Gỡ nút thắt giải tỏa năng lượng tái tạo: PTC3 chủ động chia sẻ khó khăn với các chủ đầu tư

Thứ ba, 21/3/2023 | 14:41 GMT+7
Nếu như nút thắt giải tỏa công suất năng lượng tái tạo (NLTT) của Hệ thống điện Quốc gia nằm ở lưới truyền tải thuộc quyền quản lý và vận hành của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thì nút thắt của lưới điện truyền tải nằm ở lưới điện truyền tải do Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý và vận hành. 

 

 

Nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Chạy dài qua 9 tỉnh duyên hải Nam miền Trung và Tây Nguyên, lưới điện do Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) chủ yếu đi qua miền núi cao, khí hậu 2 mùa khác biệt nhau, khi Tây Nguyên vào mùa mưa lại là mùa nắng ở các tỉnh vùng duyên hải và ngược lại. 

Với địa hình phức tạp, đồi núi quanh co nên công tác quản lý vận hành các đường dây truyền tải 220kV và 500kV vốn đã gặp rất nhiều khó khăn. Vùng duyên hải vốn thuận lợi hơn về địa hình thì nay lại là điểm nóng hơn bao giờ hết do phải khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực ở mức quá cao so với mọi kịch bản đã tính toán của Tổng sơ đồ phát triển điện đã phê duyệt, vì vậy, PTC3 không chỉ chịu thiệt thòi về việc ảnh hưởng xấu đến chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao mà luôn phải vận hành lưới điện trong tình trạng đầy tải, quá tải. Nhằm vận hành tốt lưới điện, hàng năm, PTC3 chủ động tổ chức Hội nghị phối hợp với các Chủ đầu tư Năng lượng tái tạo (NLTT) và các cuộc ”ngồi lại với nhau” đã đem lại cho các bên sự thấu hiểu cũng như chia sẻ để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ với xã hội, với Nhà nước và bản thân Doanh nghiệp.

Nhà máy điện gió và đường dây truyền tải 220kV trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Từ năm 2020 trở lại đây, điện mặt trời và điện gió đã bổ sung cho Hệ thống điện Quốc gia công suất đáng kể, tuy nhiên, cũng vì “công suất đáng kể” đó được bổ sung trong thời gian quá ngắn khiến cho việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) – là nguồn điện có tính chất không ổn định, không liên tục giữa các thời điểm trong ngày và giữa các tháng trong năm vào hệ thống điện tăng nhanh đã đặt ra những thách thức mới trong việc vận hành ổn định, an toàn. Với các chủ đầu tư nguồn điện mặt trời, việc phải giảm phát do nghẽn lưới, nhu cầu phụ tải thấp đã giảm hiệu quả kinh doanh đáng kể. 

Nhà máy điện gió và đường dây truyền tải 220kV địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu nên tiềm năng các nguồn NLTT hiện nay tập trung ở các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên – trong đó có 9 tỉnh mà Công ty Truyền tải điện 3 quản lý và vận hành lưới điện truyền tải. Đáng nói, phụ tải tiêu thụ tại các tỉnh này lại nhỏ, nên gây quá tải hệ thống truyền tải điện. Trong khi đó, việc nghiên cứu, xây dựng và vận hành các thiết bị tích trữ điện năng, xây dựng hệ thống dự báo thời tiết, khí tượng theo thời gian thực,…vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế. Vì những lẽ đó, hàng năm, PTC3 phối hợp với các Chủ đầu tư Nhà máy Năng lượng tái tạo để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc trong quá trình vận hành.

Nhà máy điện gió đang được triển khai xây dựng tại Lâm Đồng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, hiện nay, tỷ trọng các nguồn NLTT trên tổng công suất đặt toàn Hệ thống điện Quốc gia đã rất cao (khoảng 26,8%), trong đó, điện gió là 5.059MW, điện mặt trời 8.908MW và điện mặt trời mái nhà 7.660MW. Tính đến thời điểm hết tháng 12-2022, có 36 Nhà máy điện gió (tổng công suất 1.977MW), 93 Nhà máy điện mặt trời (tổng công suất 5.434MW), 107 Nhà máy thủy điện nhỏ (tổng công suất 939MW) và 2.624 MW điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện truyền tải do PTC3 với tổng công suất năng lượng tái tạo là 10.974MW.

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 3 kiểm tra vận hành trạm biến áp. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Tốc độ phát triển nhanh của các nguồn điện mặt trời trong thời gian ngắn đã làm cho một số đường dây 220kV, máy biến áp 220kV tại các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Ðồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Ðịnh, Gia Lai, Đắk Lắk đều vận hành đầy tải. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác bảo dưỡng sửa chữa của PTC3 phải chuyển sang làm vào chiều tối hoặc đêm, khi các nguồn điện mặt trời đã giảm/ngừng phát. Trong mùa lũ, ở khu vực Tây Nguyên, ngay cả ban đêm các máy biến áp 500kV, đường dây truyền tải vẫn mang tải rất cao, khi cắt điện phải giảm huy động nguồn. Vì thế, công tác bảo dưỡng sửa chữa, cải tạo nâng cấp lưới điện hoặc đấu nối công trình mới ở địa bàn thuộc PTC3 quản lý hết sức khó khăn do không thể bố trí cắt điện dài ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn điện trong khu vực. 

Nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Trong năm 2022, PTC3 thực hiện 1014 lần cắt điện để sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, trong đó: 168/1014 lần (16,57%) cắt điện đêm, tổng thời gian cắt điện đêm là 635 giờ; 846/1014 lần (83,43%) cắt điện ban ngày, tổng thời gian cắt điện ngày là 4581 giờ; số lần cắt điện trễ so với kế hoạch 132/1014 lần (13,02%). 

