Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành khảo sát hệ thống cấp điện trên các đảo. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên…Chính điều kiện này đã làm cho vùng biển nơi đây in đậm những dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ là căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.
Chúng tôi được lên 6 đảo chìm là: Đá Lớn A-C, Tốc Tan C, Núi Le A, Thuyền Chài A, Đá Tây và Cô Lin trong số 12 đảo chìm hiện có. Điều dễ nhận thấy nhất là về điều kiện sống thiết yếu như rau xanh, nước uống, tắm giặt…khá khó khăn, bởi đảo chìm không có đất nên các chiến sĩ phải trồng rau xanh trong chậu hoặc khay nên rau xanh trên đảo có trồng để ăn cũng chỉ “thao thảo” vậy. Những chuyển hàng tiếp phẩm từ đất liền đưa ra là các loại để lâu được như bầu, bí, khoai tây. Nước ngọt trên đảo chủ yếu dùng nước mưa. Năm nay, biến đổi khí hậu nên mưa ít, nước ngọt phải chở từ đất liền ra. Anh em chiến sĩ dùng hết sức tiết kiệm, chỉ khoảng 7 lít/người/ngày. Chỉ huy Trưởng đảo Núi Le A- Đại úy Vũ Phúc Hải cho biết, năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016, anh em chiến sĩ trên đảo đã trồng và thu hoạch được 297kg rau xanh, đánh bắt được 220kg cá và chăn nuôi thu hoạch được 174kg thịt. Cũng như các đảo chìm, để cho bừa cơm thêm tươi, anh em chiến sĩ đảo Thuyền Chài tích cực chủ động tăng gia chăm sóc cây xanh, gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản. Tổng số tiền thu được từ tăng gia trong 5 tháng được khoảng 26,5 triệu đồng. Chỉ huy Trưởng đảo Thuyền Chài- Đại úy Trần Bá Việt cho biết, anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất tích cực tham gia công tác từ thiện, như ủng hộ Quỹ Phan Vinh, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ ngày vì người nghèo, Quỹ vì trẻ thơ, Quỹ ngôi nhà,..năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016 đã quyên góp ủng hộ cho các quỹ được hơn 36,2 triệu đồng.
Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được tổ chức trang trọng trên tàu Kiểm ngư 490. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Khu vực đảo Đá Tây có độ ẩm trung bình hàng năm khá cao từ 76% đến 80%, cao nhất lên tới 97%. Độ ẩm mang theo nhiều hơi sương muối làm cho thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng. Mỗi năm có tới hơn 130 ngày có gió từ cấp 6 trở lên. Gió Đông Bắc thổi từ tháng tháng 10 đến tháng 3 năm sau, gió Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 10. Chúng tôi đến đảo Đá Tây vào thời gian và thời điểm ít gió mạnh nhất, do thời gian này chuyển tiếp từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam. Chỉ huy Trưởng đảo Đá Tây- Đại úy Lâm Thế Phong cho biết, từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua khu vực đảo, có những tháng cao điểm mưa to, gió lớn gây khó khăn cho tàu ra neo đậu. Anh em trên đảo thực hiện khá tốt công tác dân vận với các lực lượng đóng quân trên đảo và ngư dân, tạo địa bàn an toàn, môi trường hòa bình trên biển; hướng dẫn các tàu cá của ngư dân vào lòng hồ tránh bão, cứu hộ tàu cá ngư dân bị nạn trên biển; giúp đỡ ngư dân khám chữa bệnh khi có yêu cầu. Từ đầu năm đến nay, đã khám và cấp thuốc cho 305 lượt ngư dân và dân, thực hiện 12 ca tiểu phẫu do tai nạn trên biển; tiếp nhận 1020 lượt tàu vào đảo tránh trú bão, cứu hộ 2 tàu gặp nạn, cấp cứu vận chuyển 6 lượt bệnh nhân, 29 lượt tàu đánh cá ngư dân vào âu tàu sửa chữa; cung ứng trên 33 tấn lượng thực thực phẩm, 200 khối dầu, cấp 2140 mét khối nước ngọt miễn phí cho ngư dân… tạo niềm tin cho ngư dân bám ngư trường, góp phần quản lý bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn DK1/17 chuẩn bị đón khách. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đảo An Bang là một trong 9 đảo nổi, với diện tích nổi và thềm san hô khoảng 2,1km. Bãi cát phía bờ Nam của đảo thường thay đổi theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm được bồi thêm cát thành một bãi cát dài. Đến tháng 8 bãi cát này dịch chuyển sang bờ Đông của đảo. Do cấu trúc san hô của đảo dựng đứng nên nơi đây bốn mùa sóng vỗ, việc ra vào đảo rất khó khăn và nguy hiểm. Số ngày nắng, nóng, giông tố nhiều nên ngay từ việc tăng gia sản xuất ở đảo này cũng vất vả hơn. Các “vườn rau” tăng gia sản xuất liên tục tùy nghi di chuyển để tránh gió. Thổ nhưỡng ở đảo là cát san hô, bề mặt có phủ một lớp bùn mỏng nhưng vẫn nghèo chất dinh dưỡng nên cây cối không phát triển. Ngay như cây bàng thường, bàng vuông, phong ba là những loài cây “rất chịu” với cái nắng nóng và gió của Trường Sa cũng bị khuất phục ở An Bang, vài cây bàng còn tồn tại đều được trồng ở khu vực có bóng mát nhờ dãy nhà 3 tầng.
