Sự kiện

Điện lực Sơn La : 20 năm giữ vững truyền thống và khát vọng

Thứ năm, 22/4/2010 | 11:24 GMT+7

Ngày 13/3/2010, hơn 1 nghìn cán bộ, công nhân viên Điện lực Sơn La đã vui mừng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (13/3/1990-13/3/2010) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì. Thạc sỹ Lê Quang Thái - Giám đốc Điện lực Sơn La, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Điện lực xoay quanh những bước trưởng thành của đơn vị, cũng như những thách thức trên con đường hội nhập của một doanh nghiệp đầu ngành của tỉnh Sơn La...

Ông Hoàng Chí Thức - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao Huân chương lao động hạng Nhì cho Điện lực Sơn La

PV:  Ông có thể điểm lại những nét chính trong chặng đường 20 năm đã qua của Điện lực Sơn La?

GĐ Lê Quang Thái: Cách đây 48 năm, khi nước nhà còn chìm trong bom đạn của ngoại xâm, những cơ sở phát điện đầu tiên để phục vụ hoạt động của trung tâm hành chính khu tự trị Thái Mèo là “viên gạch đầu tiên” đặt nền móng cho Điện lực Sơn La.

Thời kỳ cả nước chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các tổ máy phát điện của Xí nghiệp điện 1.5 (tiền thân của Điện lực Sơn La) đã phải di chuyển hết từ địa điểm này đến địa điểm khác, thậm chí vận hành trong hang đá để tránh những trận mưa bom ác liệt của kẻ thù, giữ dòng điện an toàn, liên tục trong suốt thời kỷ cả nước đánh Mỹ. Đó là kỳ tích lớn lao mà đến hôm nay, những thế hệ công nhân ngành Điện Sơn La vẫn luôn tự hào.

Giai đoạn được coi là tiền đề cho bước phát triển mạnh mẽ của Điện lực Sơn La sau này chính là thập niên 1980, 1990. Cùng với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Sơn La đã quyết tâm phát triển nhanh về nguồn và lưới điện. Nhà máy điện 2/9 (với 4 tổ máy diezen có tổng công suất 1.600 kW) và Nhà máy Thuỷ điện Chiềng Ngàm công suất 2,5 MW đã được đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả. Lần đầu tiên ngành Điện Sơn La có đội ngũ CBCN đủ khả năng vận hành, sửa chữa thiết bị có công suất lớn và tương đối hiện đại.

20 năm không ngừng nỗ lực, đến nay, Điện lực đã trở thành doanh nghiệp đầu ngành của Tỉnh Sơn La, không chỉ đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế của tỉnh, mà còn tích cực mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các lĩnh vực khác như viễn thông, bảo hiểm dựa trên cơ sở lợi thế của sản xuất kinh doanh điện. Các lĩnh vực hoạt động này bước đầu đã đạt được những kết quả tốt và hứa hẹn bước phát triển trong những năm tiếp theo.

PV: Ông có thể cho biết, khi tỉnh Sơn La quyết tâm ưu tiên đẩy mạnh công tác quy hoạch lưới điện trong giai đoạn những năm 1980, 1990, sự chung tay cùng chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương này của ngành Điện nói chung và Điện lực Sơn La nói riêng ra sao?

GĐ Lê Quang Thái: Đầu tiên là phải nói đến những nỗ lực của địa phương. Trong điều kiện còn khó khăn về tài chính, nhưng với quan điểm: “Không có điện, không thể phát triển kinh tế”, tỉnh Sơn La đã huy động tổng lực các nguồn vốn: Vốn ngân sách, vốn từ các dự án và huy động trong nhân dân để đầu tư xây dựng các trạm biến áp, tuyến đường dây trung thế, hạ thế...

Bên cạnh đó, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và đầu tư của EVN, Công ty Điện lực 1 cũng rất quan trọng giúp ĐLSL hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, phân phối và kinh doanh điện. Điện lực đã tập trung tổng lực vào việc tổ chức các hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa nguồn lưới điện, hướng dẫn và giúp đỡ địa phương trong việc quản lý sản xuất các trạm thuỷ điện nhỏ và hướng dẫn nhân dân sử dụng điện, sử dụng có hiệu quả toàn bộ tài sản, lưới điện, nguồn điện được giao quản lý. Thành tựu nổi bật nhất của ĐLSL giai đoạn này chính là đã phối hợp với Viện Năng lượng lập quy hoạch hệ thống điện của tỉnh Sơn La, thực hiện thành công thiết kế sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn 1991 - 1995; quy hoạch dự án điện khí hóa tỉnh Sơn La giai đoạn 1996 - 2000, dự án phát triển lưới điện trong toàn tỉnh và đặc biệt là triển khai có hiệu quả dự án điện khí hóa vùng di dân lòng hồ Thủy điện Hòa Bình.
 


 
Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh trao bằng khen của Bộ Công Thương cho các CBCNV của Điện lực Sơn La tại Lễ nhận Huân chương

 

PV: Tiến trình hội nhập, đổi mới đã đặt ra không ít những khó khăn thách thức, Điện lực Sơn La đã thực hiện các giải pháp gì ?

GĐ Lê Quang Thái: Những năm 2000 – 2005,  nguồn lưới điện do Điện lực quản lý chưa đồng bộ, thiết bị lạc hậu, hệ thống lưới điện nhiều nơi cũ nát, chắp vá chưa được đầu tư cải tạo hoặc thay thế, sửa chữa.

