Sự kiện

Giữ nguồn sáng đảo tiền tiêu

Thứ năm, 23/6/2016 | 10:06 GMT+7
Mặc dù chỉ cách đất liền 120km đường biển, nhưng đảo Phú Quý không phải là điểm đến của đa số khách du lịch, bởi giao thông nối liền Phú Quý và đất liền từ trước đến giờ rất hạn chế, chủ yếu dựa vào đường thủy nội địa. 


Một góc đảo Phú Quý. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trong khi các phương tiện đều đã xuống cấp nên hành trình đến Phú Quý phải mất từ 6 giờ đến 8 giờ (trong trường hợp biển lặng). Từ giữa năm 2010, HTX vận tải biển Phú Hưng đã đưa vào khai thác tàu trung tốc, rút ngắn thời gian đến Phú Quý  xuống  còn 4 tiếng rưỡi đến 5 tiếng, nhưng do Đảo Phú Quý  có khí hậu, thủy văn giống như Trường Sa, từ tháng 5 đến hết năm, sóng to, gió lớn, việc đi lại rất khó khăn, nhất là đối với người trong đất liền có việc cần phải ra đảo. Vì vậy, mỗi ki-lô-oát điện ở nơi này không đơn thuần chỉ tính bằng tiền, mà còn phải tính bằng sự gian nan vất vả để có được những ki-lô-oát điện ấy trên đảo. 
 
Từ lâu đảo Phú Quý trở nên rất quen thuộc với nhiều người qua sử sách xưa dưới nhiều tên gọi: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu... Tuy là một hòn đảo nằm biệt lập giữa trùng dương, cách TP Phan Thiết 120km; cách quần đảo Trường Sa 540 km về phía Đông; thành phố Cam Ranh - tỉnh Khánh Hòa 150 km về phía Tây Bắc; Côn Đảo 330 km về phía Tây Nam và thành phố Vũng Tàu 200 km về phía Nam, nhưng dấu tích phát hiện được cho thấy đảo Phú Quý đã được khai phá tạo nên cuộc sống ở đảo từ rất sớm. Trong quá trình khai thác đá quánh, nhân dân đã tìm thấy những mộ vò lớn. Trong mộ có chôn theo công cụ lao động như rìu, bôn và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo. Điều này phù hợp với những giai thoại được lưu truyền rằng trước khi có sự khai phá thiên nhiên của những con người từ lục địa, ở đây đã có một giống người Thượng sinh sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển. Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Trong đó người Kinh đóng vai trò chủ thể.
 

Sáng sớm ở chợ cá Bãi Phủ, xã Tam Thanh. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Lưu truyền rằng, khi bắt đầu phát triển mạnh kỹ thuật đóng thuyền buồm với những chiếc thuyền ra được khơi xa thì cũng là lúc có nhiều người từ lục địa đặt chân lên đảo. Cùng với những phần mộ còn sót lại trên đảo, sự tích công chúa Bàn Tranh chứng tỏ người Chăm đã có mặt ở đảo này. Sự tích kể rằng, Bàn Tranh là một công chúa xinh đẹp vì chống lệnh vua cha, bị kết tội phản nghịch nên bị kết đày ra đảo. Bên cạnh đó, do không chịu nổi sự hà khắc của chế độ nông nô, bất mãn với triều đình phong kiến, nhiều người đã tìm đường ra đây lập kế sinh nhai. Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627–1672), rất nhiều ngư dân thuộc các tỉnh duyên hải miền trung, hoặc chạy giặc lánh nạn, hoặc đi tìm nguồn cá, thuyền của họ vượt sóng trùng dương đã gặp phải những trận cuồng phong khốc liệt và phiêu dạt lên đảo.
 
Phú Quý trong một thời gian dài đã sống trong điều kiện khép kín tự cung tự cấp với những hoạt động kinh tế như trồng trọt, đánh bắt hải sản, một số ngành nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu... nhưng ngư nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Đến năm 1977, huyện đảo Phú Quý chính thức được thành lập  trên cơ sở đảo Phú Quý, gồm 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh.
 
Ngoài hệ thống giao thông trên đảo gần như đã được hoàn thiện, thì vấn đề người dân đảo đặc biệt quan tâm là: Điện. 
 

Sáng sớm ở chợ cá Bãi Phủ, xã Tam Thanh. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Năm 1998, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN) đã khởi công xây dựng Nhà máy điện Diesel có công suất 3MW. Sau một năm thi công, năm 1999, Nhà máy điện Diesel Phú Quý đưa vào vận hành, theo đó, Điện lực Phú Quý được thành lập. Màu áo da cam của ngành Điện đã có mặt trên đảo từ đây. Là đảo nằm biệt lập giữa trùng dương nhưng Phú Quý được ngành Điện quản lý và bán điện đến từng hộ sử dụng sớm nhất so với các đảo khác, như: Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lại Sơn, Hòn Tre…Thậm chí còn sớm hơn các “đảo trong phố”, như: Cù Lao Chàm (TP Hội An), Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).
 
 

Khu vui chơi của thiếu nhi trên đảo Phú Quý. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Với Nhà máy điện Diesel có công suất 3MW, huyện đảo Phú Quý được cung cấp điện ổn định, ban đầu phát điện 5giờ/ngày, sau đó nâng dần thời gian phát điện lên 16 giờ/ngày. Đến năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đầu tư Nhà máy phong điện Phú Quý, với qui mô 3 cột tuabin gió, có tổng công suất là 6MW; nhà máy điện diesel và nhà máy điện gió vận hành hỗn hợp để cấp điện cho đảo Phú Quý. Cũng, vì đặc thù  vận hành hỗn hợp nên PVN đề nghị bàn giao quản lý vận hành cho EVN và đã được Chính phủ chấp nhận. 
 