Vườn treo trên nhà giàn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Chỉ huy trưởng đảo An Bang- Trung tá Phạm văn Lợi cho biết, trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, đảo đã cấp cứu kịp thời cho 9 ngư dân gặp nạn trên biển, với các bệnh chủ yếu như đau quặn thận, apces ruột thừa, viêm đa khớp, suy kiệt tràn dịch khớp gối, nhiễm độc thức ăn, chấn thương do lưới câu mắc…; khám điều trị và cấp thuốc cho 187 lượt ngư dân; giúp đỡ 9.500 lít nước ngọt và một số nhu yếu phẩm cho ngư dân trên biển; đồng thời, tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật, bám biển, bám ngư trường vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần xây dựng thế trận chống kẻ thù.
Chăn nuôi gia cầm trên đảo Thuyền Chài. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Lính Trường Sa, ở đảo nào cũng đều có nước da đen mặn mòi và câu chào nụ cười luôn đi trước. Trường Sa quý người, hiếu khách lắm. Được người đất liền nắm tay cười hỏi đều bối rối cảm động. Những gì bình thường nhất ở đất liền khi ra đảo, nhà giàn cũng làm ta rưng rưng muôn nỗi.
Khác với đảo chìm, đảo nổi, cuộc sống của những người lính ở nhà dàn DK1/17 (thuộc Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Đông Nam) vất vả, khó khăn hơn. Nhà dàn được dựng trên những trụ sắt cắm sâu vào lòng biển để vươn cao lên trời xanh. Trên nhà dàn vẫn trồng được nhiều loại rau xanh lên mơn mởn, vẫn nuôi được những con heo béo mông đỏ da. Dưới chân nhà dàn, nổi lên từng đàn cá. Nhìn cách đàn cá bơi là thấy được nó đã quen quần tụ với Nhà giàn.
Bầu, bí được bảo quản cẩn thận. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Sau khi Trung Quốc xâm chiếm một số bãi đá ngầm và đảo Gạc Ma của Việt Nam năm 1988, việc tăng cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc, trong đó có thềm lục địa đặt ra bức bách. Ngày 5-7-1989, Hội đồng Bộ trưởng chính thức tuyên bố thành lập Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (DK1) tại thềm lục địa phía Đông Nam nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam. Nhiều Nhà giàn đã được dựng nên trên biển cả.
Vào những năm 1990, 1996, 1998 và 2000, với sức tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã làm đổ một số Nhà giàn. Đại tá Hoàng Ngọc Dương kể lại, chiều ngày 4-12-1990, khi cơn bão số 10 có sức gió giật cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, Trạm trưởng Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần- Trung úy Bùi Xuân Bổng và Trạm phó Chính trị-Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn ra sức chống chọi với cơn bão. Đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, Nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, trong đó 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng – Trạm phó Chính trị Nhà giàn DK1/ 3 Phúc Tần đã nêu cao vai trò lãnh đạo của người Bí thư Chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ của đại dương. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho một chiến sĩ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.
Tuy bé nhỏ, nhưng những điểm đảo, nhà giàn luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Cơn bão số 8 năm 1998 đã quật đổ Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên. Trong cơn bão, 9 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK 1/16 Phúc Nguyên đã kiên cường bám trụ, giữ vững thông tin, chống chọi cùng sóng gió bão táp cho đến khi Nhà giàn bị đổ cả 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển. Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An và Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng đã gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi, nằm lại với biển khơi, hóa thân cùng sóng nước đại dương. Trên hành trình đến với Nhà giàn DK1/17 Phúc Tần, đoàn công tác số 15 đã tổ chức Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam. Trong hương hoa tưởng niệm ngát thơm mặt biển, lời tri ân của đoàn đối với các liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp Nhà giàn được xướng lên thiết tha, vang vọng như thấu tận thẳm sâu lòng biển.
Những nhà dàn bị đổ đã được dựng lại, gia cố trụ dàn chắc chắn hơn, vững chãi hơn. Thượng úy Trương Xuân Thắng- Nhà giàn DK1/17 nói, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/17 Phúc Tần luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, cao cả, vinh dự và đầy trách nhiệm, là trọng trách to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn cũng sẽ nỗ lực hết mình, quyết tâm cao nhất, đoàn kết, đồng sức đồng lòng, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.