Sự kiện

Góp phần đưa điện về vùng khó khăn

Thứ ba, 27/4/2010 | 10:54 GMT+7

Với nhiều khó khăn, nước ta luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của bè bạn quốc tế, nổi bật phải nói đến Thuỵ Điển, một trong những nước có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Đối với Hà Giang, Thuỵ Điển đã giúp cho tỉnh ta nhiều chương trình, trong đó có Chương trình năng lượng nông thôn.

 

Công nhân đang vận hành nhà máy thuỷ điện Thượng Sơn (Vị Xuyên), một công trình do Thuỵ Điển tài trợ.

Đây là một chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, được triển khai thí điểm tại Việt Nam với 2 tỉnh được ưu tiên triển khai là Hà Giang và Quảng Nam. Thông qua chương trình đầu tư không hoàn lại này sẽ đem lại lợi ích cho không ít hộ dân ở vùng chưa có khả năng nối được với lưới điện Quốc gia trong vòng 5 đến 10 năm tới.

 

Hỗ trợ thông qua tổ chức SIDA, đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã triển khai 2 dự án thuỷ điện tại xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) và xã Tiên Nguyên (Quang Bình). Mục tiêu là cung cấp điện sinh hoạt cho khoảng trên 500 hộ dân, hỗ trợ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng. Với những nỗ lực của nhà đầu tư, thi công, 2 công trình thuỷ điện đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhà máy thuỷ điện Thượng Sơn có công suất 114kW, nhà máy thuỷ điện Tiên Nguyên là 50kW. Tổng giá trị đầu tư của thuỷ điện Thượng Sơn là trên 12 tỷ đồng; công trình Tiên Nguyên là khoảng 10 tỷ đồng (gồm cả vốn đối ứng của tỉnh).

 

Thuỷ điện Thượng Sơn, Tiên Nguyên là những dự án đầu tiên của Hà Giang được triển khai theo hình thức tổng thầu, bao gồm các khâu như khảo sát, thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị và thi công xây dựng. Qua đó, quá trình triển khai xây dựng khá nhanh và hiệu quả. Sự ra đời của 2 công trình trên hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả trong việc tận dụng tài nguyên nước cho thuỷ điện, thuỷ lợi và cấp điện sinh hoạt cho những hộ dân vốn rất khó có khả năng được dùng điện lưới Quốc gia trong 5 đến 10 năm tới.

 

Tuy nhiên, việc ra đời những nhà máy thủy điện nhỏ như Thượng Sơn, Tiên Nguyên cũng đặt ra một vấn đề, làm sao để quản lí và vận hành hiệu quả các nhà máy này từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ, bảo dưỡng nhà máy một cách lâu dài… Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án thuỷ điện vừa và nhỏ đã được đầu tư xây dựng, nhưng số nhà máy hoạt động hiệu quả thì còn là một vấn đề đáng quan tâm. Theo thống kê, báo cáo của ngành chức năng, hiện nay tỉnh  có 7 nhà máy thủy điện nhỏ nối lưới và 13 nhà máy thuỷ điện nhỏ không nối lưới, được đầu tư từ trước năm 2005. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 7 nhà máy thuỷ điện nhỏ nối lưới do Điện lực tỉnh Hà Giang và các doanh nghiệp quản lí, cơ bản được vận hành bình thường. Với 13 nhà máy thuỷ điện nhỏ không nối lưới, do các xã quản lí, cơ bản đã tạm ngừng hoạt động hoặc có nhà máy còn hoạt động, nhưng không mạnh. Nguyên nhân được cho là thiếu kinh phí, thiếu trình độ quản lí, vận hành, từ khi các nhà máy trên được đưa vào sử dụng đến nay chưa được duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa lớn. Do đó, đa phần máy móc, thiết bị đã hỏng hóc, xuống cấp, một số nhà máy do thiếu nước phải ngừng hoạt động…

 