Với mục tiêu quyết tâm đảm bảo cấp điện an toàn liên tục phục vụ phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng (ANQP), đặc biệt là phục vụ xây dựng công trình Thủy điện Sơn La (TĐSL), cấp điện cho tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), Điện lực đã tập trung các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm tổn thất điện năng, ổn định lại hệ thống, quản lý lưới điện nông thôn phát triển đúng quy hoạch. Hết năm 2005 lưới điện trung thế đã được đưa đến trung tâm 100% số xã trong tỉnh.

Cùng với chủ trương phát triển đa ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong những năm qua, Điện lực đã tích cực  mở rộng dịch vụ viễn thông, bảo hiểm. Để hoạt động sản xuất đi ngày càng nền nếp, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, Điện lực đã xây dựng các mục tiêu trọng tâm và giải pháp cho từng lĩnh vực SXKD, bố trí lực lượng CBCN phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn. Đặc biệt trong SXKD điện năng đã có những biện pháp linh hoạt như tăng cường kiểm tra, giám sát mua bán điện & chống tổn thất điện, kiểm tra việc áp giá bán điện chính xác để tận thu giá bán bình quân, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho các phụ tải lớn.

Với mục tiêu của tỉnh Sơn La là đến 2015, 100% hộ dân trong toàn tỉnh Sơn La được sử dụng điện, trong thời gian tới, Điện lực sẽ tích cực phối hợp với chính quyền tỉnh Sơn La triển khai và hoàn thành đúng tiến độ dự án “Cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đến năm 2015, 97% số hộ dân trong tỉnh sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, là tiếp tục hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu SXKD, hoàn thành việc đầu tư xây dựng và quyết toán các công trình cấp điện tại các khu điểm tái định cư TĐSL, đảm bảo cấp điện phục vụ thi công TĐSL và các dự án thuỷ điện khác trên địa bàn, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu về điện cho các chương trình dự án phát triển KT-XH-ANQP trên địa bàn tỉnh.

PV: Trong tiến trình đổi mới, cơ cấu hóa ngành Điện cho phù hợp với xu thế phát triển, trong thời gian tới đây Điện lực Sơn La sẽ tiếp tục được nâng cấp thành Công ty Điện lực Sơn La, thách thức và vận hội mới sẽ ra sao, thưa ông?

GĐ Lê Quang Thái: Không ngừng nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, tích cực cải cách hành chính, đánh giá đúng và ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh là những yếu tố quan trọng đảm bảo cho bước phát triển của Điện lực hiện nay và Công ty Điện lực Sơn La trong thời gian tới. Đặc biệt, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ĐLSL quyết tâm ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực hoạt động, coi đây là biệp pháp nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của CNVC-LĐ, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả SXKD hướng tới mục đích cuối cùng là đem đến những sản phẩm dịch vụ tốt nhất, thái độ tinh thần phục vụ tốt nhất đến với khách hàng. Vừa qua, trang tin điện tử của Điện lực đã hoàn tất và đi vào hoạt động, cùng với các kênh thông tin khác, trang tin điện tử sẽ là cầu nối thuận lợi giữa khách hàng và điện lực.

Với quyết tâm tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những đơn vị dẫn đầu trong khối các DN trên địa bàn tỉnh và là đơn vị hàng đầu trong ngành Điện lực, thách thức ở phía trước chắn chắn còn rất nhiều. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, với một đội ngũ CBCNV mang hoài bão, sáng tạo, năng động và chuyên nghiệp, Điện lực Sơn La sẽ bước vào thập kỷ mới của thế kỷ XXI với tâm thế tự tin và ắp đầy khát vọng, sẵn sàng vượt qua thử thách để thay đổi chính mình, chúng tôi sẽ nắm bắt  thời cơ và vận hội mới nhằm xây dựng đơn vị thành một khối vững chắc vì sự phồn vinh của Sơn La, vì sự phát triển bền vững của ngành Điện lực Việt Nam.

 PV: Cảm ơn ông!

Những dấu mốc lịch sử của Điện lực Sơn La:

- Tiền thân là Xí nghiệp điện nước 1-5 được thành lập ngày 1/5/1962.
- Tháng 5/1965, được tách ra thành Xí nghiệp điện 1.5 và Xí nghiệp nước 1.5.
- Năm 1975, một bộ phận xí nghiệp được chuyển về thị xã Sơn La thành lập tổ phát điện Khau Cả phục vụ trung tâm hành chính của tỉnh.
- Năm 1977, toàn bộ xí nghiệp chuyển từ nơi sơ tán Chiềng Pấc, Thuận Châu về thị xã Sơn La và đặt tại địa điểm Điện lực Sơn La (ĐLSL) hiện nay.
- Ngày 13/3/1990, Bộ Năng lượng đã ra Quyết định số 100 NL/TCCB-LĐ thành lập Sở Điện lực Sơn La trực thuộc Công ty Điện lực 1 (PC 1).
- Ngày 8/3/1996, EVN đã ra Quyết định số: 234 ĐVN/TCCB-LĐ đổi tên Sở Điện lực Sơn La thành Điện lực Sơn La, chức năng quản lý nhà nước về điện được giao về Sở Công nghiệp tỉnh Sơn La quản lý.

Năm 2009:

- Sản lượng điện thương phẩm: 244.667 kWh
- Giá bán điện bình quân (chưa VAT): 921,44 đồng/kWh
- Doanh thu: 249,81 tỷ đồng
- Tỷ lệ tổn thất: 5,31%.
- Toàn tỉnh có 203/206 xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, 163.000/220.000 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trong đó có 122.500 hộ ở vùng nông thôn.
- Đạt giải Nhất trong khối các Điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc về hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

Theo: TCĐL số 3/2010