Sự kiện

Thắp sáng những vùng quê

Thứ tư, 4/5/2016 | 08:55 GMT+7
Với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội 21 tỉnh/thành phố miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, chỉ trong 10 năm trở lại đây, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng đường dây và trạm biến áp phân phối cấp điện cho hàng triệu hộ dân nông thôn. 


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo đó, hệ thống lưới điện được mở rộng, điện được đưa về thắp sáng khắp thôn xóm, buôn làng xa xôi, điện vượt biển thắp sáng niềm tin nơi hải đảo. 
 
Địa bàn EVN SPC quản lý và bán điện chủ yếu là vùng nông thôn sông nước miền Tây Nam bộ, hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc đầu tư xây dựng các công trình điện gặp rất nhiều khó khăn nhất định do dân cư sống thưa thớt, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, thậm chí nhiều vùng chưa có đường giao thông chính. Bên cạnh những khó khăn về địa hình, địa lý còn khó khăn về nguồn vốn hạn hẹp, tuy nhiên, hàng năm EVN SPC vẫn “khéo co” dành hàng ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình điện trọng điểm, phục vụ quá trình điện khí hóa nông thôn, cấp điện các huyện đảo. Từ năm 2005-2014, EVN SPC đã đầu tư 15.508 tỷ đồng xây dựng 2.226km đường dây và trạm 110kV, 15.202,5km đường dây trung thế, 13.887km đường dây hạ thế và trạm phân phối, cấp điện cho thêm cho gần 5 triệu khách hàng. Tính đến nay, tổng số khách hàng của EVN SPC đạt hơn 7,3 triệu khách hàng. Tỷ lệ hộ dân có điện tăng từ 87,9% (năm 2005) lên 98,49 (năm 2014). EVN SPC đã cấp điện thêm cho gần 1,8 triệu hộ dân nông thôn, tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện từ 85,2% (năm 2005) lên 97,92% (năm 2014). 
 
Thực hiện Chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến hộ dân khu vực nông thôn, từ năm 2008 -2015, EVN SPC đã tiếp nhận 380 xã với khối lượng 6.392km đường dây hạ áp, xóa 7.841 công tơ tổng/cụm để bản điện trực tiếp đến 591.670 hộ sử dụng, với tổng chi phí 643 tỷ đồng.
 
Hiện nay, EVN SPC đã bán điện trực tiếp đến 100% hộ sử dụng ở 15 tỉnh/thành phố, gồm: Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Nai, Bình Thuận và TP Cần Thơ. Tại 4 tỉnh: Tiền Giang, Ninh Thuận, Đồng Tháp và Vĩnh Long cũng đã bán điện trực tiếp đến phần lớn hộ sử dụng.
 
Năm 2008, sau khi Dự án cấp điện cho các thôn buôn tỉnh Lâm Đồng được phê duyệt với tổng vốn đầu tư là 210,3 tỷ đồng, EVN SPC đã xây dựng 421 km đường dây trung thế, 862,5km đường dây hạ thế, trạm biến áp dung lượng 13.127kVA, cấp điện cho 27.339 hộ đồng bào dân tộc ít người ở 475 thôn buôn thuộc 116 xã của 12 huyện/thị tỉnh Lâm Đồng. 
 
Thôn 5, xã Rômen, huyện Đam Rông, một trong những thôn được hưởng lợi từ dự án, có 100% hộ dân đồng bào dân tộc Hơ Mông di cư từ vùng núi cao Tây Bắc để đến đây xây dựng kinh tế mới. Nhìn những con đường bê tông chạy dài, những rẫy cà phê xanh mướt đang kỳ trổ hoa, những ngôi nhà mọc lên san sát, điện lưới quốc gia được kéo về tận thôn bản khó có thể hình dung được gần 10 năm trước nơi đây chỉ là vùng đất hoang vu. Trước khi chưa có điện lưới quốc gia, cuộc sống người dân ở đây khá vất vả, chủ yếu chỉ dựa vào nương, rẫy. Khi Dự án cấp điện cho các thôn buôn Tây Nguyên được thực hiện, điện kéo đến đâu, xóm, ấp theo đó mà thay đổi, phát triển từng ngày, mọi sinh hoạt của người dân đều được cải thiện, việc  học của trẻ em tốt lên nhiều, nhà nhà mua sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện… 
 
Năm 2012, EVN SPC thực hiện Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang với tổng vốn đầu tư hơn 1.216,15 tỷ đồng, xây dựng 1.000,31 km đường dây trung thế, 2.900,24 km đường dây hạ thế, 1.746 trạm biến áp/35.674,5 kVA, cấp điện cho 82.386 hộ dân ở 427 xã. 
 