Từ thực tế trên, để có thể sử dụng một cách có hiệu quả nhà máy phát điện Thượng Sơn và Tiên Nguyên thuộc Chương trình Năng lượng nông thôn Việt Nam – Thuỵ Điển, cần có một cách quản lí hiệu quả. Qua đó, tháng 3.2009, Hợp tác xã Năng lượng nông thôn đã được ra mắt để tiếp nhận và vận hành các nhà máy thuỷ điện thuộc chương trình này. Hợp tác xã có 16 cán bộ, được tuyển chọn từ chính các địa phương Thượng Sơn và Tiên Nguyên. Tháng 6 năm 2009, cán bộ, nhân viên của Hợp tác xã đã được đưa đi đào tạo tại trường Cao đẳng Điện lực Hà Nội và được cấp chứng chỉ nghề điện. Số công nhân này khi trở về được tham gia trực tiếp vào quá trình tháo, lắp các thiết bị của các nhà máy điện trong suốt quá trình nhà thầu lắp đặt thiết bị. Qua đó, đã được làm quen với nhà máy, tiếp cận với công nghệ, máy móc mới. Theo đánh giá, qua quá trình vận hành thử, đội ngũ quản lý trên đã vận hành các nhà máy tương đối tốt.

 

Với phương thức quản lí mới, các dự án thuỷ điện do Thuỵ Điển tài trợ sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ vì không chỉ mang lại lợi ích trong việc cung cấp điện sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân khu vực vùng sâu, vùng xa ít có khả năng nối lưới Quốc gia mà nó còn tiết kiệm được chi phí đầu tư xây dựng. Công trình thuỷ điện Thượng Sơn là một ví dụ, nếu kéo điện lưới Quốc gia vào 4 thôn được hưởng điện từ nhà máy thuỷ điện của xã thì khối lượng đầu tư đường dây, trạm biến áp…, ước sẽ tốn khoảng 30 tỷ đồng, so sánh với phương án đầu tư thuỷ điện nhỏ sẽ tiết kiệm được hơn một nửa chi phí.

 

Thông qua chương trình này, điện đã đến tận các thôn, bản còn rất nhiều khó khăn như Bó Đướt, Khuổi Luông, Cao Bành và Đán Khao của xã Thượng Sơn, nhiều hộ dân ở Tiên Nguyên… Chị Hoàng Thị Thông, một người dân ở xã Thượng Sơn cho biết, có điện là một mơ ước của mỗi người dân trong xã, lũ trẻ trong xóm sẽ không phải học bài dưới ánh đèn dầu, được xem ti vi như ở ngoài phố, vì thế người dân rất biết ơn Nhà nước. Ghi nhận những kết quả trong việc triển khai các Dự án Thuỷ điện thuộc Chương trình Năng lượng nông thôn, trong buổi lễ khánh thành Nhà máy Thuỷ điện Thượng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Đình Châm khẳng định việc đầu tư cho các nhà máy trên là rất hiệu quả, nhưng để đảm bảo việc quản lí, vận hành, đem lại lợi ích lâu dài, ngành chức năng, huyện và xã cần chỉ đạo Hợp tác xã Năng lượng quản lí, sử dụng tốt các nhà máy; cần tuyên truyền để người dân biết sử dụng điện một cách có hiệu quả, cần tận dụng nguồn nước của nhà máy thuỷ điện cho sản xuất nông nghiệp…

 

Xuất phát từ lợi ích của những công trình trên, nên chăng tỉnh cần xem xét tìm giải pháp quản lí, vận hành để phát huy hiệu quả những nhà máy thuỷ điện do các xã đang quản lí nhưng đang phải tạm ngưng hoạt động hoặc vận hành không hiệu quả. Từ đó, nâng cấp, sửa chữa để bán điện vào lưới Quốc gia hoặc phục vụ cho những nơi không có điều kiện, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của địa phương, nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

 

Theo:Báo ĐT Hà Giang