được khởi công từ năm 2008 nhưng đến cuối năm 2011 mới chính thức thi công. Hiện, vật tư, thiết bị đã mua sắm xong nhưng vẫn phải gửi tại kho các nhà thầu. Theo kế hoạch, dự án sẽ đóng điện vào tháng 3/2012 nhưng nhiều địa điểm chưa có mặt bằng thi công.

Các công trình lưới điện từ 110-500 kV của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) dự kiến hoàn thành trong năm 2012 đều có nguy cơ chậm tiến độ. Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, các dự án có gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, thiết kế… Khu vực Nam bộ, các đường dây 500 kV Phú Mỹ - Song Mây, Sông Mây – Tân Định, trạm 500 kV Phú Lâm - Tân Định, đường dây 220 kV Đăk Nông – Phước Long – Bình Long dự kiến phải hoàn thành trong năm 2012 nhưng đến nay vẫn đang giậm chân tại chỗ. Tại khu vực miền Trung, các dự án đường dây 220 kV đồng bộ nguồn với Thủy điện bản Chát, Vũng Áng 1 cũng cùng chung số phận.

Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước nguy cơ thiếu điện vào mùa khô 2012 và những năm tiếp theo. 10 năm qua, Hà Nội chưa xây thêm được trạm biến áp nào do thiếu mặt bằng. Các dự án cấp bách để cấp điện cho Hà Nội như: Đường dây Hà Đông – Thành Công, trạm 220 kV Thành Công, đường dây 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn đang chậm tiến độ nghiêm trọng.

Thiếu vốn nghiêm trọng

Để đảm bảo mục tiêu năm 2012 vận hành lưới điện an toàn với sản lượng điện truyền tải: 99 - 100 tỷ kWh, tăng 9,4%-10,5% so với năm 2011, NPT đã lên kế hoạch đưa vào vận hành 42 công trình lưới điện từ 110-500 kV, dành 249 tỷ đồng cho sửa chữa lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện các nhà máy điện phát triển nhiều, nhu cầu phụ tải, lưới điện quốc gia hiện nay không thể đáp ứng được. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc NPT - cho biết, hiện NPT đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn. Quy hoạch điện VI mới thực hiện được 60% chỉ tiêu về lưới điện khiến cho thời kỳ cao điểm, một số đường dây và trạm biến áp quan trọng phải vận hành trong tình trạng đầy và quá tải, nguy cơ sự cố cao.

Ông Hùng cho hay, năm 2011, NPT cần khoảng 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư nhưng NPT chỉ ký được hợp đồng vay vốn 400 tỷ đồng. NPT tiếp tục không đạt đủ tỷ lệ vốn đối ứng cần thiết tối thiểu 15% cho đầu tư, nguồn thu từ khấu hao không đảm bảo cho trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt chi tiêu ngân sách của Chính phủ đã khiến việc thu xếp các nguồn vay mới từ các tổ chức tài chính trong nước không đạt kế hoạch. Các ngân hàng bị hạn chế tín dụng, điều kiện cho vay với NPT đã vượt quá giới hạn cho phép. Quy định của Bộ Tài chính về hệ số nợ của tổng công ty nhà nước không được vượt quá 3 lần vốn điều lệ cũng làm cho NPT bị đóng mọi cách cửa huy động vốn từ ngân hàng. Trầm trọng hơn nữa, từ ngày 15/4/2011 gần như tất cả các hợp đồng vay đã được ký kết của NPT bị dừng giải ngân để xem xét lại các điều kiện cho vay.

Năm 2011, sản lượng điện truyền tải thực tế thấp hơn 4,7 tỷ đồng kWh so với kế hoạch, trong khi giá truyền tải điện hiện nay chỉ có 77,5 đồng/kWh là quá thấp, chiếm khoảng 6% giá bán điện bình quân toàn EVN khiến bức tranh tài chính của NPT càng thêm ảm đạm. Tình hình này không chỉ làm chậm tiến độ công trình mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động và việc mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc EVN NPC, trong quý II và III/2011, đã có 127 lần điện lưới từ Việt Nam bị tải ngược sang phía Trung Quốc trong khi nhiều địa phương vẫn bị cắt điện luân phiên. Việc này đã khiến ngành điện mất doanh thu, tăng tổn thất. Ngoài ra, sự cố quá tải ở đường dây 110 kV Pleiku – Kon Tum mùa khô vừa qua khiến nhiều nhà máy không bán được điện trong khi người dân không có điện dùng. Ông Vinh khẳng định, những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị.