Điện về đã tạo tiền đề cho bà con mở rộng sản xuất, tăng sản lượng cây trồng, phát triển làng nghề. Với sự hỗ trợ của các loại máy móc chạy bằng điện, chi phí sản xuất giảm, công việc bớt cực nhọc mà lại tăng thu nhập nên đời sống người dân được cải thiện rất nhiều. 
 
Trên những cánh đồng trồng lúa, hoa mầu, người dân sử dụng máy bơm điện tưới nước cho cây trồng. Đêm về, điện sáng khắp khóm ấp, tiếng trẻ học bài, âm thanh quen thuộc phát ra từ những chiếc tivi  làm tăng thêm không khí rộn ràng ở những vùng quê “trầm lặng”. Có điện, bà con  đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi. Điện giúp bà con tiếp cận được với tình hình trong nước và thế giới qua chương trình truyền hình. Các chương trình khuyến công, khuyến nông  trên truyền hình đã trở thành buổi học nâng cao kiến thức về khoa học- công nghệ. Qua các chương trình này, người dân hiểu, học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật, thâm canh cây trồng, vật nuôi, làm vườn ao chuồng theo cách khoa học, mang lại năng suất và hiệu quả cao.
 
Đầu tư mở rộng lưới điện, thực hiện nhiều dự án đưa điện về vùng nông thôn, vùng sâu, miền núi phục vụ đồng bào dân tộc, đã tạo điều kiện cho đồng bào có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ khi có lưới điện quốc gia kéo về phục vụ bà con, mong ước bao lâu nay đã được thỏa nguyện, đồng bào dân tộc Khmer càng thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Họ quyết tâm, chí thú làm ăn, vươn kên thoát nghèo. Điều này tác động rõ nét vào việc thúc đấy phát triển kinh tế địa phương.
 
Các Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang mang ý nghĩa quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc của thành phố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội địa phương. Đồng thời tạo sự chuyển biến rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa khu vực nông thôn với thành thị nhằm từng bước đưa các phum sóc thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, chậm phát triển. Dự án hoàn thành đã cung cấp điện ổn định, có chất lượng cho các đồng bào dân tộc Khmer ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang. Lưới điện được đảm bảo về kỹ thuật, an toàn điện, tổ chức bán điện trực tiếp đến các hộ dân góp phần giảm giá điện ở nông thôn, đem lại lợi ích lâu dài, bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer ở Tây Nam Bộ. 
 
Một số dự án khác như dự án cấp điện cho các trạm bơm nông nghiệp ở An Giang do EVN SPC thực hiện từ năm 2008-2013 với tổng vốn đầu tư 171,7 tỷ đồng, lắp đặt 1.535 trạm bơm điện, đã hỗ trợ hệ thống tưới tiêu của hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp, giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng lúa thu hoạch. Năm 2013-2014, EVN SPC đã bố trí 175 tỷ đồng để đầu tư lưới điện phục vụ cho nhu cầu trồng cây thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
 
Sau thời gian nỗ lực thực hiện, đầu tháng 2-2014,  “Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc” với tổng mức đầu tư 2.336 tỷ đồng đã hoàn thành, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống điện Quốc gia với khả năng truyền tải công suất lên đến 131MVA, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo; đồng thời giảm giá điện từ mức trung bình là 5.060 đ/kWh xuống bằng giá đất liền. 
 
Trong tiến trình cải tạo, xây dựng, hiện đại hóa lưới điện nông thôn khu vực miền Nam, EVN SPC ngày càng đa dạng hóa hình thức và đối tác hợp tác nhằm tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện. Một trong những dự án đã được thực hiện thành công là Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn (vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức –KfW). Mục tiêu Dự án là cải tạo và nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp, trạm biến áp và công tơ tại các khu vực lưới điện nông thôn sau khi tiếp nhận, nhằm khắc phục tình trạng quá tải điện áp, đáp ứng nhu cầu phụ tải, đảm bảo chất lượng điện năng và tiêu chuẩn an toàn điện, giảm tổn thất, đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và các nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng điện và dịch vụ điện phục vụ khách hàng. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.036 tỷ đồng với khối lượng gồm: 862 km đường dây trung thế, 3.124 km đường dây hạ thế và tổng dung lượng trạm là 45,2 MVA. 
 
Những thành công trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân 17 tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ một phần nhờ cơ sở hạ tầng về điện và công cuộc điện khí hóa nông thôn.
Thanh Mai/Icon.com.vn