Vận hành phát điện các tổ máy Diesel cấp điện cho người dân trên đảo. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thực hiện chủ trương tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng biển đảo, từ  1-7-2014, Công ty Điện lực Bình Thuận nâng thời gian phát điện từ 16giờ/ngày lên 24giờ/ngày và kết hợp với thực hiện giá bán điện bằng giá đất liền được thực hiện từ 1-6-2014, nhu cầu sử dụng điện tăng khá cao, theo đó, sản lượng điện sản xuất tăng 57,3% và điện thương phẩm tăng 56,6% so với năm 2013. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải, trong năm 2014, Công ty Điện lực Bình Thuận đã đầu tư “Tăng cường nguồn Diesel cho đảo Phú Quý” với công suất tăng thêm là 2MW, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, nâng tổng công suất nhà máy điện (NMĐ) Deisel Phú Quý lên 5MW. Cùng với việc đầu tư nâng công suất NMĐ Deisel, Công ty Điện lực Bình Thuận tiến hành sửa chữa nguồn và lưới điện với tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 18,8 tỷ đồng. 
 

Công nhân Điện lực Phú Quý bảo dưỡng, cải tạo lưới điện trên đảo. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Giám đốc Điện lực Phú Quý Phạm Văn Thanh cho biết, trước đây, ở đảo Phú Quý, người dân sử dụng đèn sợi đốt thắp sáng sinh hoạt là chủ yếu vì giá thành rẻ. Nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng và có phương pháp thực hiện tốt, đến nay, toàn bộ số đèn sợi đốt trên huyện đảo đã được thay thế bằng đèn Compact tiết kiệm điện, giảm công suất phát tương đương với một tổ máy 500kW. Thực hiện chương trình tiết kiệm điện trong năm nay, Điện lực Phú Quý đã phát 7000 cẩm nang sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cho người dân trên 03 xã Tam thanh, Ngũ Phụng và Long Hải; phối hợp với chính quyền địa phương hưởng ứng chiến dịch giờ trái đất. Điện lực đã thống kê số lượng đèn chiếu sáng và các loại bình nấu nước công suất lớn của tất cả thành khách hàng sử dụng điện để xây dựng chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại Huyện đảo Phú Qúy. Sản lượng điện tiết kiệm 4 tháng đầu năm 2016  là 118.340 kWh đạt 133 % , chiếm 2,79 % điện thương phẩm (kế hoạch giao là 2,1%).
 

Phát bóng đèn Compart và tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện cho bà con xóm chài xã Long Hải. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Khách hàng sử dụng điện thanh toán thông qua Bưu cục và Ngân hàng Agribank  với các hình thức: Tại quầy giao dịch của ngân hàng hoặc máy ATM, nhờ thu tự động, Ủy nhiệm thu, Ủy nhiệm chi…  Phú Quý đã triển khai lắp đặt 100% công tơ điện tử (khoảng 6.469 công tơ) nên việc ghi chỉ số công tơ thực hiện đo ghi từ xa.
 
Nhằm tiếp tục đảm bảo cung cấp điện ổn định 24/24 giờ, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện đảo Phú Quý giai đoạn 2016-2020. Công ty Điện lực Bình Thuận đầu tư sửa chữa thay thế trọn bộ 4/6 động cơ máy phát điện 0,5MW được lắp đặt từ năm 1998 với giá trị 8,1 tỷ đồng (2 máy còn lại sẽ thực hiện năm 2017); sửa chữa cải tạo lưới điện với giá trị 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Điện lực Bình Thuận đang triển khai 03 dự án gồm: Dự án “Mở rộng nguồn Diesel Phú Quý” với qui mô công suất tăng thêm 5MW; Dự án “Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế huyện đảo Phú Quý”, theo đó, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 28,22km trung thế; 22,56km hạ thế; 5.620 kVA trạm biến áp phân phối; Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh điện trên huyện đảo Phú Quý”, với tổng giá trị đầu tư 3 dự án trên là 271 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2016-2017, khi hoàn thành sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho huyện đảo Phú Quý giai đoạn 2016-2020. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho đảo Phú Quý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên huyện đảo. 
 

 Phòng giao dịch khách hàng trên đảo Phú Quý. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với hơn 29 ngàn dân, thì nhu cầu sử dụng điện ở Phú Quý là không lớn, chủ yếu là sinh hoạt, chưa có cơ sở sản xuất tiêu thụ điện năng lớn nên doanh thu không lớn, nếu tính chi phí đầu tư thì thu không đủ bù chi.
 
Dẫu huyện đảo Phú Quý vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Phú Quý hôm nay đã đong đầy hạnh phúc trong ánh mắt rạng ngời của các em nhỏ chụm đầu bên chiếc tivi, trong tiếng cười của các mẹ các chị đón tàu đánh cá về đã có điện ướp đông hải sản…trong những niềm hạnh phúc ấy có một phần công sức rất lớn của anh em thợ điện trên đảo đang ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, giữ nguồn điện sáng cho đảo tiền tiêu.
Thanh Mai/Icon.com.vn