Việc xây dựng đồng bộ lưới điện đang là vấn đề dư luận rất quan tâm, do ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo ông Vinh, dù nỗ lực đến mấy thì huy động vốn và giải phóng mặt bằng vẫn là những vấn đề ở ngoài tầm với của NPT, chỉ riêng NPT sẽ không đủ sức giải quyết. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù để giúp NPT có điều kiện đầu tư, xây dựng các dự án truyền tải đúng tiến độ, tránh lặp lại vết xe của Quy hoạch điện VI.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Truyền tải điện phải được ưu tiên số 1

Hiện, lưới điện đang thuộc độc quyền nhà nước nên rất khó kêu gọi đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng cho các công trình lưới điện lại rất nan giải, mất nhiều thời gian, công sức, trong khi yêu cầu lượng vốn cho truyền tải rất cao, cần tới 20.000 tỷ đồng/năm mới đáp ứng nhu cầu.

Thời điểm hiện nay nhu cầu phụ tải còn đang thấp nên rất thuận lợi để phát triển lưới điện. Muốn thế, Tập đoàn Điện lực VN và NPT phải xem xét, đánh giá lại toàn bộ quy hoạch lưới điện. Để đảm bảo yêu cầu và có dự phòng cho lưới điện, thời gian tới phải ưu tiên số 1 cho truyền tải. Trong quá trình triển khai các dự án truyền tải, NPT hết sức tiết kiệm hành lang tuyến, thay thế bằng nhiều cấp điện áp. Tiếp tục áp dụng công nghệ mới, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng truyền tải. Chỉ khi phát triển đồng bộ giữa lưới và nguồn thì mới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng cao, giá cả hợp lý.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:  Bộ Công Thương đang tích cực vào cuộc

Truyền tải điện là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, quyết định cơ bản an ninh năng lượng. Việc cung ứng điện chỉ có thể thực hiện được khi phát triển lưới đồng bộ với nguồn. Vì vậy, năm 2012 phải tập trung mạnh vào việc đầu tư lưới truyền tải nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện, đáp ứng tốt nhiệm vụ cung ứng điện cho sản xuất sinh hoạt. Về nguyên tắc, Bộ hoàn toàn ủng hộ những kiến nghị hợp lý của NPT trong vấn đề huy động vốn, giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu, lộ trình tăng phí truyền tải...

Hiện, Bộ đang tích cực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố liên quan chỉ đạo triển khai các dự án điện trọng điểm cấp bách, trong đó có các dự án truyền tải. Thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức cuộc họp xem xét, giải quyết hoặc phối hợp với các bộ, ngành, kiến nghị lên Chính phủ những vấn đề còn tồn tại nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án điện.

Ông Phạm Lê Thanh – Tổng Giám đốc EVN: 2012 sẽ là năm của truyền tải

Năm 2012, NPT tiếp tục thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 trong điều kiện phải đối mặt với nhiều áp lực khó khăn về quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải. Để tháo gỡ khó khăn về huy động vốn và đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt là những vướng mắc từ cơ chế, chính sách, thì bên cạnh việc tuyên truyền, tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Các địa phương cũng cần có những chính sách hỗ trợ đền bù di dời hợp lý, cán bộ địa phương cần nhiệt tình, năng động hơn trong việc tham gia cùng chủ đầu tư gỡ khó.

EVN đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa năm 2012 trở thành năm của truyền tải. Theo đó, các dự án lưới điện sẽ được đặc biệt quan tâm với các giải pháp như tăng vốn điều lệ cho NPT, tích cực tiếp cận nguồn vốn vay phát triển các dự án điện DPL2 của WB. Chỉ khi phát triển đồng bộ giữa lưới và nguồn thì mới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý.


Phát triển lưới điện trong Quy hoạch điện VII

Vốn đầu tư, giai đoạn 2011 - 2020 là 210,4 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2030 là 494 nghìn tỷ đồng.

Theo Quy hoạch điện VII, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ bố trí quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương cho các công trình nguồn điện, lưới điện truyền tải được duyệt trong quy hoạch này và các công trình lưới điện phân phối được duyệt trong các quy hoạch phát triển điện lực địa phương. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện đáp ứng tiến độ được duyệt.

Ngọc Loan