Chủ động tính toán và phối hợp tốt giữa các nhà máy NLTT và các đơn vị điều độ nên lưới điện truyền tải do PTC3 quản lý luôn được vận hành an toàn, ổn định. Chưa nói tới địa hình phức tạp, thì việc lao động vào ban đêm tiềm ẩn rất cao nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, nhất là làm việc trên cao, phải tăng số nhân lực để bù lại hiệu suất công việc giảm; chất lượng công việc giảm vì không đủ ánh sáng để thực hiện bố trí sơ đồ, lắp đặt dụng cụ, di chuyển trên cao, khó quan sát, kiểm soát và phát hiện kịp thời khi có bất thường xảy ra.

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 3 kiểm tra vận hành trạm biến áp. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Cắt điện để đảm bảo cho PTC3 thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thí nghiệm định kỳ theo quy định đang là vấn đề khó khăn đối với công tác điều độ hệ thống điện. Bởi vì, việc cắt điện của lưới điện 220kV ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo cung cấp điện. Đơn cử, trong năm 2022, để thay cột vị trí 16 đường dây 220kV Tuy Hòa – Quy Nhơn thì đường dây 220kV Nhị Hà – Thuận Nam và Ninh Phước 2 – Thuận Nam bị quá tải lên tới 134% và giảm phát gần 280MW; cắt điện máy biến áp AT2 – 900MVA Đăk Nông đã gây quá tải cho máy biến áp AT1 – 450MVA Đăk Nông lên tới 114%, TBA 220kV Chư Sê – Playku 2 quá tải 107% và giảm phát 200MW; cắt điện đường dây 220kV Nha Trang – Thiên Tân để dựng trụ mạch 2 đã gây quá tải đường dây 220kV Nhị Hà – Thuận Nam, Ninh Phước – Thuận Nam và giảm phát 200MW; cắt điện đường dây 220kV Nha Trang – Krong Buk để thi công mạch 2 đã gây quá tải đường dây 220kV Tuy Hòa – Quy Nhơn lên tới 175% và nguồn tại khu vực này phát không quá 56% công suất đặt. Điều dễ nhận thấy là cắt được điện để thực hiện củng cố lưới đã khó, nhưng khi cắt điện thì mọi gánh nặng lại đề lên vai “vận hành”.

Nhà máy điện gió đang được triển khai xây dựng tại Lâm Đồng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Làm việc trong điều kiện như vậy thì có hàng nghìn lý do để những người làm công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải khu vực “nút thắt” năng lượng tái tạo từ bỏ công việc khó khăn và nguy hiểm, nhưng chỉ có một lý do để họ trụ vững là giữ cho dòng điện thông suốt hai miền Nam – Bắc. Đây là lý do để họ có đủ niềm tin vượt qua gian khổ và từng bước, từng bước đi đến thành công.

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 3 kiểm tra vận hành đường dây truyền tải. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

PTC3 giao cho các đơn vị Truyền tải điện trực tiếp làm việc với từng nhà máy điện NLTT trên địa bàn đơn vị quản lý để phối hợp đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải. Trong bất kỳ điều kiện nào thì công tác bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thí nghiệm định kỳ thiết bị phải được duy trì hàng năm và đúng tiến độ. Đồng thời, luôn thực hiện đầy đủ quy chế phối hợp quản lý, vận hành với các nhà máy NLTT như thông tin về tình trạng đầy, quá tải; bất thường, sự cố; thao tác cắt điện/cô lập/đóng điện đường dây; cách thức trao đổi thông tin phục vụ phối hợp quản lý vận hành và xử lý sự cố. ký cắt điện, phiếu thao tác… 

Công nhân Truyền tải Điện Bình Định sử dụng thiết bị bay kiểm tra đường dây truyền tải. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Đối với các nhà máy điện, đặc biệt tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận là khu vực tập trung nhiều nhất các Nhà máy điện mặt trời, điện gió đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 220kV hiện chưa có ngăn vòng và thanh cái vòng, vì vậy, để đảm bảo không gián đoạn lưới điện truyền tải khi hư hỏng thiết bị hoặc khi thí nghiệm định kỳ thiết bị, theo PTC3 thì các Chủ đầu tư cần bổ sung các thiết bị này và xử lý triệt để các tồn tại sau khi đấu nối. 

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 3 kiểm tra vận hành đường dây truyền tải. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Theo kế hoạch năm 2023, điện thương phẩm giao xuống giảm vì công suất NLTT được đưa vào vận hành nhiều, ban ngày là điện mặt trời và ban đêm là điện gió phát huy hiệu suất hoạt động. Chưa kể, hiện còn khoảng 300MW điện gió chuẩn bị đưa vào vận hành. Trong khi đó, lưới điện truyền tải vẫn luôn tình trạng đầy tải, quá tải, gây áp lực rất lớn trong việc bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống.

Công nhân Truyền tải Điện Bình Định sử dụng thiết bị bay kiểm tra đường dây truyền tải. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Hội nghị về Năng lượng tái tạo năm 2023 do PTC3 tổ chức là sự kết nối, truyền cách nghĩ, cách làm giữa đơn vị vận hành và các Nhà máy năng lượng tái tạo; là diễn đàn để chia sẻ “túi khôn” cho nhau, đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của năng lượng tái tạo và bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống truyền tải điện.

 

Thanh Mai